Đức Thọ chủ động phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2010, năm nay, ngay đầu mùa mưa bão, UBND huyện Đức Thọ đã chủ động triển khai phương án phòng chống, đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy các cấp nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành.

Năm 2010, Đức Thọ (Hà Tĩnh) chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 3 và trận lũ chồng gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn.

Lũ lụt đã làm chết 4 người, bị thương 83 người gây ngập lụt 27/28 xã trong toàn huyện, làm ngập 20.473 nhà dân, 415 phòng học bị ngập sâu, 3 phòng học bị sập đổ, 96 phòng bị hư hỏng nặng, hàng trăm bộ bàn ghế, đồ dùng học tập bị hư hỏng hoàn toàn. 743 ha ngô Đông, 380 ha rau màu, 87.979 cây ăn quả bị ngập úng và hư hỏng hoàn toàn, 1.253 tấn lương thực bị ngập nước và hư hỏng, 18 con trâu bò, 1.632 con lợn, 102.000 con gia cầm bị trôi chết, 519 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị ngập trôi. Về cơ sở hạ tầng, nhiều cầu, cống, kè, kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng khối lượng sạt lở ước tính 106.707m3 , ước tính thiệt hại về tài sản trên 100 tỷ đồng.

Xã Đức Đồng (Đức Thọ) chìm trong biển lũ năm 2010
Xã Đức Đồng (Đức Thọ) chìm trong biển lũ năm 2010

Với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Đức Thọ chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về thiên tai, bão lụt để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đặc biệt chú ý tuyên truyền cho tầng lớp học sinh, trẻ em các biện pháp phòng tránh lũ, đuối nước…

Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng BCH PCBL huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết: Để công tác PCBL năm 2011 có hiệu quả, ngoài lực lượng trong BCH của huyện ra, các cơ quan, đơn vị phải bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại đơn vị khi có mưa lớn, có tin bão gần trước thì để bảo vệ tài sản của cơ quan sau thì bổ sung vào lực lượng xung kích khi có lệnh điều động của huyện. Ngoài ra, ở các xã, thị trấn, mỗi địa phương thành lập một đội xung kích từ 20-30 người.

Tuyến đường sắt đoạn qua Ga Yên Duệ (Đức Lạng) bị xói lở trong trận lũ chồng tháng 10/2010
Tuyến đường sắt đoạn qua Ga Yên Duệ (Đức Lạng) bị xói lở trong trận lũ chồng tháng 10/2010

Đối với đê Rú Trí, BCH PCBL huyện trực tiếp kiểm tra, xử lý các sự cố hư hỏng trên đê, đồng thời chỉ đạo các xã nằm trong khu vực ven đê như: Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Long, Đức Hòa trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ huy điều hành công tác PCBL theo địa giới hành chính quản lý đã được phân cấp.

Đối với đê La Giang, BCH PCBL huyện đã tập trung đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, làm đến đâu hoàn thành đến đó tránh tình trạng dở dang trước mùa mưa lũ.

Tại các hồ chứa lớn, huyện giao BCH PCBL của Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và Ban chỉ huy PCBL các xã có các hồ đập chứa lớn như: Đức Đồng, Đức An, Đức Lập, Đức Hòa, Đức Long..., thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trước mùa mưa lũ, đồng thời xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa theo Nghị định của Chính phủ; chịu trách nhiệm chỉ huy điều hành công tác phòng, chống lũ cho các công trình; trường hợp mực nước đạt mức gia cường có khả năng vỡ đập phải lập tức báo về BCH PCLB huyện để có phương án đối phó, đồng thời tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở phía hạ du hồ, đập.

Vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lỡ đất và các địa phương nằm dọc sông La, sông Ngàn Sâu phải xây dựng phương án chi tiết, cụ thể, đồng thời xác định được các điểm lũ quét, sạt lỡ đất có thể xẩy ra, kiểm tra, thống kê cá hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng có khả năng bị uy hiếp bởi lũ quét và sạt lở đất; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo kịp thời để người dân biết và né tránh; xây dựng và chủ động triển khai phương án di dời dân, ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi sự cố xảy ra.

Các địa phương nằm trong khu vực bị ngập sâu, vùng ngoài đê cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về các biện pháp phòng tránh lũ, đặc biệt là đối với các em học sinh ở các bậc học; chỉ đạo nhân dân chuẩn bị dự trữ đầy đủ lương thực, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác đề phòng lũ ngập dài ngày; tổ chức lực lượng canh trực tại các điểm xung yếu, nhằm hướng dẫn mọi người tham gia giao thông đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân thường xuyên kiểm tra, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời các sự cố trên đê, đồng thời tập trung chuẩn bị vật tư tại chỗ như: đất đá, tre nứa, rơm rạ và tổ chức lực lượng canh gác, lực lượng xung kích hộ đê, tổ chức giải toả lấn chiếm hành lang, các vật cản làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ đê và chỉ huy điều hành trong thời gian mưa lũ xẩy ra.

Rút kinh nghiệm sau đợt lũ chồng năm 2010, BCH PCLB huyện yêu cầu công tác "4 tại chỗ" năm 2011 cần phải triển khai chi tiết hơn, cụ thể hơn; tăng cường nguồn thức ăn dự trữ cho người và gia súc (nếu như năm 2010 và những năm trước nguồn thức ăn dự trữ chỉ đảm bảo trong vòng 20 ngày thì năm nay tăng lên 30 ngày). Huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ những xã ngoài đê mỗi xã 1 chiếc thuyền máy và phao cứu sinh để chủ động đi lại và cứu hộ trong thôn xóm.

Với những phương án chặt chẽ, cụ thể trên, tin rằng, Đức Thọ sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tải sản xủa nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast