Sóng quái vật ở hẻm núi dưới biển lớn nhất châu Âu

Mỗi năm, thị trấn Nazaré lại trải qua mùa sóng lớn khi nước có thể cuộn lên cao tới 30m.

Thị trấn Nazaré trở thành một điểm nóng của những cơn sóng lớn. Ảnh: R.M. Nunes
Thị trấn Nazaré trở thành một điểm nóng của những cơn sóng lớn. Ảnh: R.M. Nunes

Nazaré là một điểm nóng nổi tiếng với những cơn sóng quái vật ở vùng ven biển Bồ Đào Nha. Mỗi năm, từ tháng 10 đến tháng 3, người ưa lướt sóng lớn đổ xô tới thị trấn đánh cá nhỏ khi kích thước cơn sóng đạt đỉnh hàng năm. Trong suốt thời gian đó, nước biển thường cuộn lên cao ngang tòa nhà 5 tầng và đôi khi cao gấp đôi mức đó, theo Live Science.

Do có những cơn sóng khổng lồ, Nazaré là điểm đến dành cho vận động viên lướt sóng phá vỡ kỷ lục. Vào tháng 4/2024, vận động viên lướt sóng người Đức Sebastian Steudtner lập kỷ lục thế giới mới dành cho cơn sóng cao nhất mà con người từng cưỡi khi chinh phục sóng cao 28.57 m. Kỷ lục này vẫn chưa được chính thức thông qua nhưng nếu được xác nhận, Steudtner sẽ vượt qua kỷ lục thế giới hiện nay của chính anh là 26,21 m, thiết lập năm 2020. Hai kỷ lục thế giới trước đó là 24,4 m và 23,8 m cũng diễn ra ở Nazaré vào năm 2017 và 2011.

Vào tháng 10/2010, vận động viên lướt sóng 18 tuổi người Bồ Đào Nha António Laureano cưỡi một cơn sóng ở Nazaré mà sau đó giới nghiên cứu ước tính cao tới 30,9 m. Tuy nhiên, Liên đoàn lướt sóng thế giới chưa từng công nhận kết quả đó do phương pháp các nhà khoa học sử dụng để tín toán độ cao cơn sóng.

Sóng ở Nazaré đạt tới kích thước ấn tượng như vậy do chúng hình thành bên trong hẻm Nazaré, hẻm núi dưới biển lớn nhất châu Âu, dài 210 km và sâu 4,8 km ở phía tây nam Nazaré thuộc Đại Tây Dương. Nước trong hẻm di chuyển nhanh hơn nước ở nơi nông hơn, tạo ra sóng ở độ sâu lớn và cong về hướng Nazaré, theo Đài quan sát Trái Đất của NASA. Khi chúng đến gần vùng ven biển, những cơn sóng lớn tiếp xúc với sóng tràn qua từ hướng tây bắc. Quá trình va chạm dẫn tới sự ra đời của sóng lớn ngoại cỡ.

Nazaré thường xuyên có sóng lớn, nhưng đây không phải địa điểm mà cơn sóng lớn nhất từng được ghi nhận. Danh hiệu đó thuộc về vịnh Lituya ở Alaska, từng sinh ra cơn sóng cao 524 m sau khi động đất gây sạt lở, dẫn tới đất đá rơi thẳng xuống vịnh vào tháng 7/1958. Cơn sóng đó đã giết chết 5 người, san bằng cây cối trên những sườn dốc bao quanh vịnh.

Trong khi hẻm Nazaré giúp lý giải tại sao cơn sóng cao lớn xuất hiện ở vùng ven biển Bồ Đào Nha này, sóng khổng lồ cũng có thể xảy ra bất thình lình trên biển. Sóng độc là sóng cao ít nhất gấp đôi so với vùng biển xung quanh. Chúng khác với sóng thần ở chỗ không phải kết quả do nước bị dịch chuyển bởi động đất, sạt lở hoặc phun trào núi lửa. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng sóng độc sinh ra từ những cơn sóng nhỏ hơn sáp nhập thành cơn sóng lớn, cả do gió mạnh ở mặt biển hoặc do thay đổi ở dòng hải lưu gây ra bởi bão.

vnexpress.net

Đọc thêm

Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Siêu bão Yagi đổ bộ: Nhiệt độ nước biển ở Biển Đông ấm bất thường là một trong những lý do chính khiến siêu bão Yagi có tốc độ tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng.
Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đang tiến hành thiết kế một đội robot thăm dò dưới nước để đo tốc độ tan chảy của các dải băng lớn chung quanh Nam Cực; từ đó đưa ra những đánh giá tác động của tình trạng nói trên với hiện tượng nước biển dâng cao.
Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Nhóm nhà vật lý tại Đại học Arizona phát triển kính hiển vi điện tử nhanh nhất thế giới, có thể chụp electron di chuyển với tốc độ 7.920.000 km/h.
Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.