Dù chịu sự nghiêm trị của luật pháp, bị cáo Dũng vẫn nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ những người có mặt tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, khoảng 15h ngày 22/1/2017, tại khu vực ruộng Hố Lầy (địa phận xóm 9, Sơn Lĩnh), do bực tức việc ông Nguyễn Xuân Lý (hàng xóm) tự ý đào đường ruộng chung làm nước chảy xuống ruộng nhà mình, Dũng lớn tiếng trách móc. Tuy là người sai trước nhưng thay vì hối lỗi, ông Lý lại thách thức hàng xóm, cho rằng, “mày biết gì mà nói”.
Lời qua tiếng lại, những xích mích ban đầu nhanh chóng biến thành cuộc ẩu đả khi ông Lý giơ dao hăm dọa đối phương. Quá bực tức vì hành vi “vừa ăn cướp, vừa la làng” của ông Nguyễn Xuân Lý, Dũng đáp trả lại bằng cách dùng xà beng đánh vào đầu, tay và chân ông này. Theo giám định, tỷ lệ tổn hại sức khỏe của ông Lý là 16%.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Xuân Lý khá căng thẳng khi cho rằng: “Nguyễn Văn Dũng dù ít tuổi nhưng lại tỏ thái độ hỗn láo với người lớn. Người ta nói không có gì quý bằng sức khỏe con người nhưng hiện tại, tôi đã bị tổn thất 16%. Kính mong quý tòa xem xét, đưa ra bản án nghiêm khắc để kẻ phạm tội bị trừng trị và bị hại đòi lại được quyền lợi chính đáng”.
Trước những lời cáo buộc của bị hại, bị cáo Dũng với khuôn mặt khắc khổ, nước da đen sạm cúi đầu im lặng. Dáng người nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo cũ kỹ, bạc màu, giọng bị cáo run run trả lời những chất vấn của hội đồng xét xử. Thi thoảng, bị cáo đưa mắt ngoái nhìn về phía sau như chờ mong sự động viên, khích lệ. Bằng thái độ chân thành, hối lỗi, bị cáo bày tỏ ăn năn hối cải khi sự nóng nảy đã dẫn đến đụng độ không đáng có.
Không khí tại phiên xét xử diễn ra khá căng thẳng. Từng là những hàng xóm thân thiết “tối lửa tắt đèn có nhau”, giờ đây, hai phía đều “đóng vai” người lạ. Sự ảm đạm bao quanh công đường khiến những người có mặt cũng thấy nặng lòng.
Có mặt tại hội trường xét xử, vợ bị cáo hướng đôi mắt đượm buồn về phía người bạn đời. Những đứa trẻ theo chân mẹ tới tham dự phiên xử bố chưa ý thức được bi kịch của người lớn, vẫn ngây thơ đùa cợt. Theo tìm hiểu từ những người dân địa phương, gia đình bị cáo Dũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Vợ chồng trẻ vốn thuần nông nên dẫu quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” song vẫn không đủ nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Năm 2016, tổ ấm chào đón thêm thành viên mới khiến cuộc sống càng thêm khốn khó. Mặc dù gánh nặng mưu sinh luôn đè nặng trên vai, song Nguyễn Văn Dũng luôn được xóm giềng yêu quý bởi đức tính hiền lành, chịu khó và sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Theo dõi tường tận những diễn biến quá trình xét xử, không ít người chép miệng tiếc nuối cho số phận đen đủi của người đàn ông hiền lành, chăm chỉ. “Chúng tôi tin, hội đồng xét xử sẽ xem xét khách quan, toàn diện để đưa ra bản án hợp tình, hợp lý, mở đường cho Dũng có cơ hội quay về. 4 đứa trẻ rất cần có sự bảo ban, chỉ dạy của người bố”, đó là lời chia sẻ đầy tha thiết của đông đảo người dự khán. Và rồi, lãnh đạo địa phương đã nói hộ những mong muốn của người dân khi yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Xét thấy nguyên nhân xảy ra sự việc cũng có một phần xuất phát từ lỗi của bị hại, hội đồng xét xử tuyên phạt Dũng 26 tháng tù giam và buộc bồi thường cho bị hại gần 20 triệu đồng. Sau phán quyết của tòa án, đôi mắt bị cáo trĩu nặng hướng về người vợ trẻ. Phía bên kia “chiến tuyến”, ông Nguyễn Xuân Lý bày tỏ thái độ không đồng tình và cho rằng, mức bồi thường còn nhẹ so với hành vi của bị cáo Dũng.
“Là người trực tiếp cầm cân nảy mực của vụ án, tôi hết sức chia sẻ đối với bị cáo Dũng. Tuy nhiên, hành vi cố ý gây thương tích cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe. Hy vọng rằng, đây sẽ là bài học đắt giá cho Nguyễn Văn Dũng về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống” - Chủ tọa Nguyễn Thành Nhân bày tỏ.