Đối mặt với nguy cơ bùng phát bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá gây hại trên lúa mùa

Bộ NN&PTNT vừa đưa ra cảnh báo, cùng với Thanh Hóa, Hà Tĩnh đang đối mặt với nguy cơ xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên trà lúa mùa chưa thu hoạch khi mà địa phương láng giềng là Nghệ An đã trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc bùng phát loại bệnh nguy hiểm này.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV Hà Tĩnh kiểm tra đồng ruộng xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV Hà Tĩnh kiểm tra đồng ruộng xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên

Xuất hiện từ đầu tháng 7 với 5.506 ha lúa hè thu bị nhiễm, đến nay, dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá ở Nghệ An đã làm 3.510 ha lúa bị mất trắng. Không chỉ gây hại trên lúa hè thu, dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá còn có chiều hướng lây lan mạnh trên trà lúa mùa ở Nghệ An, đe dọa việc lây truyền thứ bệnh nguy hiểm này sang các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Theo Cục BVTV trung ương, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa là 2 bệnh do 2 loạt vi rút khác nhau gây ra nhưng đều được truyền qua rầy nâu khi đối tượng này chích hút cây lúa; chúng thường xuất hiện cùng lúc, có trường hợp trên một bụi lúa đồng thời xuất hiện cả hai loại bệnh này.

Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá từng gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa ở nhiều tỉnh thuộc Nam Bộ trong năm 2006 và đến nay vẫn còn là dịch bệnh đáng lo ngại nhất trên cây lúa ở vùng này.

Các triệu chứng trên đồng ruộng Nghệ An cho thấy, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá xuất hiện cùng lúc.

Với bệnh vàng lùn, lúc mới bị bệnh, cây lúa lùn, chiều cao cây không đều, mọc nhiều chồi; lá xòe ngang, lá ngắn, phiến lá hẹp, cứng, màu xanh vàng hoặc da cam, trên lá có nhiều đốm gỉ sắt, sau đó lá chuyển nhanh sang màu vàng rồi khô lụi từng đám lúa hoặc cả thửa ruộng; rễ kém phát triển và ngắn, sau đó chết.

Thạc sỹ Lê Anh Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh: "Để đảm bảo an toàn không chỉ cho trên 5.000 ha vụ mùa mà còn cho cả vụ đông xuân 2009 - 2010 tới, thời gian này, ngành NN&PTNT Hà Tĩnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhất là chú ý đối tượng rầy nâu nhằm xác định xem bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh hay chưa để sớm có biện pháp ngăn chặn từ xa, đồng thời trình báo với Bộ chủ quản nhằm có hướng xử lý hiệu quả"

Đối với bệnh lùn xoắn lá, cây bệnh lùn, màu lá xanh đậm, rìa lá bị rách và gợn sóng, dọc theo gân lá có bướu; chóp lá bị biến dạng, xoăn tít; lúa không trổ được hoặc bị nghẹn đòng, đôi khi có nhiều chồi mọc trên các đốt thân của cây lúa, nếu trổ được thì hạt cũng sẽ lép.

Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh, có thể truyền từ vụ này sang vụ tiếp theo và đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Để phòng ngừa chúng, bà con nông dân cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu có hiệu quả, đồng thời áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khỏe, nhất là giai đoạn trước trổ nhằm gia tăng sức đề kháng của cây.

Khi bùng phát bệnh thì chỉ còn cách tiêu hủy nguồn bệnh ngay trên đồng ruộng bằng cách cày, trục cả ruộng và tuyệt đối không được để lan trên bờ. Dĩ nhiên, trước khi tiến hành các biện pháp tiêu hủy thì cần phun thuốc diệt rầy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast