Gần đây, các hợp chất có hoạt tính sinh học trong rau khoai lang rất được quan tâm nhờ tác dụng chống ôxy hóa, chống ung thư, bảo vệ gan, điều hòa đường huyết và rối loạn mỡ máu .
1. Thành phần dinh dưỡng của rau lang
Theo các nghiên cứu thì trong 100g rau lang có các chất dinh dưỡng như:
Năng lượng: 22kcalNước: 91,8gProtein: 2,6gTinh bột: 2,8g
Ngoài ra, rau lang còn chứa nhiều các chất dinh dưỡng như các loại vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và các khoáng chất như magie, phospho, canxi, kali, mangan, kẽm, đồng…
Rau lang chứa nhiều vitamin và dưỡng chất.
2. Giàu chất chống ôxy hóa
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), các chất đặc tính chống ôxy hóa trong rau khoai lang là nhờ các dẫn xuất của axit caffeoylquinic, quercetin, anthocyanin… Nghiên cứu trên sử dụng 200g rau khoai lang tím cho vận động viên trong 1-2 tuần giúp giảm quá trình ôxy hóa lipid và DNA, tăng glutathione trong máu, cải thiện khả năng chống ôxy hóa trong huyết tương.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá khoai lang có tác dụng hỗ trợ phòng các loại tế bào ung thư ruột kết, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng và ung thư phổi. Cơ chế là nhờ các polyphenol và anthocyanin điều chỉnh chu kì tế bào, cảm ứng gây chết tế bào, giảm tăng sinh thành mạch. IbACP là peptit 16 acid amin được tách chiết từ rau khoai lang cũng cho thấy có khả năng ức chế dòng ung thư tuyến tụy.
3. Hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch
Tại châu Phi và Indonesia, rau khoai lang còn được sử dụng làm bài thuốc truyền thống để điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Các hợp chất flavonoid và quercetin trong lá khoai lang làm giảm sự hấp thu acid béo trong ruột thông qua điều chỉnh các enzym khác nhau liên quan đến chuyển hóa lipid và sự biểu hiện của các yếu tố phiên mã liên quan đến tổng hợp chất béo trung tính và cholesterol. Quercetin còn giảm hoạt động của lipase tuyến tụy, ức chế sự hấp thu cholesterol và triglycerid thông qua chất vận chuyển cholesterol và acid béo ở biểu mô.
4. Rau lang hỗ trợ cải thiện đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Đối với tình trạng đường huyết cao, các flavonoid trong lá khoai lang có thể thúc đẩy sự hấp thụ glucose ở mô ngoại vi và tăng cường bài tiết insulin, giảm tình trạng tự hủy của tế bào β tuyến tụy. Ngoài ra, quercetin kích hoạt tái tạo tế bào β trong tuyến tụy, gây tăng tiết insulin. Kết quả là, con đường tế bào liên quan đến bài tiết insulin sẽ được kích thích, làm giảm khả năng kháng insulin, giúp chống lại bệnh đái tháo đường.
Ngọn rau lang có chứa một chất gần giống insulin mà ở lá già không có chất này. Vì thế, người bệnh đái tháo đường có thể dùng ngọn rau lang để ăn như là một phương thuốc bảo vệ sức khỏe của mình.
Rau lang luộc là phương pháp chế biến tốt cho sức khỏe.
5. Giúp đông máu và giảm đau bụng trong kỳ kinh
Có rất nhiều loại thực phẩm cung cấp vitamin K cho cơ thể, trong đó rau khoai lang là nguồn cung cấp dồi dào. Vitamin K là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể sử dụng để giúp đông máu, từ đó giúp cơ thể hồi phục vết thương nhanh cũng như là giảm đau bụng kinh và hội chứng tiền kinh nguyệt .
6. Giảm nguy cơ loãng xương
Đối với những người phụ nữ sau mãn kinh, do hàm lượng canxi trong xương mất cân bằng nên có thể gây ra các nguy cơ bị loãng xương. Việc bổ sung vitamin K có từ rau khoai lang sẽ giúp cân bằng lại lượng canxi trong xương. Ngoài ra, khi kết hợp vitamin D với vitamin K thì nó có thể giúp người bị gãy xương sẽ mau hồi phục.
7. Phòng bệnh táo bón
Không chỉ có củ khoai lang mới có công dụng chữa táo bón mà ăn rau khoai lang cũng có thể giúp chữa táo bón hiệu quả. Phần lá rau khoai lang có chứa nhiều chất xơ nên giúp nhuận tràng. Ngoài ra, chất nhựa từ lá khoai lang cũng có tác dụng nhuận tràng, ngăn ngừa chứng táo bón.
8. Tuyệt đối không ăn rau lang khi đói
Trong rau lang có chứa các thành phần nếu ăn vào khi đói có thể gây giảm đường huyết, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Rau lang chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, nhưng không nên ăn rau lang sống dễ gây ra táo bón, nên luộc hoặc xào chín trước khi ăn.
Hàm lượng canxi có trong rau lang là tương đối lớn, nếu ăn nhiều, thường xuyên sẽ gây ra tình trạng thừa canxi, dễ dẫn đến sỏi thận. Vì vậy, khi ăn rau lang nên kết hợp với các thực phẩm khác để cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều hơn.
9. Các món ngon từ rau lang
9.1 Rau lang luộc
Mặc dù các nghiên cứu để khẳng định các tác dụng đối với sức khỏe của rau lang chưa nhiều để đưa ra khuyến cáo và liều lượng sử dụng an toàn. Tuy nhiên, việc sử dụng lá khoai lang làm một loại rau cùng các loại rau khác vẫn được khuyến khích. Tuy nhiên, nồng độ các chất có hoạt tính sinh học khác nhau giữa lá của các loại khoai lang, thời điểm thu hoạch và cách nấu nướng. Trong đó, luộc và hấp là phương pháp chế biến hiệu quả nhất để duy trì mức polyphenol và hoạt động chống ôxy hóa của lá khoai lang.
Rau lang luộc rất dễ làm, chỉ cần lấy phần ngọn và lá non của rau lang, rửa sạch sau đó luộc chín. Có thể chấm cùng với nước mắm, nước tương hay chao đều rất hấp dẫn.
9.2 Rau lang xào tỏi
Món ăn quen thuộc nhất có lẽ phải kể đến rau lang xào tỏi, với hương vị thơm ngon của rau lang, bùi bùi của tỏi, được xào vừa ăn chắc chắn đây là món ăn được xuất hiện trong nhiều gia đình.
9.3 Canh rau lang nấu tôm
Rau lang rửa sạch, tôm làm sạch rồi cho vào đảo sơ cho chín rồi cho nước vào nấu sôi. Tiếp tục cho rau lang vào và nêm nếm lại vừa ăn. Khi canh sôi cần nhanh chóng bắc nồi xuống để tránh rau bị nồng.
Rau khoai lang có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi ăn vừa phải và kết hợp đầy đủ với các thực phẩm khác.
Rau lang giàu vitamin
Củ khoai lang được xem là thực phẩm chứa nhiều vitamin C và một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH bang Louisiana mới được công bố trên tạp chí HortScience của Hội Làm vườn Mỹ cho thấy lá khoai lang cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vậy,