Robot NASA tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa

Perseverance đang chuẩn bị tiến hành nhiệm vụ chính là nghiên cứu miệng hố Jezero và thu thập mẫu vật có thể chứa dấu vết sự sống.

Robot NASA tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa

Perseverance sử dụng máy chụp Mastcam-Z có chức năng phóng to để chụp ảnh đồi Santa Cruz hôm 29/4. Ảnh: NASA.

Trong tháng 4, robot tự hành Perseverance dành phần lớn thời gian ghi hình những chuyến bay của trực thăng Ingenuity ở miệng hố Jezero trên sao Hỏa. Giữa các lần bay, Perseverance cũng quan sát khung cảnh xung quanh và phát hiện nhiều khối đá hình thù thú vị. Khoảng 3,9 tỷ năm trước, miệng hố là một hồ nước thông với châu thổ sông. Giờ đây, các khối đá trải khắp lòng hồ khô cạn có thể giúp giới nghiên cứu dựng lại lịch sử khu vực và xác định liệu sự sống có từng tồn tại ở đó.

Thông tin ẩn chứa bên trong đất đá có thể hé lộ thêm về thời gian hồ nước hình thành và khô cạn, cũng như thời điểm trầm tích từ vùng châu thổ bắt đầu tích tụ. Tạo dựng khung thời gian tương ứng với đất đá sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định niên đại mẫu vật do robot tự hành thu thập trong hai năm tới. Những mẫu vật sẽ được đưa về Trái Đất trong nhiệm vụ tương lai có thể chứa vi hóa thạch của sự sống cổ đại.

Ảnh chụp gần đây của robot hé lộ sỏi đá nằm rải rác khắp nền miệng hố, cũng như ngọn đồi mang tên Santa Cruz ở cách đó 2,4 km. Miệng hố Jezero rộng khoảng 45 km và nằm ở phía bắc xích đạo sao Hỏa. Vị trí của Perseverance cách khu vực đổ bộ của robot Curiosity ở miệng hố Gale 3.700 km.

Robot trang bị camera và nhiều thiết bị giúp tìm hiểu đất đá, bao gồm SuperCam, thiết bị laser có thể xử lý một số khối đá để xác định thành phần hóa học. Xác định loại đá trong khu vực có ý nghĩa quan trọng. Nếu đó là trầm tích như sa thạch, khối đá nhiều khả năng hình thành quanh chỗ có nước và có thể chứa khoáng chất và cát, phù sa hoặc đất sét chứa dấu vết sinh học của sự sống trong quá khứ.

Đá hỏa sinh hình thành do hoạt động núi lửa sẽ cung cấp bức tranh chính xác về thời gian chúng ra đời, đóng vai trò như dấu thời gian. Loại đá này tiếp xúc với gió và bức xạ trong thời gian dài, được bao phủ bởi nhiều lớp cát và bụi. Nếu ở trên thực địa, một nhà địa chất học sẽ đập vỡ khối đá để tìm hiểu. Perseverance không thể dùng búa đập khối đá, nhưng nó có một công cụ gọi là máy mài ở cánh tay robot, có thể nghiền và làm phẳng bề mặt đá. Những thiết bị khác trên robot sau đó có thể quan sát bên trong khối đá để tìm hiểu thành phần hóa học và khoáng chất. Các nhà nghiên cứu càng biết nhiều hơn về cấu tạo đá, họ càng thu được mẫu vật tốt hơn với mũi khoan ở cánh tay robot.

Perseverance hạ cánh trên sao Hỏa hôm 18/2 và phát hiện vô số khối đá gần đó trong lúc giúp trực thăng Ingenuity tìm địa điểm bay đầu tiên. Chiếc trực thăng đã chuyển sang giai đoạn mới kéo dài 30 ngày, bao gồm bay tới địa điểm mới và dò đường mà không ảnh hưởng tới hoạt động khoa học của robot.

Perseverance sẽ trải qua 200 ngày tiếp theo trên sao Hỏa để khám phá miệng hố Jezero. Các thành viên của nhóm nghiên cứu trong nhiệm vụ tin rằng họ sẽ tìm thấy một số vật liệu lâu đời nhất trên sao Hỏa ở miệng hố. Robot sẽ thu thập 3 - 4 mẫu vật trong khu vực trước khi di chuyển theo hướng tây bắc tới vùng châu thổ sông cổ đại.

Trước khi quá trình thu thập bắt đầu, Perseverance cần tiến hành thêm một số kiểm tra để chuẩn bị hệ thống lấy mẫu vật và hệ thống lái. Nhóm nghiên cứu ước tính Perseverance sẽ thu thập mẫu vật đầu tiên vào tháng 7, theo Jennifer Trosper, phó quản lý dự án robot tự hành Perseverance ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA.

Ingenuity sẽ kết thúc nhiệm vụ bay muộn nhất vào cuối tháng 8, cho phép nhóm nghiên cứu tổng kết hoạt động khoa học và chuẩn bị cho tình trạng mất liên lạc tạm thời giữa sao Hỏa và Trái Đất vào giữa tháng 10, khi hai hành tinh ở hai phía của Mặt Trời.

Theo An Khang/VNE (CNN)

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.