Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng.
Báo cáo với đoàn công tác, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh đã thông tin về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây.
Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, những năm qua, Hà Tĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp lệnh của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh báo cáo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Hà Tĩnh.
Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong Đảng, trong xã hội được nâng lên, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện ngày càng phát huy hiệu quả. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được đảm bảo và phát huy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị ở cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng: Tôi đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 12/5/2017 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới”, vì vậy đề nghị Hà Tĩnh chia sẻ thêm kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết này.
Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức giám sát 468 chuyên đề, 820 cuộc phản biện các văn bản quy phạm pháp luật; có nhiều cuộc phản biện về các cơ chế chính sách của tỉnh có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2018, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã tiếp hơn 10,5 nghìn lượt công dân; tiếp nhận hơn 2 nghìn đơn thư các loại.
Riêng đối với cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đổi mới về hình thức, phương pháp tiếp dân theo định kỳ, trên cơ sở lồng ghép, kết hợp tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh theo hình thức “3 trong 1”.
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy: Hà Tĩnh có giải pháp nào để khắc phục tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn hiện chưa xây dựng được quy chế, quy định; những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã xây dựng được quy chế, quy định cơ bản nhưng hiệu quả còn thấp?
Ngoài ra, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, các doanh nghiệp khu vực nhà nước đã thực hiện khá tốt, qua đó phát huy được quyền làm chủ, khả năng sáng tạo của người lao động, hạn chế tranh chấp lao động. Một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn đã xây dựng được một số quy định, quy chế cơ bản.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy tối đa đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cho rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn; việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động còn hạn chế; trong xây dựng nông thôn mới, trong các cơ sở GD&ĐT có lúc có nơi còn xảy ra sai sót; một số đơn vị, địa phương việc giải quyết các vụ việc tồn đọng chậm...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Đề nghị trung ương nghiên cứu giúp Hà Tĩnh có định hướng chỉ đạo về chủ trương, pháp lý để xử lý dứt điểm một số vụ việc tồn đọng kéo dài
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là nội lực vô cùng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và vun đắp lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Hà Tĩnh xác định bài học sâu sắc nhất trong thực hiện quy chế dân chủ đó là phải nhận thức được sức mạnh của nhân dân và biết khơi sức dân để phát huy đoàn kết.
Thừa nhận việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra giải pháp cần tập trung đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp; tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ của các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động.
“Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ bằng hệ thống pháp luật, đồng thời, dân chủ phải gắn với kỷ cương, nâng cao dân trí” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Hà Ngọc Anh đánh giá: Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương, đồng thời ban hành hệ thống văn bản các quy định, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở khá đồng bộ; Ban chỉ đạo quy chế dân chủ các cấp đã có kế hoạch, chương trình, đi vào nền nếp, hiệu quả.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Hà Ngọc Anh: Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương, đồng thời ban hành hệ thống văn bản các quy định, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở khá đồng bộ
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh bày tỏ ấn tượng với kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương những năm gần đây. Đó chính là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của tỉnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân; hiệu quả từ việc khơi dậy sức dân, phát huy quy chế dân chủ cơ sở.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ngành về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; trên cơ sở đó cụ thể hóa thành chương trình, nội dung phù hợp.
Ban chỉ đạo các cấp cần tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt năm “dân vận chính quyền”; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể - chính trị, hội đoàn thể tham gia giám sát, phản biện xã hội và các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị về thực hiện dân chủ cơ sở...