Tàu sân bay lớn nhất của Anh “lộ” điểm yếu

Sau gần một thập kỷ thi công với nhiều lần gián đoạn cũng như gây tranh cãi vì vượt quá chi phí, cuối cùng, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn nhất và uy lực nhất của Hải quân Anh, đã có chuyến đi đầu tiên vào ngày 26-6, trước khi chính thức được đưa vào phục vụ lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh.

Đây là chiếc đầu tiên của lớp Queen Elizabeth và là một trong hai tàu chiến lớn nhất lịch sử Hải quân Anh, cùng với tàu HMS Prince of Wales.

tau san bay lon nhat cua anh lo diem yeu

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Save the Royal Navy

Biểu tượng sức mạnh quân đội Anh

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã rời cảng Râu-xít (Rosyth) tại Xcốt-len (Scotland) cùng với 700 thành viên thủy thủ đoàn để thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm đầu tiên trên biển trong suốt mùa hè này. Theo lịch trình, trong 6 tuần tiếp theo, tàu sân bay mang tên Nữ hoàng Anh sẽ đến biển Bắc để tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển. Tiếp đó, tàu sẽ vận hành các thử nghiệm với máy bay chiến đấu dự kiến bắt đầu vào tháng 10-2018 tại bờ biển phía Đông nước Mỹ và trở về Anh chính thức hoạt động vào năm 2020.

Phát biểu tại lễ hạ thủy, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Mai-cơn Pha-lơn (Michael Fallon) nhấn mạnh, đây là chiến hạm hùng mạnh nhất từng được hoàn thiện tại Anh, hứa hẹn sẽ giúp quân đội nước này đối phó với tình hình mới nhiều biến động. Ông cũng khẳng định trong vòng 50 năm tới, HMS Queen Elizabeth được ví như “thành tựu quốc gia”, sẽ tượng trưng cho sức mạnh quân đội của nước Anh.

Con tàu này hiện là tàu sân bay lớn nhất ngoài lãnh thổ Mỹ và là tàu sân bay đắt giá nhất trong lịch sử Hải quân Anh. Tàu được bắt đầu đóng từ năm 2009 với số tiền dự kiến ban đầu là 3,5 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, đến khi hoàn thành, tổng số tiền phải tiêu tốn là hơn 6 tỷ bảng Anh. Các bộ phận của tàu đã được hoàn thành ở nhiều xưởng đóng tàu trên toàn nước Anh, sau đó được chuyển tới lắp ráp tại Râu-xít. Khoảng 10.000 người đã được huy động để phục vụ việc hoàn thiện con tàu.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước 65.000 tấn, mặt boong có diện tích 16.000m2, gấp 2,5 lần diện tích sân vận động Oem-blây (Wembley). Tàu có chiều dài 280m, có thể chuyên chở hơn 1.000 thủy thủ đoàn, bao gồm cả phi công và nhân viên kỹ thuật. HMS Queen Elizabeth có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Thành phần chính xác của các loại máy bay bố trí trên tàu sân bay Anh chưa được công bố, nhưng thủy quân lục chiến Mỹ đã ký thỏa thuận để cung cấp một phi đội F-35B vận hành trên HMS Queen Elizabeth.

Các chuyên gia quân sự nhận định, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth có nhiều khác biệt với tàu sân bay của Mỹ. Chúng nhỏ hơn đáng kể so với lớp Nimitz và Gerald R.Ford. Tàu sân bay Anh không sử dụng động cơ hạt nhân, thay vào đó, Hải quân Anh chọn động cơ điện tích hợp kiểu truyền thống. HMS Queen Elizabeth được trang bị hai động cơ tua bin khí Rolls-Royce Marine Trent MT30, mỗi động cơ có công suất 48.000 mã lực cùng 4 máy phát đi-ê-den công suất 15.000 và 12.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 46km/h.

Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth được thiết kế để vận hành máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL) với sự hỗ trợ của cầu nhảy. Ban đầu, tàu dự kiến được trang bị hệ thống phóng và cáp hãm đà cho máy bay (CATOBAR) như lớp Nimitz và Gerald R. Ford, nhưng chi phí quá cao buộc Hải quân Anh lựa chọn giải pháp STOVL và sử dụng tiêm kích F-35B.

Tàu Queen Elizabeth có hai đài chỉ huy riêng biệt. Đài phía trước được sử dụng cho nhiệm vụ định vị và điều khiển hoạt động trên tàu, trong khi đài chỉ huy thứ hai kiểm soát hoạt động bay. Nói về sức mạnh cũng như điểm yếu của con tàu này, một quan chức Hải quân Anh thừa nhận tàu không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh mới nhất của Nga. Còn theo Thiếu tướng I-go Cô-na-sen-cô (Igor Konashenkov), đại diện của Bộ Quốc phòng Nga, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh là mục tiêu trên biển dễ bị tấn công. Ông lưu ý rằng nếu thiếu sự trợ giúp từ bên ngoài của đội tàu chiến bảo vệ, tàu ngầm và tàu hậu cần bao quanh thì hàng không mẫu hạm Anh chỉ là nơi máy bay có thể xuất kích.

Khó tự bảo vệ trước tên lửa siêu thanh

Quan chức quốc phòng Anh thừa nhận với truyền thông nước này rằng, tên lửa Sea Ceptor trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không thể đánh chặn các tên lửa có tốc độ siêu thanh như 3M22 Zircon của Nga. Còn tờ The Independent của Anh dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ không thể tự bảo vệ trước tên lửa siêu thanh chống tàu Zircon của Nga.

Loại tên lửa này có tốc độ đến 6 Mach và sau khi nâng cấp thậm chí chúng sẽ đạt tới 8 Mach hoặc nhanh hơn nữa. Với tốc độ này, các tên lửa phòng thủ chống tên lửa trên tàu sân bay và cả tàu hộ tống Anh chỉ có thể “đứng nhìn”. “Tên lửa siêu thanh là vô phương đánh chặn”, một quan chức quốc phòng Anh (giấu tên) nói với tờ Mirror. Quan chức trên cho biết thêm, tên lửa Zircon được cho là có tầm bắn khoảng 400km. Với tốc độ 7.360km/giờ, nó có thể bay hết quãng đường này chỉ trong vòng chưa tới 3 phút. Trong khi đó, tên lửa Sea Ceptor chỉ có thể bắn hạ mục tiêu có tốc độ 3.680 km/giờ. Vì lý do này, hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth trị giá 6 tỷ bảng Anh mỗi chiếc có thể trở nên lỗi thời trước tên lửa của Nga. Chính vì vậy, theo quan chức quốc phòng Anh, tàu sân bay là phương tiện triển khai sức mạnh quân sự, nhưng nó không thể tự vệ trước các tên lửa như Zircon, cách khôn ngoan là chúng phải giữ khoảng cách an toàn tới hàng trăm ki-lô-mét.

Phân tích về sự nguy hiểm của các loại tên lửa siêu thanh được cho là “sát thủ” của tàu sân bay, chuyên gia Hải quân Anh P.Xan-đơ-man (Pete Sandeman) cho rằng ngay cả khi tên lửa Zircon bị phá hủy ở cự ly gần thì những mảnh vỡ của nó vẫn có động năng rất lớn và gây hư hỏng nặng cho con tàu. H.J.Ca-di-a-nít (H.J.Kazianis), chuyên gia thuộc National Interest, tin rằng những vũ khí như tên lửa Zircon có thể biến các siêu tàu sân bay Mỹ thành “những nấm mồ nhiều tỷ USD cho hàng nghìn thủy thủ”.

Chuyên gia vũ khí của quân đội Anh M.Pếch (Micheal Peck) cho biết, Hải quân Anh đã hiểu rõ mối đe dọa này. Tới đây, quân đội Anh sẽ dành một khoản ngân sách để phát triển hệ thống vũ khí phòng thủ đủ mạnh để bảo vệ các tàu sân bay hiện đại này.

Theo QĐND

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.