Chủ động tầm soát viêm gan B, tránh các biến chứng nguy hiểm

(Baohatinh.vn) - Theo khuyến cáo của ngành y tế Hà Tĩnh, bệnh viêm gan B tiến triển âm thầm, có thể gây ung thư gan nên người dân cần chủ động đi khám định kỳ và tầm soát.

Chủ động tầm soát viêm gan B, tránh các biến chứng nguy hiểm

Chủ động tầm soát cho học sinh đối với các bệnh lý về gan.

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, hay buồn nôn nên bệnh nhân N.M.P. (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) đã đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị viêm gan B, men gan cao gấp 14 lần so với bình thường nên được hướng dẫn nhập viện điều trị. “Tôi rất ít khi đi kiểm tra sức khỏe, lần đi khám này, tôi phát hiện mình bị viêm gan B và được các bác sỹ tư vấn kỹ lưỡng để có hướng điều trị kịp thời, không để bệnh trở nặng và nguy hiểm hơn" - bệnh nhân N.M.P chia sẻ.

Theo nghiên cứu của ngành y tế, viêm gan B đang là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới. Ở giai đoạn mãn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bác sỹ Thân Hùng Cường - Phó Trưởng khoa Nội, BVĐK TP Hà Tĩnh cho biết: "Virus viêm gan B có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính, sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan và có thể tử vong.

Virus viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Đường lây truyền tương tự virus HIV, tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao hơn 100 lần so với HIV. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm nguy cơ viêm gan B là yếu tố quyết định trong điều trị các triệu chứng để ngăn ngừa nguy cơ viêm gan B diễn tiến nặng".

Chủ động tầm soát viêm gan B, tránh các biến chứng nguy hiểm

Một bệnh nhân bị men gan cao gấp trên 10 lần, có biểu hiện chán ăn, da vàng.

Từ 7/2023 đến nay, BVĐK TP Hà Tĩnh đã thành lập Phòng Tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C. Sau một thời gian hoạt động, đến nay đã có hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Qua thăm khám đã phát hiện hơn 450 bệnh nhân bị viêm gan B, trong đó, 15 bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị; hơn 50 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú; 250 bệnh nhân được hẹn tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần và hơn 100 bệnh nhân được lập hồ sơ, cấp thuốc, quản lý và điều trị ngoại trú tại bệnh viện.

Bác sỹ Lê Quân Thành - Phó Giám đốc BVĐK TP Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây, nhiều người khi đến bệnh viện thì bệnh đã trở nặng, gây khó khăn trong điều trị. Vì vậy, việc thành lập Phòng Tư vấn, quản lý và điều trị viêm gan virus B, C có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh được các biến chứng và hạn chế được tử vong. Đồng thời, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh”.

Các bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVĐK TP Hà Tĩnh đều được các bác sỹ tư vấn, kiểm tra, làm các xét nghiệm đầy đủ. Khi phát hiện mắc bệnh, tùy theo mức độ bệnh, các bác sỹ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị theo phác đồ để ngăn ngừa tiến triển của bệnh, cải thiện sức khỏe.

Chủ động tầm soát viêm gan B, tránh các biến chứng nguy hiểm

Chủ động thăm khám, tầm soát định kỳ là giải pháp hữu hiệu để phòng tránh viêm gan B.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh viêm gan B tiến triển âm thầm nên người dân cần định kỳ đi kiểm tra sức khỏe, tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B. Nếu bị bệnh thì sẽ được quản lý theo dõi và điều trị sớm, tránh các biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Nếu có chỉ định điều trị thì phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ, không được ngừng hay bỏ thuốc để tránh để virus bùng lên, dẫn tới suy gan cấp. Ngoài ra, bệnh nhân viêm gan B nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn.

Đối với những người không bị viêm gan B thì cần tiêm phòng viêm gan B đầy đủ. Ngoài tiêm phòng thì người dân có thể phòng ngừa bằng cách không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể. Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở. Đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay; quan hệ tình dục an toàn.

Bác sỹ Thân Hùng Cường

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast