Khu lưu niệm Nguyễn Du (Nghi Xuân) là nơi để tưởng nhớ tâm tài thi nhân của thế hệ trẻ. Ảnh: Minh Chiến
Tuy sinh sống ở 2 nền văn hóa khác biệt nhưng cả Puskin và Nguyễn Du đều là con của những gia đình quan lại, quyền quý, đam mê học hành, văn chương. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, 2 đại thi hào đều được tiếp xúc với những pho sách quý và những con người tài năng, học cao hiểu rộng.
Cả hai đã sớm dành tình yêu cho văn chương và sáng tác thi ca. Cũng chính từ trong việc sáng tác ấy, những tài năng thiên phú đã sớm được bộc lộ. Và ở phương diện ngôn ngữ, cả Puskin và Nguyễn Du đều được mệnh danh là người sáng tạo ngôn ngữ văn học dân tộc.
Nếu như Puskin được ví là “Mặt trời của thi ca Nga” thì Nguyễn Du lại được ngợi ca “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn” và rất nhiều nữa những so sánh, ẩn dụ để ngợi ca tài năng của hai đại thi hào.
Puskin - Mặt trời của thi ca Nga. Ảnh minh hoạ từ Internet
Puskin được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người tạo ra ngôn ngữ văn học Nga hiện đại. Tiếp thu thành tựu của các nhà văn đi trước, tiếp thu hài hòa văn học bác học và dòng văn học dân gian Nga, ông trở thành nhà cải cách vĩ đại của ngôn ngữ văn học Nga, là cha đẻ thực sự của nền văn học Nga mới và ngôn ngữ văn học mới của Nga.
Tiếp thu những thành tựu của các nhà văn thế hệ trước, Puskin có những cách tân phi thường về ngôn ngữ văn học. Puskin đã thay thế ngôn từ kiểu cách, êm dịu, bóng bẩy, sáo rỗng của salon quý tộc nhiều thế kỷ bằng những ngôn từ bình dị, chân chất, chính xác, súc tích. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông có sức truyền cảm mạnh, mang tính nhân dân sâu sắc.
Năm 1820, Puskin hoàn thành trường ca “Ruxlan và Luitmila”. Đây là bản trường ca đầu tiên của ông, là sự kiện “tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Nga”. Gorki nhận định: “Puskin đã đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới và trong khi giải thoát nền văn học ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, Đức, đồng thời cũng giải thoát nền văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà những tác giả trước Puskin đều mắc phải”.
Những đánh giá dành cho Puskin đó cũng có thể chiếu vào thiên tài Nguyễn Du. Đỉnh cao sáng tạo ngôn ngữ của Nguyễn Du chính là ở 3.254 câu Kiều. Tuy dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc) nhưng Nguyễn Du đã bỏ xa phiên bản gốc bằng những sáng tạo ngôn ngữ đỉnh cao. Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ là một thi sỹ mà còn là một nghệ sỹ. Cảm giác như Nguyễn Du đã chắt lọc bao nhiêu tinh túy của dân tộc để đưa vào thơ ca.
Hội thảo Nguyễn Du - Puskin: Tương đồng và khác biệt tại Hà Tĩnh
Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biết lọc lấy những phần ưu tú nhất trong lời ăn tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, biểu hiện được một chừng mực nhất định những cảm nghĩ của nhân dân đối với giai cấp thống trị đương thời. Ông đã học được nghệ thuật biểu hiện những cảm nghĩ trước thời thế của nhân dân để sáng tạo nên một Truyện Kiều bất hủ.
Nhiều người cho rằng, ngôn ngữ Truyện Kiều tuy vẫn có sử dụng từ Hán Việt nhưng đều rất tinh tế. Ở một góc độ nào đó, ông đã giúp ngôn ngữ Hán - Việt gần gũi và dễ hiểu hơn trong đời sống. Không những thế, Nguyễn Du đã cố gắng Việt hóa bằng cách dựa vào từ Hán để tạo ra từ mới cho tiếng Việt. Sự tinh tế, sáng tạo của Nguyễn Du đã khiến Truyện Kiều vừa cao sang, vừa giản dị. Người trí thức lẫn kẻ bình dân đều có thể hiểu, yêu mến và cảm thấy Truyện Kiều rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình.
Dịch giả Thuý Toàn (người áo sẫm) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng nhiều nhà nghiên cứu về Puskin và Nguyễn Du bên lề Hội thảo “Nguyễn Du - Puskin: Tương đồng và khác biệt”.
Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du sáng tạo rất nhiều ngôn từ mới, của riêng mình mà không phải là cách tạo từ thông thường. Cùng một sự vật, hiện tượng, đại thi hào có rất nhiều cách tạo từ mới mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cao. Ví như giấc ngủ được gọi bằng rất nhiều từ khác nhau như: Giấc xuân, giấc mai, giấc hòe, giấc tiên, giấc nồng…; nước mắt lại được gọi là giọt ngọc, giọt châu, giọt tương, giọt hồng, giọt tủi, giọt riêng…; đường xa được sáng tạo thành nhiều cách gọi có sức gợi như: Dặm hồng, dặm xanh, dặm băng, dặm khách, dặm phần v.v…
Ngoài ra, từ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng có biệt tài sử dụng từ ngữ đắt, tạo hiệu quả thẩm mỹ. Không chỉ 1 từ là đã khắc họa được tính cách nhân vật mà ngày nay người ta còn coi như đó là một mặc định về một hạng người. Rất nhiều nhân vật riêng trong Truyện Kiều đã trở thành danh từ chung chỉ một hạng người trong xã hội như: Tú Bà, Sở Khanh…
Có thể nói, cách dùng từ đặc sắc của Nguyễn Du chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến Truyện Kiều trở thành kiệt tác. Và, chính sự sáng tạo, linh hoạt, sàng lọc, gọt giũa, làm mới không ngừng ngôn ngữ tiếng Việt đã tôn vinh Nguyễn Du là Đại thi hào dân tộc và là bậc thầy của ngôn ngữ tiếng Việt.