Quốc hội thảo luận tổ Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự

(Baohatinh.vn) - Trong các ngày từ 26-27/5, với dự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tổ đại biểu Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Vĩnh Long và Lai Châu tiếp tục tham gia thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự điều hành thảo luận.

Tại buổi thảo luận, đa phần đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự thời điểm này là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Về việc loại bỏ án tử hình đối với tội tham ô, hối lộ là phù hợp, đồng thời nên tăng hình phạt tù và tịch thu tài sản, phạt tiền nghiêm minh đối với tội danh này. Tuy nhiên, việc đưa tội ác gây chiến tranh ra khỏi hình phạt tử hình là không hợp lý, vì tội ác chiến tranh là hết sức nguy hiểm. Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định không xử phạt án tử hình đối với người trên 70 tuổi, bởi luật xử lý tội phạm và trừng trị người phạm tội chứ không xử lý về độ tuổi…

Quốc hội thảo luận tổ Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự điều hành thảo luận

Theo một số đại biểu, luật hiện hành quy định người đủ tuổi thành niên là 18 tuổi, tuy nhiên cần xem xét để quy định lại mức tuổi này, đồng thời sử dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, bởi hiện nay tội phạm hình sự đang ngày càng trẻ hóa.

Về quy định chuyển phạt tiền thay cho phạt tù trong một số tội danh, đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số cho rằng, trong những tội danh chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội có thể thay thế hình phạt tù bằng hình thức phạt tiền. Số khác cho rằng, chưa nên thay thế, áp dụng điều này vào thực tiễn, vì các công dân bình đẳng trước pháp luật và tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc phạt tù nhằm đảm bảo tính răn đe, kỷ cương của pháp luật.

Thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi bộ luật lần này nhằm phù hợp với Hiến pháp 2013, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo các đại biểu, trong thời gian qua, việc bỏ lọt tội phạm, án oan sai có xu hướng tăng, một phần xuất phát từ những quy định của luật chưa chặt chẽ trong các khâu từ điều tra, xét hỏi đến quá trình thi hành án.

Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Võ Kim Cự đề nghị cần tổ chức ghi âm, ghi hình để bảo vệ quyền con người, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đại biểu đề cập đến các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy đăng ký bào chữa, quyền thu thập chứng cứ và các biện pháp thu thập chứng cứ của người bào chữa; tăng cường đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan và công tâm trong quá trình tố tụng và tăng cường tranh tụng tại phiên tòa để bảo vệ quyền con người; việc mở rộng cơ quan có nhiệm vụ thực hiện hoạt động điều tra ban đầu cần cân nhắc kỹ lưỡng, có sự lựa chọn cho phù hợp.

Về vai trò của viện kiểm sát, một số đại biểu cũng đề nghị nên giữ quy định về việc viện kiểm sát được quyền ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu một vụ việc đủ yếu tố cấu thành tội phạm, viện kiểm sát yêu cầu nhưng cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố thì viện kiểm sát có quyền ra quyết định khởi tố…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast