Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Được sống, chiến đấu và làm việc cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, với Đại tá Trần Kỷ, cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe là kỷ niệm sâu đậm trong cuộc đời. Người Tư lệnh ấy đã gửi lại tất cả lý tưởng, lẽ sống để về với lớp lớp chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong ký ức của những người lính Hà Tĩnh, vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn dường như vẫn còn đó, sừng sững một tượng đài.

Vị tướng quyết đoán nhưng thương cấp dưới

Năm nay đã 92 tuổi nhưng Đại tá Trần Kỷ - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) vẫn minh mẫn. Ông nhớ như in năm tháng được sống, chiến đấu và làm việc dưới quyền của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

Trong cảm nhận của ông: "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, quyết đoán trong công việc, nghiêm túc trong lối sống, sinh hoạt nhưng lại hết sức tình cảm, quan tâm đến anh em cấp dưới”. Ông kể: “Những năm 1968 – 1975, khi đó tôi đang là Phó phòng Cơ yếu thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn do tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh. Nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý tài liệu, điện mật từ Bộ Quốc phòng, mã hóa tài liệu đi và giải mã tài liệu đến để phục vụ cho việc truyền thông liên lạc giữa các đơn vị. Hằng ngày, tôi là người trực tiếp báo cáo công việc với Trung tướng và xin chỉ đạo từ ông”.

Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

Đại tá Trần Kỷ trò chuyện với phóng viên Báo Hà Tĩnh về kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường Trường Sơn

Công việc của một vị Tư lệnh bận rộn với nhiều nhiệm vụ cơ mật, cấp bách nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn giải quyết một cách sáng suốt, quyết đoán.

Đại tá Trần Kỷ kể về lần nhận được điện mật của cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt là phối hợp với các đơn vị liên quan đưa vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nô-rô-đôm Xi-ha-nuc vượt đường Trường Sơn để về nước năm 1973. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tính toán cẩn trọng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từ việc lo chuyện ăn uống, sinh hoạt cho đến đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vợ chồng Quốc trưởng trong hành trình trở về.

Đoàn công tác làm nhiệm vụ ngoại giao đặc biệt đó phải dọc theo Tây Trường Sơn qua 14 binh trạm của Đoàn 559 với đồi núi gập ghềnh, đèo cao, dốc đứng, mưa gió thất thường. Sau 50 ngày hành quân gian khổ, với sự chăm sóc chu đáo, bảo vệ nghiêm ngặt của bộ đội Việt Nam, vợ chồng Quốc trưởng cũng đã hoàn thành chuyến đi một cách an toàn tuyệt đối.

Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

Đại tá Trần Kỷ bùi ngùi khi đọc những trang viết về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Không chỉ là vị tướng với những quyết sách sáng suốt, tài ba, tướng Đồng Sỹ Nguyên là người sống rất tình cảm, quan tâm đến chiến sỹ, anh em cấp dưới. Trong một lần gặp đơn vị bộ đội trên đường hành quân, nhìn các chiến sỹ phải mang trên lưng ba lô hành lý nặng trịch băng rừng vượt suối, Trung tướng đã hỏi các chiến sỹ mang bao nhiêu kg. Khi nhận được câu trả lời là 25kg bao gồm lương thực, thực phẩm, vũ khí, tư trang..., ông rất thương và lo lắng cho sức khỏe của anh em.

Sau lần đó, ông ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị phải cố gắng hạ khối lượng hành lý mà các chiến sỹ mang vác xuống 18 – 20kg để các anh đỡ vất vả mà vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Kể đến đây, giọng ông Trần Kỷ chùng xuống: “Có một kỷ niệm sâu sắc mà tôi nhớ nhất về tình cảm nồng ấm, sự quan tâm chân thành ông dành cho chúng tôi. Năm 1971, tôi bị sốt rét phải nằm điều trị ở bệnh xá của đơn vị. Ông đi cùng một đồng chí bảo vệ công vụ xuống thăm cán bộ, chiến sỹ đang điều trị tại đây. Ông biếu riêng tôi 5 quả trứng gà, sau đó, tôi nghe đồng chí bảo vệ nói nhỏ, chỗ trứng đó là tiêu chuẩn ông được cấp nhưng ông không ăn mà mang xuống thăm tôi vì tôi đang ốm, cần được bồi bổ hơn. Tôi cảm động vô cùng! Đó thật sự là những tình cảm quý báu không gì sánh được của một người chỉ huy đối với cấp dưới của mình”.

Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

Cuốn hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà ông được tặng trong một lần ra Hà Nội dự lễ gặp mặt truyền thống Bộ đội Trường Sơn được ông nâng niu gìn giữ

Năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được thành lập, Đại tá Trần Kỷ là thành viên của Ban Chấp hành hội. Mỗi năm một lần, đại tá được gặp mặt những đồng đội cũ tại Hà Nội, được gặp lại vị tướng huyền thoại của mình.

“Nhưng từ năm 2016 đến nay, do sức khỏe yếu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã không còn tham gia những buổi gặp mặt truyền thống cùng chúng tôi. Nhận tin dữ về ông, tôi rất hụt hẫng, đau buồn. Dẫu biết là quy luật của tạo hóa nhưng Trung tướng mất đi thì bộ đội Trường Sơn như mất một người anh cả” – Đại tá Trần Kỷ bùi ngùi.

Dang dở ước nguyện gặp lại vị tướng

“Tôi hy vọng cuối năm nay ra Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn sẽ được gặp lại Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nhưng, ước nguyện đã không thành. Nghe tin Trung tướng mất, lòng tôi nghẹn lại” - cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe (thương binh 2/4, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) chia sẻ.

Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe: Tôi hy vọng cuối năm nay ra Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn sẽ được gặp lại Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nhưng, ước nguyện đã không thành.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe - từng tham gia làm nhiệm vụ thông đường ở miền Tây Quảng Trị từ năm 1965 đến cuối năm 1966, đơn vị binh Trạm 3-C225-Đoàn 559. Sau đó, bà được điều động về C557 - Tổng đội TNXP 55 đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc những tháng cao điểm 1968 và bị thương trong một trận bom Mỹ.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, người cựu TNXP 73 tuổi bồi hồi nhớ lại một lần gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Hôm đó, vào cuối tháng 11/1966, cả đoàn chúng tôi trên đường trở về trạm sau chuyến vận chuyển gạo vào Trạm 4. Khi đó, gần về tới đơn vị, chúng tôi gặp 4 người đi ngược đường.

Một trong 4 người hỏi: “Các cô cho chúng tôi hỏi đường đến Trạm 4 đi đường nào?”. Nghe người hỏi giọng Bắc, chúng tôi không trả lời bởi đơn vị quán triệt: “Không biết, không nói, không chỉ đường”. Sau đó, có người nói “Đây là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đi soi đường, các chị sao phải sợ không dám trả lời?”. Lúc này chúng tôi mới dám chỉ đường cho các đồng chí.

Rưng rưng ký ức về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên của cựu binh Hà Tĩnh

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe bên tấm ảnh một thời đạn lửa

"Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị chỉ huy có dáng vóc cao lớn với mái tóc cắt ngắn, bước đi nhanh nhẹn. Chỉ thời gian gặp ít ỏi nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ".

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.