Sơ cứu đột quỵ: Nhiều sai lầm cần tránh

Việc chích rạch máu ở tai, đầu ngón tay, ngón chân cho bệnh nhân đột quỵ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Sai lầm khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà

Sơ cấp cứu tại nhà đối với bệnh nhân đột quỵ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu người thân có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ và hôn mê bất tỉnh sẽ phải xử lý khác hoàn toàn với trường hợp bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo.

Nếu hôn mê bất tỉnh, lay gọi không biết gì, người sơ cứu cần lưu ý cho bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng an toàn. Tức là bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, đầu để thấp, miệng mở để khi bệnh nhân có biểu hiện nôn, đờm dãi… chất nôn trào ngược ra, chất nôn sẽ dễ dàng đi ra ngoài. Bệnh nhân sẽ không bị ứ đọng, trào ngược vào đường thở gây nguy cơ tắc thở, suy hô hấp suy tuần hoàn.

Thực tế, có nhiều trường hợp người nhà khi có người thân bị đột quỵ liền chích máu ở ráy tai, nặn máu ở các đầu ngón tay ngón chân. Bên cạnh đó còn có một số trường hợp bôi vôi vào các lòng bàn tay. Hoặc nhiều trường hợp người dân nghĩ là đột quỵ thì cần nằm bất động và cho người thân nằm bất động tại giường trong thời gian dài, thậm chí 1 ngày sau mới đi cấp cứu. Đây là những hành động phản khoa học và gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị chích, rạch chảy máu có thể ảnh hưởng đến phương án điều trị của bác sĩ. Nếu người thân đã nghi ngờ đột quỵ về nguyên tắc phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Sơ cứu đột quỵ: Nhiều sai lầm cần tránh

Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ khi nào. Không những vậy, số ca đột quỵ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Khoảng 80% đột quỵ não có thể dự phòng được bằng việc thay đổi lối sống. Người dân có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách:

- Kiểm soát huyết áp ổn định. Nếu tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Cần dự phòng các biến chứng của bệnh lý huyết áp. Bởi huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ .

- Kiểm soát đường huyết, luôn giữ chỉ số đường huyết ở mức ổn định.

- Kiểm soát rối loạn mỡ máu. Rối loạn mỡ máu là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới…

- Ngừng hút thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc chủ động và hút thuốc thụ động). Không uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích

- Tập thể dục thường xuyên, tăng cường vận động. Béo phì, thừa cân là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ.

- Tránh lo âu, căng thẳng, stress trong cuộc sống.

Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Biểu hiện của đột quỵ được viết tắt bởi từ FAST. Có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các điều dưới đây để nhận biết dấu hiệu đột quỵ.

F (Face): Yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng để xem miệng có bị lệch hoặc bị trĩu xuống không

A (Arm): Yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên để quan sát xem tay có bị rơi xuống hoặc yếu hay không

S (Speech): Yêu cầu bệnh nhân nói từ đơn giản xem giọng nói có khó khăn hoặc không nói được.

T (Time): Gọi đến cơ sở y tế để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng xe cứu thương.

Đột quỵ gồm 2 thể chính đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não. Đột quỵ có nguy cơ gây tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Với đột quỵ nhồi máu não trong gần đây có nhiều bước tiến trong phương án điều trị. Nếu cấp cứu trong vòng 4,5 giờ đầu có thể dùng các loại thuốc để làm tan các cục máu đông. Nếu bệnh nhân có tắc các mạch lớn hơn, có thể can thiệp động mạch để lấy huyết khối, tái thông mạch máu não, giúp máu lên não trơn tru.

Ngày nay, với đột quỵ nhồi máu não trong vòng 4,5 giờ đầu có thể tiêu sọ huyết. Nếu phát hiện trong vòng từ 6giờ - 24giờ có thể can thiệp nội mạch. Tùy vào nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não để đưa ra phương án điều trị.

Ngay khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu để hiệu quả điều trị được tốt nhất.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast