Lượng kiều hối về Hà Tĩnh giảm khoảng 30% so với cuối năm 2018
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng Dịch vụ, Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh II cho biết: “Dịch vụ kiều hối chủ yếu từ nguồn tiền lao động xuất khẩu tại nước ngoài chuyển về trong nước. Sự suy giảm kinh tế tại các quốc gia trên thế giới kéo theo thu nhập của lao động Việt Nam tại nước ngoài giảm nên lượng kiều hối chuyển về nước cũng giảm theo. Trong khi đó, một số thị trường là tiềm năng của xuất khẩu lao động Hà Tĩnh vẫn gặp khó khăn như: không chuyển được kiều hối về nước do quy định của nước sở tại; Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động một số tỉnh…”
Lượng kiều hối giảm khiến cho nguồn thu từ dịch vụ này của Agribank Hà Tĩnh II cũng chịu ảnh hưởng. Đầu tháng 12, doanh thu từ dịch vụ này đạt 765 triệu đồng và trong tháng cuối cùng của năm Kỷ Hợi này, chi nhánh phải “chạy đua” để đạt được 44,5% kế hoạch còn lại của năm.
Đại lý chi trả kiều hối qua Western Union tại Công ty CP Vàng Bạc Phương Xuân chi trả khoảng 2.000 USD mỗi ngày
Trên địa bàn, tình hình nguồn thu kiều hối gặp khó là bức tranh chung của các ngân hàng. Có những chi nhánh, mức “hấp thụ” của năm nay giảm hàng chục triệu USD so với năm 2018. Thậm chí, một số đại lý chi trả kiều hối ở các tiệm vàng, có những tháng không phát sinh doanh thu.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Phương Xuân, cho biết: “Công ty là đại lý chi trả kiều hối qua Western Union. Mọi năm, vào thời điểm này thường chi trả 5.000 USD/ngày. Thế mà năm nay, chưa đầy 1 tháng nữa là tết, mỗi ngày cao nhất chúng tôi cũng chi trả được khoảng 2.000 USD, có ngày không phát sinh doanh số”.
Phân tích từ thị trường, lượng kiều hối chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình lao động xuất khẩu của các nước. Những biến động về kinh tế tại nước nguồn, xung đột thương mại Mỹ - Trung, phá giá đồng tiền của nhiều nước đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của các thị trường kiều hối.
Thêm vào đó, những thị trường lớn nhất của Hà Tĩnh như Angola hay EU, lao động chủ yếu vẫn đi theo con đường “chui”, nguồn kiều hối gần như rất khó để đi theo con đường chính ngạch qua các đại lý chi trả của ngân hàng. Đổi lại, họ vẫn phải chấp nhận mức phí 60% - 70% tổng số tiền để chuyển về Việt Nam qua “chợ đen”.
Trên thực tế, đây là kênh hoạt động khá sôi động, trở thành đối thủ của kênh chính ngạch từ đại lý ngân hàng. Theo một đại diện của chi nhánh ngân hàng tại Hà Tĩnh, lao động nước ngoài chỉ cần gọi điện về thông báo mã số, người nhà ở Việt Nam sẽ nhận được tiền mà không cần thủ tục rườm rà, kể cả không cần có chứng minh nhân dân. Mặc dù phí có thể cao hơn nhưng họ chấp nhận để nhận được tiền nhanh hơn và không phải chứng minh hợp pháp nào.
Vietcombank Hà Tĩnh đang kết nối với nhiều kênh chi trả kiều hối (trong ảnh: Giao dịch tại Vietcombank Kỳ Anh)
Bên cạnh đó, ở kênh đủ thủ tục pháp lý với sự gia tăng các dịch vụ chuyển tiền nhanh, phí rẻ như Money Gram, Xpress Money, … dẫn đến khách hàng có nhiều lựa chọn hơn trong việc chuyển và nhận kiều hối.
Trong xu thế chung đó, Vietcombank là ngân hàng giành được thế mạnh này, ngoài sở hữu riêng Công ty TNHH MTV Kiều hối Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBR) thì ngân hàng này còn kết nối với nhiều đơn vị trung gian như: BP Remit,Money Gram, nhận tiền từ tài khoản… nhằm phủ sóng và mở rộng nhiều thị trường nhiều nước như: Mỹ, CH Séc, Bungari...
Tại Chi nhánh Hà Tĩnh, cuối năm nay, dự kiến nguồn thu từ dịch vụ kiều hối đạt trên 4,4 triệu USD, tăng so với năm 2018 là 0,7 triệu USD.
Đứng trước áp lực “hút” nguồn cuối năm, hiện, hai chi nhánh Agribank Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh II mở “Mùa kiều hối Agribank 2020, nhận tiền nhanh - nhiều quà tặng”, có tổng giá trị giải thưởng là 1,6 tỷ đồng, dành cho tất cả khách hàng nhận tiền Western Union tại quầy giao dịch của Agribank; Vietcombank dành 2,8 tỷ đồng quà tặng cho mùa kiều hối năm nay; MB với dịch vụ chuyển kiều hối eMoney với cam kết “ngay lập tức” vào tài khoản hoặc “trong vòng 5 phút” với tiền mặt…
“Sức nóng” của các ưu đãi được kỳ vọng sẽ “rã đông” thị trường kiều hối từ nay đến Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Tĩnh.