“Con nhà lính, tính nhà quan”

(Baohatinh.vn) - Cuộc sống hiện đại, nhiều nhu cầu về vật chất nảy sinh tác động không nhỏ đến tâm tư, lối sống của con người, nhất là người trẻ. Và nhiều bạn trẻ dù điều kiện gia đình không khá giả vẫn cố chạy đua theo những giá trị ảo cho bằng “con nhà người ta”.

Tuy làm nghề nông nhưng vợ chồng chị Lộc (Hương Sơn) rất chăm lo việc học hành cho con cái. Đứa con gái lớn đang học một trường cao đẳng ở TP Hà Tĩnh được anh chị chu cấp đầy đủ. Dù vất vả nhưng anh chị vẫn cố gắng chỉ với mong muốn duy nhất là con học hành chăm chỉ, ra trường có tấm bằng để không phải vất vả như bố mẹ.

Thế nhưng, N.G. (con gái anh chị) lại tỏ ra ăn chơi, đua đòi. Nhìn N.G. lúc nào cũng xúng xính trong những bộ quần áo hợp mốt, trên tay cầm điện thoại đắt tiền, thường xuyên ngồi ở những quán cà phê sang chảnh, ít ai nghĩ cô là con nhà nghèo. Những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của anh chị cứ đều đặn được cô con gái mang đi tiêu xài hoang phí hàng tháng. Ngoài những khoản chính như tiền học phí, tiền ăn, thuê phòng trọ, thì N.G. còn nghĩ ra đủ các khoản để xin thêm. Và những món đồ dùng xa xỉ, những cuộc vui tới bến với bạn bè cũng từ đó mà ra.

“Con nhà lính, tính nhà quan”

Nhiều bạn trẻ dù gia đình không khá giả vẫn cố đua đòi chạy theo những giá trị ảo cho bằng "con nhà người ta".

Dù nhà ở thành phố nhưng gia đình chị Thanh (phường Bắc Hà) lại đông con. Chồng chị là công nhân vệ sinh, chị không có công việc ổn định nên thường xin làm phụ tại các quán ăn sáng. Hai vợ chồng phải chật vật lắm mới nuôi nổi các con ăn học. Đứa con trai thứ 2 của anh chị năm nay lớp 8 đã nằng nặc đòi mẹ mua cho chiếc smartphone “cho giống các bạn”. Vì thương con mà đôi khi những yêu cầu của con, chị Thanh đã đáp ứng một cách vô điều kiện. Đã không ít lần, con trai ghé chỗ làm của chị xin tiền để đi chơi cùng bạn.

Không có tiền, chị lại ứng của chủ quán để đưa cho con dù số tiền đó có khi còn nhiều hơn tiền công cả một ngày làm việc vất vả của chị. Trước ánh nhìn ái ngại của chủ, chị lại chép miệng: “Thôi thì cho nó đi chơi với bạn bè cho thoải mái, mình chịu khổ tí cho con bằng bạn bằng bè”. Gần cuối cấp nhưng con trai chị không lo học hành mà thường xuyên trốn học đi chơi cùng một nhóm bạn trường khác. Năm học vừa rồi, cô giáo chủ nhiệm phải mấy lần gọi chị Thanh lên để nhắc nhở nhưng chị vẫn lén lút cho con tiền đi chơi.

Với suy nghĩ tất cả vì con, nhiều cha mẹ đã không lường trước được việc con mình trở thành những đứa trẻ thích hưởng thụ, không biết trân trọng công sức của bố mẹ. Dù có nhiều nguyên nhân tác động nhưng những đứa trẻ “con nhà lính” mà “tính nhà quan” vẫn thường xuất phát từ việc được bố mẹ nuông chiều quá mức. Khi yêu cầu dễ dàng được đáp ứng, những đứa trẻ sẽ nảy sinh thói hư tật xấu, sống ích kỷ, lười lao động. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, những biểu hiện tính cách tiêu cực đó sẽ càng có cơ hội bộc lộ nếu bọn trẻ giao du cùng nhóm bạn ăn chơi, đua đòi.

Chính vì vậy, trước tiên, bố mẹ cần phải thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh cách ứng xử, chỉ cho con những gì con cần chứ đừng cho những gì con muốn. Bởi không phải cứ đáp ứng, cung phụng mọi nhu cầu của con mới là yêu thương. Bên cạnh đó, cũng phải dành thời gian quan tâm việc học hành, những mối quan hệ bạn bè để kịp thời điều chỉnh, định hướng cho con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast