Quy trình lựa chọn chức tổng giám đốc UNESCO

Cuộc phỏng vấn các ứng viên được đề cử chức tổng giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc không phải cuộc thi, mà nhằm để đại diện các nước thành viên hiểu rõ năng lực của họ.

Ứng viên Việt Nam Phạm Sanh Châu, ngoài cùng bên trái, cùng đại diện các nước tham gia tranh cử chức tổng giám đốc UNESCO. Ảnh: Facebook

Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu, ứng viên Việt Nam đầu tiên được giới thiệu ứng cử vào vị trí tổng giám đốc UNESCO, hôm 27/4 đã trình bày chương trình hành động và trả lời các câu hỏi trước Hội đồng chấp hành của Tổ chức này và đại sứ các nước thành viên.

Ứng viên Việt Nam và 8 ứng viên khác đã trình bày kế hoạch trong khuôn khổ kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ 19/4 đến 4/5 tại Paris, Pháp. Hoạt động tranh cử diễn ra khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 năm nay.

Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO chia sẻ với VnExpress, đây không phải là một cuộc thi xếp hạng mà là một cuộc phỏng vấn để các quốc gia hiểu rõ hơn về năng lực của các ứng cử viên. Sự hiểu rõ này là một trong những yếu tố quan trọng để các nước quyết định bỏ phiếu lựa chọn tân tổng giám đốc tại khóa họp Hội đồng Chấp hành vào tháng 10 và sau đó được Đại hội đồng UNESCO thông qua vào tháng 11 tới.

Mục đích của cuộc phỏng vấn là để các ứng cử viên có cơ hội trình bày cương lĩnh, tầm nhìn, sự am hiểu về UNESCO, thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành. Đại sứ Phạm Sanh Châu đã hoàn thành phần phỏng vấn, thể hiện thông điệp xuyên suốt là tăng cường vai trò của UNESCO nhằm góp phần vào việc đảm bảo sứ mệnh hòa bình; cải cách tổ chức để UNESCO hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; đề cao và tăng cường hình ảnh, vai trò của UNESCO.

Việc Việt Nam lần đầu tiên cử đại diện tranh cử chức vụ cao nhất tại một tổ chức quốc tế thể hiện thông điệp Việt Nam tiếp tục sẵn sàng đóng góp vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với đường lối đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng sẵn sàng đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, hợp tác nhiều mặt với Liên Hợp Quốc, trong đó có việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) trước đây cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện nay. Việt Nam thể hiện rằng có những cá nhân Việt Nam có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia, điều hành các tổ chức quốc tế lớn.

Cũng trong khuôn khổ khoá họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 201, trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có phát biểu tại phiên thảo luận chung.

Ông Trung nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, UNESCO cần đổi mới để nâng cao vị trí, vai trò của mình, đóng góp vào mục tiêu chung của LHQ và cộng đồng quốc tế, như việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực đóng góp hơn nữa vào các công việc chung của UNESCO.

Đến ngày 28/4/, Khóa họp đã đạt được một số nội dung quan trọng gồm thông qua chương trình và ngân sách giai đoạn 2018 – 2021; kết thúc phiên thảo luận chung việc triển khai các chương trình, định hướng lớn của UNESCO; chuẩn bị nội dung cho Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 39 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Theo VNE

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói