Công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng chưa đáp ứng yêu cầu.

Sáng 23/8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để báo cáo đề án quản lý, bảo vệ rừng bền vững trong giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp.

Gỗ lậu bị các cơ quan chức năng bắt giữ tại Sơn Giang - Hương Sơn. Ảnh Minh Lý

Tính đến hết năm 2010, diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 362.603 ha, chiếm 60,2% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích có rừng là 318.205 ha được chia làm 3 loại đã được xác định trên bản đồ và thực địa, đó là: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Độ che phủ rừng tăng bình quân mỗi năm là 1,5%, đạt 52,8% (cao hơn mức bình quân cua cả nước là 13,8%%). Trong vòng 5 năm (2006- 2010), diện tích và chất lượng rừng trồng được nâng lên rõ rệt từ khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới, đạt 49.719,20 ha. Nhiều loài cây có giá trị như Lim xanh, Re hương, cồng, Trám…đã được bảo toàn và phát huy tốt vai trò phòng hộ.

Một vụ cháy rừng tại Hương Sơn. Ảnh: Minh Lý

Hệ thống quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được thiết lập từ tỉnh đến huyện, xã, từng bước đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo vệ rừng, thực hiện tuần tra, truy quét các đối tượng vi phạm pháp luật và chống người thi hành công vụ. Một số huyện đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa lực lượng BVR của chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm, do đó công tác kiểm tra, giam sát được triển khai khá đồng bộ.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm về khai thác, tàng trữ trái phép lâm sản và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra khá phức tạp, việc xử lý còn nhiều bất cập và chưa triệt để. Trong vòng 5 năm, từ 2006 đến năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 4.015 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản trái phép; 150 vụ cháy rừng và 22 vụ chống người thi hành công vụ.

Thời gian tới, ngành chú trọng tổ chức quản lý bảo vệ và sử dụng bêng vững, hiệu quả hơn, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 56% vào năm 2020. Điều đó sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của BĐKH, XĐGN…

Kiểm lâm Hà Tĩnh tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Ngô Tuấn

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự ghi nhận những cố gắng của ngành kiểm lâm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, rừng vẫn bị xâm hại nghiệm trọng, làm mất cân bằng sinh thái. Một số bộ phận cán bộ nghành kiểm lâm và chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm được giao, đây chính là nguyên nhân cốt lõi tạo cơ hội cho lâm tặc xâm hại đến tài nguyên rừng.

Để bảo vệ, quản lý và phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm bảo vệ vững chắc rừng. Cần huy động toàn bộ lực lượng chính trị vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch phát triển rừng và cụ thể hoá tại các địa bàn; phân cấp trách nhiệm cụ thể từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, coi đây là yêu cầu nhiệm vụ và cũng là giải pháp trước mắt cho việc phát triển rừng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast