Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

(Baohatinh.vn) - Bằng việc ứng dụng hệ thống sục khí náo đảo tuần hoàn trong quá trình sản xuất nước mắm, Hợp tác xã dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương (xóm Tân Quý, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tiết kiệm nhiều nhân công, tăng sản lượng nước mắm.

Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

Từ bộ máy bơm tạo khí, ông Trần Xuân Hồng đã chế tạo ra hệ thống sục khí náo đảo tuần hoàn trong chế biến nước mắm

Trước đây, với gần 400 bể chượp, Hợp tác xã dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương phải thuê đến 10 nhân công để khuấy đảo trong quá trình sản xuất nước mắm. Thấy công đoạn này hao tốn nhiều thời gian và sức lao động, ông Trần Xuân Hồng - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương luôn trăn trở, mong muốn tìm kiếm một phương pháp thay đổi cách làm thủ công này.

Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sự chênh lệch về áp suất, nhiệt độ, ông Hồng đã mua bộ máy tạo khí và lắp ghép thêm các bộ phận, chế tạo thành hệ thống máy sục khí để đảo chượp. Từ cuối năm 2018, cơ sở sản xuất nước mắm của ông đã đưa vào thử nghiệm công nghệ mới này thay cho việc khuấy đảo bằng tay.

Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

Sự chênh lệch áp suất làm cho toàn bộ hỗn hợp chượp, nước, không khí được đẩy từ dưới đáy lên bề mặt bể

Ông Trần Xuân Hồng cho biết: Cấu tạo hệ thống gồm máy bơm khí làm nhiệm vụ cung cấp khí sạch, hệ thống vòi bơm khí từ máy và vòi nhánh rẽ vào các bể chượp, đầu phân chia khí và tấm đậy bằng kính tiếp nhận nguồn nhiệt từ năng lượng mặt trời để khuếch tán lượng nhiệt vào bề mặt bể.

“Khi vận hành máy bơm khí bằng điện năng, một luồng không khí sạch tạo ra từ máy qua hệ thống vòi đi vào đáy bể chứa chượp, nó sẽ tạo ra sự chênh lệch áp suất giữa máy bơm và áp suất khí quyển. Từ đó, toàn bộ hỗn hợp chượp, nước, không khí được đẩy từ dưới đáy lên bề mặt bể. Quá trình này làm thẩm thấu muối vào cá một cách đều đặn, đồng thời giải phóng khí thải từ bể cá ra bên ngoài” – ông Hồng lý giải về nguyên lý hoạt động của máy sục khí trong ứng dụng đảo chượp.

Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

Với ứng dụng từ máy sục khí, cơ sở nước mắm ông Hồng giảm gần 90% nhân công

Tùy theo số lượng và kích thước bể chứa mà máy bơm và vòi dẫn có kích thước và chiều dài khác nhau. Với hệ thống sục khí này, chỉ cần cắm điện, đưa thiết bị sục khí vào đáy bể rồi máy tự động chạy, khi đủ thời gian đảo thì tắt máy. Mỗi máy có công suất 600W có thể đảo đồng thời 10 - 15 bể chượp.

Với ứng dụng này, từ đầu năm 2019 tới nay, hợp tác xã Ánh Dương đã giảm đến 90% nhân công. Thay vì phải thuê tới hàng chục công nhân như trước, hiện cơ sở của ông Hồng chỉ thuê một nhân công để thực hiện việc đóng mở máy và làm các công việc khác. Không chỉ tiết kiệm sức lao động, thời gian ủ nước mắm cũng được rút ngắn lại từ hơn 1 năm, nay chỉ cần 5 - 6 tháng mà chất lượng nước mắm vẫn đảm bảo.

Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

Với gần 400 bể chượp, Hợp tác xã dịch vụ chế biến thủy hải sản Ánh Dương hiện chỉ cần 1 nhân công điều khiển hệ thống sục khí để đảo chượp trong 4 tiếng mỗi ngày

Ngoài ra, nhờ quá trình tự động hóa nên các công đoạn ít bị tác động trực tiếp từ dụng cụ thô sơ, vì thế, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hồng cho hay: “Chi phí cho mỗi máy sục khí chỉ khoảng 2 triệu đồng, nhưng mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, một công nhân thực hiện việc náo đảo gần 400 bể chượp chỉ trong vòng chưa đầy 4 tiếng, trong khi trước đây, một người mỗi ngày chỉ khuấy đảo được khoảng 20 bể. Khác với sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống sục khí này không chỉ ứng dụng trong náo đảo chất lỏng như làm nước mắm mà còn có thể áp dụng cho chế biến những chất sệt, đặc hơn như làm các loại ruốc”.

Sáng kiến giúp HTX chế biến nước mắm ở Hà Tĩnh náo đảo bể chượp trong “chớp mắt”

Nhờ máy sục khí, quá trình làm nước mắm của Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ánh Dương rút ngắn từ hơn 1 năm xuống còn 5-6 tháng.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tự động hóa hoàn toàn hệ thống sục khí này bằng cách kết nối với điện thoại, máy tính để điều khiển từ xa. Và với phương pháp này, chúng tôi sẽ tăng năng suất sản xuất bằng cách thay thế bể 1m3 như hiện nay bằng bể chượp 10m3 " - ông chủ hợp tác xã Ánh Dương chia sẻ.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.