Sức mạnh của phái yếu

(Baohatinh.vn) - Từ xưa đến nay, giới nữ thường được gọi là phái yếu hoặc “liễu yếu đào tơ”, “chân yếu tay mềm”. Đó là cách gọi phù hợp với tính chất giới, vừa mang yếu tố sinh học, vừa mang yếu tố tâm lý học về phụ nữ.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong một nửa thế giới đã kiên cường vượt lên những hạn chế của giới nữ, khẳng định sức mạnh, bản lĩnh của mình. Họ ẩn chứa nhiều năng lượng mà không phải đấng nam nhi nào cũng có được.

suc manh cua phai yeu

Chế biến nước mắm truyền thống

Khi Hai Bà Trưng lửa hờn nung nấu

Sinh ra và lớn lên trên một đất nước giặc giã, thiên tai liên miên, cũng như bao người dân nước Việt không cam chịu cảnh mất nước, nô lệ, nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam đã vượt lên suy nghĩ của nữ nhi thường tình, quyết tâm sắt đá vùng dậy lãnh đạo nhân dân cứu nước. Khi Hai Bà Trưng lửa hờn nung nấu/ Tự lòng người con gái Tổ quốc tượng hình lên (Huy Cận). Hình ảnh Trưng Trắc và Trưng Nhị cưỡi voi ra trận cứu nguy giống nòi trong buổi bình minh của lịch sử mãi là một dấu son tươi mới trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh bà Triệu Thị Trinh ở thế kỷ III với câu nói nổi tiếng: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người, đã được truyền tụng hàng nghìn năm nay với niềm tự hào to lớn về bản lĩnh phi thường của một nữ anh hùng.

Được tiếp lửa tinh thần của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, trong sóng gió thăng trầm của lịch sử, mỗi lần Tổ quốc lâm nguy, những người phụ nữ, những cô gái, thiếu nữ Việt Nam lại đứng lên, mang cả tấm thân yếu mềm và bản lĩnh vô song, trí thông minh tuyệt vời để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Có người trực tiếp cầm quân đánh giặc như nữ tướng Lê Chân, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Thiếu tướng - Anh hùng Nguyễn Thị Định, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, nữ chiến sĩ cộng sản đầu tiên - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai… Cũng có người làm quân sư, dâng kế sách cho các bậc minh quân để trị vì đất nước, đánh đuổi ngoại xâm như Nguyên phi Ỷ Lan, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Hoàng hậu Ngọc Hân… Có những người thầm lặng trên các mặt trận tình báo, ngoại giao như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Anh hùng - Đại tá Đinh Thị Vân...

Đặc biệt, thế kỷ XX ghi nhận các cô gái Việt Nam bình dị đã làm nên những chiến công lừng lẫy, hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ với khí phách hiên ngang, chí khí lẫm liệt, tinh thần dũng cảm xả thân vì nước. Đó là những tên tuổi: Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Hoàng Thị Hồng Gấm, Anh hùng Trần Thị Lý, Anh hùng Võ Thị Thắng, Mẹ Suốt, Nữ pháo binh Anh hùng Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), 10 nữ Anh hùng TNXP Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh)…Và trên dải đất hình chữ S này, đâu đâu cũng có những người con gái, những chị, những mẹ ngời lên sức mạnh của lòng yêu nước, làm nên Thành đồng Tổ quốc.

suc manh cua phai yeu

Nữ công nhân Mitraco thu hoạch sản phẩm rau - củ - quả.

Dựng xây gia đình, quê hương từ những hành động nhỏ

Thời đại mới, người phụ nữ Việt Nam lại thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước trên một trận tuyến mới không kém phần gian khổ, hy sinh, góp phần dựng xây đất nước, tô đẹp non sông, làm cho dân giàu, nước mạnh. Đó là những nữ chính khách vừa lo tròn việc nhà, vừa đảm nhận trọng trách của đất nước như nguyên các Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…

Đó là những người đứng mũi chịu sào trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chủ trang trại, vườn đồi, ao tôm, thậm chí là các chủ thuyền cùng chồng ra biển đánh cá. Đó là các nữ trí thức ngày đêm trăn trở trước những công trình khoa học, trước trang giáo án, những trang sách, trang báo và bên giường bệnh nhân… Là những công nhân bên sản phẩm gạch ngói do mình sản xuất, bên đống vữa hồ của công trình xây dựng hay tinh mơ mỗi sớm làm sạch phố phường. Âm thầm và mạnh mẽ, họ đang từng ngày, từng giờ dựng xây đất nước, đem sức lực và trí tuệ cống hiến cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động như TS - Dược sĩ - Thầy thuốc ưu tú Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Hậu Giang; Nhà giáo nhân dân - GS. TS Trần Thị Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy sản; doanh nhân Nguyễn Thị Lệ Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Hòa Bình…

suc manh cua phai yeu

Sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ đã góp phần làm nên sức mạnh cho cả dân tộc. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Sáng (Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) bên mộ chồng ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (tháng 7/2016).

Sức mạnh của phái yếu còn ẩn chứa ở lòng nhân nghĩa, đức hy sinh, nét tận tụy, kham khổ, sự chắt chiu, kiệm cần. Sinh thành và nuôi dưỡng những đứa con trưởng thành đã là kỳ tích. Không chỉ có vậy, sức mạnh “mềm” của phái yếu còn thể hiện trong từng cử chỉ nhỏ: một không gian sạch sẽ, tươm tất, một bữa ăn hợp khẩu vị cho chồng con và cho mẹ già, một thái độ kiên quyết với những thói hư, tật xấu, lời nói thô lỗ của con, một bông hoa ngày sinh nhật... Hơn tất cả, người phụ nữ còn là chỗ dựa tinh thần cho chồng, con những khi khó khăn, va vấp, buồn nản; là nguồn cội cũng như tác nhân của niềm vui, hạnh phúc; là hơi ấm của ngọn lửa tình yêu thương trong mỗi ngày mà thiếu nó, gia đình vô cùng trống vắng, chơi vơi. Với cộng đồng, nhiều khi chỉ là một hành động nhỏ: nhặt cái rác bên vỉa hè bỏ đúng chỗ, ghép chiếc xe một cách ý tứ dành đường cho người đến sau, một lời xin lỗi khi vô tình vương phải người khác, một lời an ủi xoa dịu nỗi đau... Lớn hơn chút là san sẻ bát cơm, manh áo cho người đói khổ, vận động mọi người chung tay làm việc thiện, bảo vệ môi trường, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch…

Thầm lặng và khiêm nhường, từng ngày, từng giờ, một nửa thế giới của chúng ta đang làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, nhân văn hơn, ngọt ngào hơn. Sức mạnh của họ vô cùng to lớn. Ai bảo phụ nữ là phái yếu!

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.