Tràn lan thuốc tân dược "xách tay" cho trẻ em ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thuốc tăng chiều cao, canxi, vitamin, kháng sinh… cho trẻ em được gắn mác "xách tay" luôn hấp dẫn các "mẹ bỉm sữa" trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhiều người không tiếc "móc hầu bao" cho những loại thuốc này mà không lường trước nguy hiểm...

Tràn lan thuốc tân dược “xách tay” cho trẻ em ở Hà Tĩnh

Nhiều loại tân dược "xách tay" như canxi, vitamin tổng hợp được bày bán tại một cửa hàng tại TP Hà Tĩnh

Dùng thuốc theo "bác sĩ google"

Con gái 6 tháng tuổi vừa mới chớm ho, chị Phạm Thị Dung (TP Hà Tĩnh) đã tức tốc tìm mua siro ho Prospan từ Đức tại một cửa hàng bán hàng nhập khẩu trên địa bàn TP Hà Tĩnh về cho bé dùng.

Theo chị, đây là hàng "xách tay" có người thân đã từng sử dụng sản phẩm này “mách nước” nên đã tìm mua. Tuy nhiên, do không tin tưởng hướng dẫn miệng của nhân viên bán hàng cũng như nhãn mác trên sản phẩm toàn là chữ viết của nước xuất bán nên chị đành đánh liều “đoán” theo ký tự in trên vỏ hộp và tham khảo… google. Theo vỏ hộp, dưới 1 tuổi cho uống 12 giọt thì bé mới 6 tháng, chị sẽ dùng 6 giọt... cho "chắc ăn" (?)

Trong khi đó, thấy bé trằn trọc, khó ngủ, rụng tóc vành khăn, bà mẹ trẻ Trần Thị Vân (26 tuổi, Can Lộc) đã mua canxi và vitamin D3 qua một tài khoản facebook bán hàng qua mạng cho con dùng.

“Thị trường có rất nhiều loại bổ sung vitamin D3 cho bé với nhiều giá khác nhau nên mình cũng rất “hoang mang” khi tìm mua cho con. Tuy nhiên, trong khi một hộp lọ vitamin D3 hàng nội có mấy chục nghìn thì hàng xách tay có giá vài trăm nghìn. Thế nên, mình chọn hàng xách tay với tâm lý “tiền nào, thịt nấy” và sử dụng theo tham khảo trên mạng" - chị Vân chia sẻ.

Việc tìm mua tân dược "xách tay" hiện khá dễ dàng khi nhiều cửa hàng bán đồ dùng cho trẻ em mọc lên và kênh bán hàng online cũng hoạt động hiệu quả không kém. Tuy nhiên, điều đáng ngại là những cửa hàng này chỉ bán kèm các loại tân dược và người bán không có chuyên môn y dược để tư vấn, hướng dẫn cho khách. Đặc biệt, với kênh bán thuốc qua mạng lại càng nguy hiểm hơn khi mọi thông tin về người bán, chất lượng thuốc… không rõ ràng.

Tràn lan thuốc tân dược “xách tay” cho trẻ em ở Hà Tĩnh

Si-rô Prospan được cho là "xách tay" từ Đức (lọ nhỏ 20 ml) có giá gần gấp 3 so với Prospan nhập khẩu chính hãng về Việt Nam (lọ lớn 100 ml)

Cẩn thận rước bệnh vào con

“Con mình bị thiếu canxi và được bác sỹ kê đơn dùng canxi nano pediakid. Vì phải bổ sung đợt hai nên mình có đặt 2 hộp qua mạng với giá 140 nghìn/hộp. Tuy nhiên, khi nhận thuốc về dùng thì màu thuốc đậm hơn, mùi khó chịu như mùi nước chè ôi… rất khác với thuốc dùng đợt trước nên mình chắc chắn là mua nhầm hàng giả. May sao con chưa kịp uống”, chị Võ Thị Thủy (TP Hà Tĩnh) chưa hết hoảng hốt khi kể về lần trót dại mua thuốc trên mạng.

Theo thông tin chúng tôi có được, Prospan là thuốc ho sản xuất tại Đức, đã được nhập khẩu và phân phối về Việt Nam bán với giá 68 nghìn đồng/hộp trong khi hàng xách tay bán với giá 185 - 190 nghìn đồng/hộp. Tuy nhiên, Prospan tại Đức có rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau và không phải loại nào cũng dùng được cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Không ít mẹ đã mua nhầm dạng dùng cho người lớn để dùng cho trẻ em do không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt được Bộ y tế kiểm duyệt.

Trao đổi về vấn đề này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Nguyễn Đình Khoa cho biết: "Các mặt hàng mác "xách tay" nước ngoài nói chung và thuốc "xách tay" nói riêng khi lưu thông trên thị trường Hà Tĩnh phải được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, quy định này gần như không được thực hiện. Rõ ràng, điều này là trái quy định pháp luật. Trong khi đó, với những mặt hàng "xách tay", các cơ sở thường bán với số lượng rất nhỏ nên khó cho lực lượng chức năng khi kiểm tra và xử lý".

Có thể thấy, chất lượng hàng "xách tay" nói chung và tân dược "xách tay" nói riêng vẫn đang tùy vào... lời quảng cáo của người bán. Trong khi, việc dùng thuốc chữa bệnh, bổ sung chất bổ, vitamin… vào cơ thể trẻ nhất thiết phải theo chỉ định của bác sỹ. Vì vậy, các mẹ "bỉm sữa" đừng vì sính hàng ngoại, nghe “y lệnh” truyền miệng, "bác sỹ Google" mà rước bệnh vào con!

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast