Làm việc tại một ngân hàng ở TP Hà Tĩnh, thời gian đối với chị Phạm Thị Thanh Loan (phường Thạch Quý – TP) luôn chật vật. 11h30 kết thúc giờ làm việc là lúc chị Loan tất bật ghé qua chợ mua thức ăn, nấu nướng cho cả gia đình. Vì có con nhỏ nên nhiều hôm cho con ăn xong bát cháo, chị chỉ kịp và vội chén cơm là đã đến giờ đi làm buổi chiều.
Chị Loan chia sẻ: “Nghỉ 2 tiếng buổi trưa mà tôi còn xoay không kịp, giờ dự thảo quy định mới chỉ nghỉ 1 tiếng thì không biết những chị em công chức có con nhỏ như tôi phải xoay xở thế nào.”
Nhiều người lao động Hà Tĩnh cho rằng dự thảo quy định mới chưa thực sự phù hợp với tập quán sinh hoạt, điều kiện công việc và gia đình họ
Dù không có con nhỏ như chị Loan nhưng chị Lê Thị Thanh Xuân (nhân viên Điện lực Thạch Hà) cũng không đồng tình với dự thảo quy định mới này. Bởi theo chị: “Quy định này chỉ nên áp dụng tại các thành phố lớn, với Hà Tĩnh thì chưa thật sự phù hợp khi mà một bộ phận khá đông người lao động, công chức, viên chức làm việc không quá xa nhà nên vẫn muốn về nhà ăn uống, nghỉ ngơi buổi trưa để “nạp năng lượng” cho giờ làm việc buổi chiều”.
Những băn khoăn này hoàn toàn có cơ sở bởi trên thực tế, Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ, công nghiệp, dịch vụ chưa thực sự phát triển. Việc tập trung dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi buổi trưa của công nhân, lao động chưa nhiều. Tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, các dịch vụ đi kèm rất phổ biến; cơ quan, doanh nghiệp cũng đầu tư bếp ăn tập thể, nhà công vụ để cán bộ, công nhân nghỉ ngơi nên nếu phải ở lại cơ quan buổi trưa người lao động cũng không quá khó khăn.
Dự thảo mới nhằm nâng cao hiệu suất công việc nhưng cũng cần tính đến nhu cầu, quyền lợi của người lao động và điều kiện thực tế của từng địa phương
Còn ở Hà Tĩnh và nhiều tỉnh lẻ khác, không phải đơn vị, doanh nghiệp nào cũng xây dựng được chỗ ăn nghỉ cho người lao động. Nhà trẻ cho con em cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để người lao động yên tâm khi đi làm từ sáng đến tối. Ông Hồ Minh Châu – Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương cho rằng: “Nếu quy định này được áp dụng, các đơn vị phải xây bếp ăn tập thể, thuê nhân viên cấp dưỡng, bố trí chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ, công nhân, lập nhà trẻ… Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ kinh phí để thực hiện được những việc này”.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những ý kiến không đồng tình thì cũng không ít người cho rằng, áp dụng thống nhất giờ làm việc, nghỉ ngơi trên cả nước sẽ là một giải pháp điều hành hiệu quả công việc, cũng như phù hợp với một bộ phận người lao động phải làm việc xa nhà.
Áp dụng quy định giờ làm việc mới đồng nghĩa với việc các cơ quan, đơn vị phải xây dựng bếp ăn tập thể, bố trí chỗ nghỉ ngơi cho người lao động, tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.
Có thể thấy, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra dự thảo này nhằm thống nhất thời gian làm việc giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Nhưng thực tế điều kiện thời tiết, ánh sáng, không khí, nhiệt độ và tập quán sinh hoạt; tốc độ phát triển kinh tế, dịch vụ, phân bố lao động… ở các địa phương, vùng miền khác nhau, do đó việc áp dụng đồng nhất thời gian liệu đã thực sự phù hợp?
Nhà trẻ cho con em người lao động Hà Tĩnh hiện chưa đáp ứng nhu cầu nên họ không yên tâm đi làm từ sáng đến tối
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho rằng: “Quy định này với riêng Hà Tĩnh là chưa phù hợp, nếu áp dụng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Luật Lao động nhằm đảm bảo thời gian và hiệu suất công việc nhưng phải tính đến nhu cầu, quyền lợi của người lao động. Theo tôi, nên có thời gian áp dụng thử nghiệm tại một số địa phương trước khi áp dụng trên cả nước để đưa ra một phương án vừa đảm bảo sự thống nhất trong bộ máy quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong sinh hoạt và làm việc.”