Quân và dân Hà Tĩnh góp phần giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp

(Baohatinh.vn) - “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Trong thiên sử vàng kháng chiến chống Pháp ấy, quân và dân Hà Tĩnh có những đóng góp không nhỏ vừa bảo vệ vững chắc địa phương, vừa tham gia kháng chiến chống Pháp khắp các mặt trận.

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019)

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, Trung ương nhận định, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An, Thanh Hóa vẫn nằm trong kế hoạch đánh chiếm của thực dân Pháp. Vào đầu năm 1947, thực dân Pháp đã cho máy bay đánh phá nhiều lần vào thị xã Hà Tĩnh và các huyện gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân tỉnh ta. Đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và thử thách cam go. Trên các chiến trường, quân và dân ta đã giành quyền chủ động, liên tiếp mở các chiến dịch tiến công, đẩy địch vào thế phòng ngự.

Ngày 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, làm “chấn động địa cầu”, dựng lên một mốc son lịch sử chói lọi. Ảnh tư liệu

Tháng 7/1951, Liên khu ủy giao cho Hà Tĩnh chuyển gấp 1.000 tấn gạo và một số hàng hóa khác vào mặt trận phía Nam trong tháng 7 và tháng 8. Ban Cung cấp mặt trận tỉnh đã tổ chức 3 tuyến vận tải cả đường bộ, đường sắt, đường biển đưa số lương thực, thực phẩm, vũ khí đến nơi an toàn. Ngoài ra, nhân dân trong tỉnh còn cung cấp lương thực, thực phẩm và bổ sung 2 tiểu đoàn tân binh cho Trung đoàn 18 củng cố xây dựng tại huyện Cẩm Xuyên; đón nhận và nuôi dưỡng, cứu chữa cho 2.000 thương binh, bệnh binh và cán bộ đau yếu từ chiến trường ra Hà Tĩnh.

Dù đã không còn cơ hội gặp cựu chiến binh Phan Phận (ở xã Tân Lộc - Lộc Hà) nữa nhưng những câu chuyện mà hồi ông còn sống kể cho tôi nghe mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên hào khí. Cụ Phan Phận từng chia sẻ: Giai đoạn cuối 1951 đến đầu 1953, dù ông đã đi chiến dịch nhưng vẫn ngóng về quê hương. Hồi ấy, nghe tin máy bay, tàu chiến địch liên tục ném bom, đánh phá vào Hà Tĩnh thì lòng căm thù giặc càng cao. Quân dân Hà Tĩnh không chỉ ra sức tập luyện, chiến đấu bảo vệ quê hương mà còn nô nức lên đường tòng quân, quyết tâm đánh thắng giặc Pháp.

Lịch sử còn ghi rõ, giai đoạn cuối năm 1951 - đầu 1952, Hà Tĩnh đã bổ sung cho các đơn vị chủ lực 3.030 tân binh và cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương; huy động 9.602 dân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình. Bước sang giai đoạn 1953-1954, trong khi quân - dân cả nước tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh được Trung ương giao nhiệm vụ huy động nhân tài, vật lực phục vụ chiến dịch Trung Lào. Đây là một hướng tiến công chiến lược quan trọng của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Nhận nhiệm vụ, Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Nguyễn Sáng, Bí thư Tỉnh ủy làm chủ tịch. Toàn tỉnh xây dựng 37 trạm vận chuyển, huy động 56.000 TNXP và dân công, trong số đó có 28.300 người trực tiếp phục vụ chiến đấu trên đất Lào với 1.299 chiếc thuyền, 394 xe đạp thồ. Lực lượng này cũng đã vận chuyển được 3.409 tấn gạo, 150 tấn muối và 2.102 con trâu phục vụ chiến dịch. Chiến dịch Trung Lào giành thắng lợi có phần đóng góp to lớn của quân và dân Hà Tĩnh, góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Na-va, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác tiêu diệt địch.

Nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp, không thể không nhắc tới sự đóng góp của quân và dân Hà Tĩnh đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp được trên 1.000 tấn thóc, 200 kg thuốc lào, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá cùng hàng nghìn lá thư gửi ra tiền tuyến để cổ vũ, động viên chiến sĩ Điện Biên.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhiều cán bộ, chiến sĩ là những người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã dũng cảm chiến đấu quên mình và anh dũng hy sinh vì thắng lợi cuối cùng, tiêu biểu như anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên. Trên mặt trận vận tải, tiếp tế, dân công và TNXP Hà Tĩnh đã sát cánh với các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hình ảnh Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành toàn thắng cho trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang với thành công của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Và, góp vào trang sử vẻ vang của dân tộc, Hà Tĩnh tự hào có những đơn vị, cá nhân tiêu biểu như Tiểu đoàn 290, Đại đội 55 bộ đội địa phương, Đại đội dân công huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, dân quân du kích xã Cẩm Nhượng; các anh hùng: Phan Đình Giót, Nguyễn Đô Lương, Nguyễn Xuân Lực và nhiều liệt sĩ khác…

Những ngày tháng 5 lịch sử, cùng với cả nước, người dân Hà Tĩnh đang tự hào ôn lại truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu.

(*) Các số liệu trong bài được dẫn từ: Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hà Tĩnh (1945-2010) NXB Quân đội nhân dân, 2011.

Chủ đề CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói