Phòng, tránh trẻ đuối nước mùa lũ: Không thể lơ là!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang trong mùa mưa bão, nguy cơ tai nạn đuối nước, đặc biệt là đuối nước trẻ em luôn hiện hữu, đòi hỏi sự quan tâm, quản lý sát sao hơn nữa của gia đình.

Các địa phương ở miền núi với địa hình dốc, lắm ao hồ, sông suối luôn là địa bàn “nóng” về tai nạn đuối nước. Trong trận mưa lũ những ngày qua, đã có 4 người tử vong do đuối nước, trong đó, có 2 trẻ em.

Phòng, tránh trẻ đuối nước mùa lũ: Không thể lơ là!

Khu vực em L.T.A bị đuối nước tử vong.

Vào khoảng 12h30 trưa 1/11, em L.T.A (SN 2015, trú tại thôn Sơn Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) ra chơi tại bờ kè cánh đồng Đồng Vo trên địa bàn thôn. Thời điểm đó, những trận mưa lớn khiến vùng Đồng Vo nước dâng cao, ngập sâu. Trong lúc chơi, em T.A không may bị sảy chân xuống ruộng dẫn đến đuối nước. Ngay khi phát hiện, người dân đã bơi theo dòng nước lũ để cứu em nhưng em đã tử vong. Được biết, em T.A sống cùng ông bà nội tại địa phương.

Trước đó, vào hồi 15h30 ngày 30/10, trong khi trời mưa lớn, nước lũ lên, em N.V.D. (SN 2010, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) đi bộ trên đoạn đường ngập ở thôn 6 thì sẩy chân vào vũng nước sâu và bị lũ nhấn chìm ở khu vực cầu Giát. Đến khoảng 21h cùng ngày, thi thể nạn nhân được tìm thấy ở gần vị trí gặp nạn...

Phòng, tránh trẻ đuối nước mùa lũ: Không thể lơ là!

Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tìm kiếm em N.V.D.

Không chỉ trong điều kiện mưa lũ, nguy cơ đuối nước với trẻ em vẫn luôn tiềm ẩn nếu như không có sự quản lý, giám sát từ người lớn. Vào khoảng 18h30 phút ngày 3/10, cháu Đ.T.H. (SN 2019, trú tại thôn Trung Sơn, xã Cương Gián, Nghi Xuân) đi cùng ông nội xuống thăm người thân ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián. Tại đây, sau khi cháu ra ngoài chơi một mình thì mất tích. Sau gần 2 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể bé H. ở dưới dòng lạch cống Đá Bạc, cách bờ chừng 15m.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước luôn được các địa phương, ban, ngành ở Hà Tĩnh quan tâm thực hiện, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em.

Phòng, tránh trẻ đuối nước mùa lũ: Không thể lơ là!

Mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước. Ảnh Dương Chiến.

Anh Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn cho biết: “Trong mùa hè vừa qua, các cấp bộ Đoàn, đội toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho thanh thiếu nhi; xây dựng bể bơi di động, cố định tại các trường học; lắp đặt biển cảnh báo, làm rào chắn những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; tham mưu đưa môn học bơi, dạy bơi vào các giờ học ngoại khóa tại trường... Vào mùa mưa lũ, nội dung tuyên truyền phòng chống đuối nước vẫn tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt tại các trường học, địa bàn dân cư”.

Các cấp ngành đã vào cuộc rất kịp thời, trách nhiệm, tuy nhiên, phần lớn các vụ đuối nước ở trẻ em đều do lỗi rất lớn từ phụ huynh - những người trực tiếp, có trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát con em mình.

Phòng, tránh trẻ đuối nước mùa lũ: Không thể lơ là!

Trẻ em chơi ở các khu vực ao, hồ, sông, suối cần có sự giám sát của người lớn.

Ông Lê Hữu Thọ (thị trấn Hương Khê) bày tỏ quan điểm: “Khi sinh sống ở những địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước thì trước hết người lớn phải có ý thức quản lý, quan tâm đến con em mình, đặc biệt là những thời điểm mưa lũ. Nếu cứ chủ quan, lơ là, để các cháu tự do chơi ở vùng ao hồ, sông nước thì rất nguy hiểm. Lúc xảy ra chuyện lại “giá như...” thì đã muộn”.

Theo cảnh báo của ngành chức năng, tình hình mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng khó lường. Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm giám sát của gia đình, phụ huynh đối với trẻ em, đặc biệt ở những vùng miền núi, vùng trũng, nhiều ao hồ sông suối là rất quan trọng. Đó là điều kiện tiên quyết để phòng tránh nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ đuối nước, làm 18 trẻ em tử vong. Các địa phương vừa mới bước vào mùa mưa lũ nhưng cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc thương tâm. Bên cạnh sự nỗ lực triển khai các giải pháp tuyên truyền, phòng chống của các cấp, ngành thì các gia đình cần nâng cao ý thức trang bị kỹ năng cho trẻ; phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, bảo vệ con em mình để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bà Lê Thị Mai Hoa
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Chủ đề Đuối nước, chết đuối

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast