Camera giám sát trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Linh
Phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này. Các ý kiến của đại diện bộ, ngành liên quan cũng như những ý kiến bên lề mà Báo Giao thông ghi nhận cho thấy, cùng với việc phòng ngừa thì ứng dụng CNTT, xử lý thật nghiêm các vi phạm mới có thể đủ sức răn đe, kéo giảm được tai nạn.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, giảm CSGT đứng đường
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, rất nhiều cử tri kiến nghị cần phải tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm hạn chế vi phạm về ATGT. Vì thực tế, hiện nay CSGT đang phải đứng đường rất nhiều, rất vất vả. Chính vì vậy, nếu có hỗ trợ của công nghệ sẽ tránh được tình trạng CSGT tiếp xúc trực tiếp với người vi phạm, từ đó tăng tính minh bạch, hạn chế tiêu cực, đồng thời giảm bớt các vụ chống người thi hành công vụ.
Cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc lắp đặt camera giám sát giao thông là một biện pháp rất tốt. Bởi, trên thực tế, chúng ta không bao giờ đủ nguồn nhân lực để đi phát hiện từng vi phạm trên các tuyến đường.
Ngoài lợi ích giảm nhân lực CSGT phải ra đứng đường, giảm tiêu cực thì lắp camera cũng có thể tác động đến tâm lý người tham gia giao thông để bản thân họ phải thực hiện nghiêm hơn. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất là việc lắp camera không chỉ để “soi” vi phạm, mà nó còn phục vụ cho việc hoạch định chính sách về giao thông, giúp điều hành giao thông thuận lợi, linh hoạt, giảm thiểu được ùn tắc và TNGT.
Dẫn con số nạn nhân tử vong do TNGT trước năm 2012 là hơn 12.000 người/năm, giờ còn khoảng 8.000 người/năm, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, đây không phải thành tích nhưng là sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành. Con số mỗi ngày có 20 người ra đường không bao giờ trở về nhà vẫn thực sự là nỗi ám ảnh.
Đề cập đến công tác tổ chức, chỉ huy điều khiển giao thông, ông Sơn cho biết, hiện nay việc này chủ yếu được thực hiện thủ công, lực lượng CSGT phải ra đứng đường rất nhiều.
Theo ông Sơn, lực lượng CSGT rất muốn ngồi trong phòng để điều khiển giao thông chứ không ai muốn phải ra đường để đối mặt với nguy hiểm, nguy cơ bệnh tật… Tuy nhiên, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ, hỗ trợ CSGT chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông còn rất nhiều vấn đề, điển hình như việc dừng xe ăn uống trên đường cao tốc, sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông…
“Như vậy, nếu không có mặt của CSGT sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi mong tới đây có sự trang bị phương tiện, thiết bị để phục vụ việc này, giảm bớt áp lực cho CSGT”, ông Sơn nói.
Về những phản ánh tiêu cực, mãi lộ trong lực lượng thực thi nhiệm vụ, ông Sơn cho biết, Bộ Công an hết sức cầu thị, nếu có thông tin sẽ xử lý nghiêm. Liên quan đến nội dung về ứng dụng CNTT, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nêu quan điểm, việc sửa đổi các quy định và đặc biệt Luật GTĐB cần rất cụ thể về tiêu chuẩn. Ví dụ, quy định rõ đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua khu dân cư hay tại các nút giao thì bắt buộc phải có đèn tín hiệu hoặc có camera giám sát.
“Nếu đưa vào luật, yêu cầu bắt buộc thì có đầu tư ngay, như vậy sẽ thành đồng bộ, chứ không phải làm xong một con đường mới tính. Như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chúng tôi vận động FPT lắp camera xong cũng không có cơ chế thanh toán, không thể trích ra trả cho FPT nên FPT lại phải gỡ camera ra”, ông Hùng dẫn chứng. Cần chế tài phạt nghiêm khắc hơn
Cần tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm hạn chế vi phạm về ATGT (Trong ảnh: Trung tâm Điều khiển giao thông - Phòng CSGT CATP Hà Nội). Ảnh: K.Linh
Về xử phạt vi phạm hành chính, ông Khuất Việt Hùng kiến nghị, ngoài phạt tiền nên xem xét có cả những chế tài xử phạt như lao động công ích. Ví dụ như ở Trung Quốc, người vi phạm có thể bị bắt ra ngã tư đứng trong vòng 1 tuần và phải tìm, phát hiện, chỉ cho công an những trường hợp vi phạm giao thông.
Năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. So với năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, cả 3 tiêu chí tiếp tục giảm. Trong 2 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 2.822 vụ TNGT, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người. So với 2 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 523 vụ, số người chết giảm 150 người, số người bị thương giảm 348 người. Năm 2018, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 4.176.791 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.613 tỷ đồng. Đồng thời, tước GPLX 346.486 trường hợp; tạm giữ 601.704 phương tiện các loại. Trong đó, chủ yếu là vi phạm trật tự ATGT đường bộ. |
“Tôi nghĩ chúng ta nên có những chế tài đó. Nếu xử phạt hành chính chỉ quy bằng tiền thì anh em công an và các địa phương rất vướng. Ví dụ, có một người đi xe máy cũ cả chục năm trời, giá trị xe chỉ còn khoảng 1 triệu đồng nhưng nếu họ bị phạt vi phạm về nồng độ cồn với mức khoảng 4 triệu đồng thì họ sẵn sàng bỏ xe ngay. Lúc đó, ta lại phải làm đủ thủ tục để đấu giá bán xe đó, tiền bỏ ra có khi lớn hơn tiền xử phạt”, ông Hùng dẫn chứng và cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh.
Nhắc đến việc xử phạt, bồi thường đối với các hành vi vi phạm giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng hành vi lái xe đâm chết người nhưng xét theo quy định thì mức bồi thường chỉ vài chục triệu đồng.
Theo bà Nga, chính vì mức này quá thấp nên nhiều khi, đáng ra nạn nhân chỉ bị thương nhưng lái xe nghĩ bị thương phải nuôi cả đời nên đâm chết rồi “chỉ bồi thường vài chục triệu đồng là xong”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền nhận định, việc xử lý vi phạm về giao thông ở các đơn vị như công an, tòa án, VKS đều “rất có vấn đề”, trong cả điều tra, truy tố, xét xử. Về chính sách hình sự, ông Quyền cho rằng, phải xem lại, kể cả quy định “khởi tố theo yêu cầu của người bị hại”.
“Là người nhiều năm làm Bộ luật Hình sự, tôi rất băn khoăn vấn đề này vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của công dân với Nhà nước chứ không thể khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, cứ dàn hòa với nhau là xong”, ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, dù có quy định về xử lý trách nhiệm của pháp nhân nhưng ông Quyền cho rằng, thực tế chưa xử lý vụ nào. Ví dụ, lái xe dùng ma túy, chở quá tải cũng phải xử lý pháp nhân là chủ DN, vì anh là người thuê lái xe nên phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát lái xe.
Theo ông Quyền, chúng ta hay nói “do ý thức của người dân”, nhưng đầu tiên cần nhìn nhận trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý vi phạm của ta không nghiêm, vì thế đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý thật nghiêm. Ví dụ, khi xe quá tải đi qua rất nhiều trạm kiểm soát mà bị phát hiện ở một nơi nào đó, thì tất cả các trạm kiểm soát trước đó phải bị xử lý trách nhiệm.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cũng đưa ra nhận định, việc phòng ngừa để TNGT không xảy ra mới là quan trọng và đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài việc cần tăng cường ứng dụng CNTT, lắp đặt camera giám sát, phải có biển cảnh báo tại các điểm đen TNGT… Đặc biệt, khi vi phạm để xảy ra TNGT phải xử phạt thật nghiêm, không để nguy cơ tai nạn tiếp tục xảy ra, nếu xử phạt cho tồn tại thì rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc thống kê số người chết vì TNGT cũng cần đầy đủ. Chúng ta hiện nay thống kê căn cứ vào Thông tư 58, chỉ tính số người chết ở hiện trường. Nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới, phải tính cả những người chết ở bệnh viện sau 30 ngày bị tai nạn, như vậy con số mới có thể đầy đủ, từ đó mới thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề. Nếu thống kê không chính xác thì hoạch định chính sách ứng phó và giải pháp sẽ khó đầy đủ.