Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp

(Baohatinh.vn) - 6 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện 2.218 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 298.244 lượt người tham dự.

Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã; tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 222 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 2.069 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND...

Điểm cầu Hà Tĩnh.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 12 điều ước quốc tế; góp ý 132 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài.

Hiện cả nước có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL... Cả nước tiếp nhận hơn 46.627 vụ việc hòa giải, tổng số vụ việc được hòa giải 45.112 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành 37.628 vụ việc, đạt tỉ lệ 83,4%.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và xử lý được 219.207 thông tin, cung cấp cho các sở tư pháp 33.800 thông tin, cập nhật và tạo lập, tích hợp vào cơ sở dữ liệu 158.411 thông tin. Ngoài ra, các lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; nuôi con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... đạt kết quả tốt.

Tại Hà Tĩnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ban hành 23 VBQPPL, thẩm định 26 dự thảo văn bản QPPL; góp ý 72 dự thảo VBQPPL của Trung ương và của tỉnh; phòng tư pháp đã thẩm định 5 dự thảo văn bản QPPL.

Sở Tư pháp đã nghiên cứu, cho ý kiến đối với 23 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện 2.218 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 298.244 lượt người tham dự, cấp phát 165.794 tài liệu PBGDPL.

UBND các huyện, thành phố, thị xã đã đăng ký khai sinh 33 trường hợp, đăng ký kết hôn 94 trường hợp; UBND cấp xã đã đăng ký khai sinh mới 11.337 trường hợp, đăng ký kết hôn mới 5.553 trường hợp, đăng ký khai tử mới 5.798 trường hợp.

Các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được triển khai quyết liệt, kịp thời, đặc biệt là việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, kết nối dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực LLTP, hộ tịch... thống nhất, đồng bộ trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 13.239 hồ sơ liên thông, trong đó có 10.514 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, 3.977 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

6 tháng cuối năm, ngành Tư pháp tiếp tục dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, chú trọng hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành...

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành đã làm rõ những khó khăn, tồn tại như: tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh chưa nổi bật; sai sót trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến do ngành Tư pháp cung cấp, chứng thực điện tử còn thấp so với chỉ tiêu đề ra...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị toàn ngành Tư pháp thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: VGP News.

Tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường Nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần bám sát chỉ đạo của các bộ, ngành; tập trung hơn vào góp ý trong các nghị định liên quan đến các luật đất đai, nhà ở, bất động sản; thực hiện tốt việc số hoá giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói