Huy động toàn xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ

(Baohatinh.vn) - Ngày 1/1/2014, Luật Khoa học & Công nghệ (KH&CN) sửa đổi chính thức có hiệu lực, tiếp tục khẳng định KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN xung quanh vấn đề này.

- Luật KH&CN sửa đổi, bổ sung có những điểm mới nào, thưa ông?

Luật KH&CN sửa đổi gồm 11 chương, 81 điều. So với Luật KH&CN năm 2000, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn, hợp lý hơn, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 6 về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động KH&CN, trong đó, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý.

Thứ nhất, Luật sửa đổi đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các hội nghị quốc tế... đối với nhà khoa học đầu ngành, trình độ cao, nhà khoa học đang chủ trì các đề tài, đề án quốc gia. Đặc biệt, quy định tạo điều kiện cho nhà khoa học đẳng cấp được đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tổ chức nghiên cứu, thực hiện ý tưởng đặt ra. Luật cũng cụ thể hóa nhiều chế độ đãi ngộ đối với nhà khoa học là Việt kiều, chuyên gia quốc tế tham gia trong các chương trình đề án nghiên cứu với Việt Nam.

Luật KH&CN sửa đổi đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ với nhà khoa học đầu ngành
Luật KH&CN sửa đổi đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ với nhà khoa học đầu ngành

Thứ hai, xác định thực hiện nhiệm vụ KH&CN, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng nghiên cứu hoặc đặt hàng nghiên cứu cho nhà khoa học. Phương thức đầu tư cho KH&CN, Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Ngân sách cho KH&CN phải được ghi thành 1 mục chi riêng trong mục lục NSNN hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Việc phân bổ NSNN dành cho KH&CN của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ, bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư lại cho nghiên cứu và phát triển thông qua việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của DN.

Thứ ba, quản lý và sử dụng NSNN cho nghiên cứu KHCN, được đổi mới về căn bản thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia và các quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, cũng như ở các tỉnh, thành phố.

Thứ tư, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có trách nhiệm trực tiếp hoặc tham gia triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, đời sống theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, yêu cầu và hướng dẫn của bên đặt hàng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Thứ năm, ngoài những quy định về các loại giải thưởng KH&CN của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật, luật còn quy định về danh hiệu vinh dự nhà nước đối với các nhà khoa học, nhà công nghệ có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, luật còn quy định “Ngày KH&CN Việt Nam” là 18/5 hàng năm.

- Theo Luật KH&CN sửa đổi, việc bắt buộc các DN nhà nước thành lập quỹ phát triển KH&CN sẽ tạo ra những thuận lợi nào đối với DN trong hoạt động SXKD?

Quỹ phát triển KH&CN do DN thành lập nhằm tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN của DN thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN. Cụ thể là cấp kinh phí cho việc thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của DN, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN; mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin KH&CN, các tài liệu, sản phẩm có liên quan; trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động KH&CN và đào tạo nhân lực cũng như đầu tư cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; đặc biệt là đối với những DN là công ty trực thuộc tổng công ty hoặc là công ty con được sử dụng nguồn vốn của quỹ để chi nộp về Quỹ Phát triển KH&CN của tổng công ty hoặc công ty mẹ và ngược lại. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để các DN thúc đẩy hoạt động KH&CN.

- Xin ông cho biết, Luật KH&CN sửa đổi tác động như thế nào đối hoạt động KH&CN cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng?

Luật KH&CN sửa đổi thể hiện rõ quan điểm đổi mới cơ bản toàn diện về chính sách phát triển KH&CN. Đây là khung pháp lý quan trọng, điều chỉnh mọi hành vi liên quan đến hoạt động KH&CN, từ góc độ quản lý nhà nước đến trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN và giải quyết 3 nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Huy động đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH&CN, trọng tâm là đầu tư của DN nhà nước thông qua quỹ phát triển KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN, trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính; chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN, trọng tâm là trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng.

Vì vậy, Luật KH&CN sửa đổi có hiệu lực đã tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN nói chung và KH&CN Hà Tĩnh nói riêng một hành lang pháp lý vô cùng quan trọng; là cơ hội, là điều kiện để KH&CN nói chung phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast