Rừng cao su mùa lá đỏ

Những ngày này, rừng cao su Cù Bị khoác lên mình chiếc áo lá vàng đỏ, hòa cùng nhịp sống yên bình như níu chân du khách.

Đầu tháng 1, nhiếp ảnh gia 8X Cao Kỳ Nhân (quê ở Phú Yên, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh) có chuyển trải nghiệm chụp ảnh tại rừng cao su thuộc xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu rừng này thuộc nông trường cao su Cù Bị, có diện tích cao su trên 3.800 ha, phía bắc và tây giáp tỉnh Đồng Nai.

Hàng năm, từ cuối tháng 12 đến tháng 3 năm sau, vùng Đông Nam Bộ nói chung, Cù Bị nói riêng bước vào mùa cao su thay lá. Du khách di chuyển trên quốc lộ 51, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai rẽ vào con đường nhỏ là chạy về hướng xã Cù Bị. Cao su ở đây trồng dày và rộng lớn, vào thời khắc giao mùa, lá cây chuyển màu vàng, đỏ đẹp mơ màng.

Theo anh Nhân, mọi người đến đây chụp ảnh thoải mái, nếu gặp công nhân lấy mủ cao su thì xin phép họ vào chụp ảnh.

Các tuyến đường giao thông liên thôn qua rừng cao su Cù Bị là đường đất đỏ, trước đây thường sình lầy vào mùa mưa và bụi mù vào ngày nắng, ngày nay được địa phương đầu tư hạ tầng, trải nhựa sạch sẽ.

Dù không quá nổi tiếng như các rừng cao su ở Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai, Cù Bị vẫn có sức cuốn hút du khách, các nhiếp ảnh gia đến sáng tác hoặc các cặp đôi đến chụp ảnh cưới.

Chị Bùi Thị Tuyết Loan (trái) và Cao Thị Ngọc Diễm, cùng đến từ TP HCM, lần đầu đến rừng cao su này, chia sẻ rằng ấn tượng trước bức tranh thiên nhiên đủ các gam màu xanh lá, đỏ và vàng, đứng bất kỳ góc nào khi “phiêu”, check-in cũng có thể tạo nên bức ảnh đẹp.

Một góc nhìn khác khi chụp rừng cao su Cù Bị. Anh Nhân cho biết nơi này cách xa khu dân cư, nên khi đi chụp, mọi người nên mang theo thức ăn, nước uống, lưu ý gữ gìn cảnh quan chung và không xả rác.

Du khách khi chụp ảnh chú ý canh thời tiết vào ngày có nắng đẹp, ánh sáng đẹp nhất là vào lúc sáng sớm (nếu may mắn sẽ gặp được sương phủ cả khu rừng) khi mặt trời lên và khoảng 15-16h vào buổi chiều trước lúc mặt trời lặn.

Một thoáng Cù Bị yên bình. Cây cao su có nguồn gốc từ rừng Amazon, Nam Mỹ. Theo thổ ngữ Mainas, “ouchouk” là tên gọi cây cao su, cũng có nghĩa là nước mắt của cây. Theo chân người Pháp, cây cao su đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nhanh chóng trở thành cây công nghiệp chủ lực.

Cây cao su trồng khoảng 5-6 năm tuổi sẽ cho mủ, nguyên liệu để sản xuất nhiều vật dụng hữu ích như săm lốp xe, dây thun các loại, nệm hay thiết bị y tế. Mùa khai thác mủ cao su diễn ra từ khoảng tháng 5 đến tháng 2 năm sau.

Công nhân khai thác mủ cao su vào lúc rạng sáng, từ 3 đến 7 giờ sáng. Công việc khá vất vả, nhọc nhằn, nhưng đối với nhiều công nhân, đây là nguồn nhập chính của họ.

Đường nhựa băng qua rừng cao su Cù Bị khá vắng, thi thoảng có xe gắn máy, ôtô chạy qua. Mùa cao su thay lá vốn bình thường trong mắt người dân địa phương, nhưng đối với nhiều du khách lại rất thơ mộng. Đến cuối mùa, những chiếc lá cao su cuối cùng rụng xuống, cả rừng sẽ chỉ còn những cành cây khẳng khiu.

Du khách nên đi chụp và về trong ngày, hạn chế tiếp xúc người lạ hoặc nghỉ lại qua đêm.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói