Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

(Baohatinh.vn) - Chiến dịch Điện Biên Phủ - trang sử vàng của quân sự Việt Nam, mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam đã trở thành cảm hứng cho các thi sỹ, nhạc sỹ. Từ trong những cảm xúc của người nghệ sỹ, hình ảnh Điện Biên Phủ càng trở nên lừng lẫy, anh hùng…

Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

Tượng đài chiến thắng Điện Biên (ảnh Internet)

Hiếm có sự kiện lịch sử nào mà lại tạo nên nhiều cảm hứng cho thơ ca như chiến thắng Điện Biên Phủ. Những gian nan, vất vả, những hy sinh của quân và dân ta đã tạo cảm hứng cho các thi sỹ, nhạc sỹ, góp phần làm nên tên tuổi của họ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Đầu tiên có thể kể đến nhạc sỹ Đỗ Nhuận với “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Giải phóng Điện Biên” đã gây xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam 65 năm qua. Trong đó, đặc biệt nhất và phổ biến rộng nhất, nhanh nhất là ca khúc “Giải phóng Điện Biên”. Chỉ sau khi ra đời vài tiếng, bài hát đã được biểu diễn tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên và 65 năm qua, mỗi lần ca khúc vang lên là một lần không khí hào sảng của những tháng ngày đánh trận Điện Biên được tái dựng qua từng nốt nhạc, ca từ...

Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

Hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ - nơi quân ta cắm cờ chiến thắng, khởi nguồn cảm xúc cho nhiều tác phẩm thơ nhạc. (Ảnh Internet)

Cùng với các ca khúc của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, rất nhiều những tác phẩm khác như “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao, “Đường lên Tây Bắc” của Nguyễn Thành, “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc” của Lưu Hữu Phước, “Tây Bắc sáng lại” của Trọng Bằng, “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh… đều lấy cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận - người có nhiều ca khúc nổi tiếng về chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh Internet)

Tất cả đã trở thành đại hợp xướng ca ngợi Tây Bắc anh hùng, ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Những ca khúc ấy dù là được thu âm và thể hiện trong thời kỳ chống Pháp hay giữa thời bình, dù được thể hiện bởi những nghệ sỹ có mặt trên chiến tuyến hay bởi những ca sỹ thế hệ mới thì vẫn chất chứa thật nhiều niềm tự hào dân tộc, vẫn hừng hực khí thế ra trận, vẫn truyền lửa tin yêu, lạc quan cho con người…

Cảm hứng về Điện Biên xuất hiện trong thơ rất nhiều, cả trong khi chiến dịch đang diễn ra và khi đã giành thắng lợi. Trong đó, những tên tuổi như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… và cả Chế Lan Viên, Xuân Diệu… đã khai thác rất nhiều chất liệu từ cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta.

Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

Nhà thơ Tố Hữu - Tác giả của bài thơ Hoan hô chiến sỹ Điện Biên dáng tác ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. (Ảnh Internet)

Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, Tố Hữu đã có một bài thơ rất hay, rất kịp thời và đúng lúc “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”. Bài thơ là dòng ký sự chiến dịch, là khúc tâm tình reo vui chiến thắng, được thể hiện bằng một ngôn từ trong sáng, mộc mạc và một tiết tấu thơ linh hoạt, phong phú, thể hiện niềm hân hoan tột độ của cả dân tộc đang bước lên vũ đài chiến thắng: “Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng/ Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta”…

Sau này, trong bài thơ Việt Bắc viết vào tháng 10/1954, Tố Hữu còn khắc họa lại cái khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên với niềm tin tất thắng: “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay/ Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ, nhạc

Tác giả Nguyễn Đình Thi thời trẻ (Ảnh Internet)

Cùng với Tố Hữu, tác giả Nguyễn Đình Thi cũng có khá nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên. Đầu tiên là tác phẩm “Bài ca Điện Biên Phủ” với sự khắc họa hình ảnh người lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch với phẩm chất kiên cường, xông xáo, dũng cảm: “Người ngã lại người ngã/ Trên cánh đồng Mường Thanh/ Mắt quắc lên nảy lửa/ Chiến sĩ vút lao nhanh”. Về sau, năm 1955, khi kết thúc bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi lại một lần nữa khai thác cảm hứng Điện Biên với những hình tượng thơ kỳ vĩ, rực rỡ: “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

65 năm đã qua nhưng khí thế của chiến thắng Điện Biên vẫn như còn tươi mới. Cảm hứng từ bản anh hùng ca của dân tộc vẫn tiếp tục truyền lửa sáng tác cho các cây bút chuyên và không chuyên ngày nay.

Chủ đề 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.