Gia đình bà Võ Thị Quế là một trong những hộ có diện tích sản xuất kiệu lớn nhất trong thôn
Trên diện tích hơn 7 sào đất ven đồi, gia đình bà Võ Thị Quế ở thôn Đồng Trụ Đông, xã Kỳ Đồng đang khẩn trương thu hoạch kiệu, loại cây trồng hàng hóa chủ lực của gia đình vào các dịp cuối năm.
Bàn tay thoăn thoắt trên những luống kiệu xanh mướt, những khóm kiệu khỏe khoắn xếp chồng lên nhau, bà Quế cho biết: Năm nay sản xuất cây kiệu gặp nhiều khó khăn. Đầu vụ mưa nhiều rồi lại nắng hạn. Tuy nhiên, với sức sống mãnh liệt của loại cây trồng “dễ tính” này, vào cuối vụ, cây kiệu vẫn không ảnh hưởng nhiều đến năng suất và chất lượng. Thậm chí ở các luống kiệu từng bị ngập nước, đọng nhiều phù sa, kiệu càng tốt xanh hơn và cho củ to, tròn, săn chắc hơn.
Bà Quế cho biết, năm nay mặc dù giá kiệu thành phẩm thấp hơn năm ngoái nhưng nhờ năng suất cao nên không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình
Bắt đầu xuống giống vào tháng 8, sau gần 5 tháng, mỗi sào kiệu thu hoạch hơn 7 - 8 tạ thành phẩm. Mỗi kg kiệu cả củ và lá có giá 15 ngàn đồng (nếu bán riêng củ thì có giá dao động từ 50 – 80 ngàn đồng). Như vậy, vụ kiệu năm nay, gia đình bà Quế thu về ít nhất khoảng 70 triệu đồng; trừ hết chi phí còn trên 50 triệu đồng.
“Đây là một khoản tiền không hề nhỏ đối với người nông dân như chúng tôi. Dù đây là vụ kiệu có giá bán không cao so với các vụ trước, nhưng so với cây lúa hoặc các loại cây hoa màu khác thì thu nhập từ sản xuất kiệu chắc chắn sẽ vượt xa. Trong khi đó, cây kiệu khá dễ tính, ít sâu bệnh, sản xuất cây kiệu lại ít vất vả hơn. Năm nay, chúng tôi lại có một cái Tết ấm cúng là nhờ cây kiệu cả…” - bà Võ Thị Quế phấn khởi chia sẻ.
Sản phẩm củ kiệu khi được làm sạch như thế này sẽ bán được giá từ 50 - 60 ngàn đồng/kg
Sau khi cắt phần củ, phần lá kiệu được bà con bó lại để tiêu thụ với giá rẻ hơn
Được biết, dù tổng diện tích không nhiều, toàn xã chỉ có khoảng trên dưới 5 ha kiệu, chủ yếu tập trung ở thôn thôn Đồng Trụ Đông với gần 30 hộ gia đình sản xuất hàng hóa, nhưng nhắc đến thôn này, không chỉ người dân trong xã mà cả nhiều người ở xa cũng biết đến cây kiệu như một đặc sản truyền thống của địa phương.
Nghề sản xuất kiệu có từ bao giờ, hầu hết người dân thôn Đồng Trụ Đông không hay. Chỉ biết rằng, nhiều người dân ở đây, từ mọi nhu cầu ăn học, sắm sửa, trang trải cuộc sống, phần lớn là nhờ thu nhập từ cây kiệu. Đặc biệt mỗi khi tết đến xuân về cũng là khi vào vụ thu hoạch kiệu, cây kiệu trở thành một phần tất yếu cho những cái Tết đủ đầy.
Cùng với thu hoạch đại trà, nhiều hộ dân còn dành một số diện tích kiệu bán vào dịp cận tết để được giá cao hơn
Về thôn Đồng Trụ Đông, chúng tôi còn được bà con chia sẻ, trong rất nhiều bí quyết về gieo trồng, chăm sóc, có một kinh nghiệm khá thú vị đó là cây kiệu là giống ưa đất lạ. Vì vậy, sau mỗi vụ sản xuất, giống kiệu cần phải du nhập ở nơi khác về nếu muốn kiệu ít bị sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao. Theo đó, dù mua kiệu giống có giá khá cao (có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng/kg) nhưng người trồng kiệu ở đây không bao giờ tự để giống.
Kiệu sau khi được thu hoạch, người dân có thể sơ chế, phân loại sản phẩm tại chỗ...
Bên cạnh niềm vui vào vụ thu hoạch rộ, người trồng kiệu vẫn còn nhiều trăn trở. Sản xuất cây kiệu đang gặp không ít khó khăn, trong đó việc tiêu thụ vẫn chưa ổn định; chưa có những đầu mối đủ lớn để tiêu thụ sản phẩm lâu dài… Vì vậy, dù tiềm năng đất đai, lao động dồi dào nhưng nhiều hộ vẫn không dám mở rộng diện tích.
Được biết, gần đây có một chủ siêu thị ngõ ý ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm kiệu của thôn, nhưng do điều kiện khí hậu, cây kiệu không thể sản xuất nhiều vụ trong năm, nên không thể đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác.
... hoặc trực tiếp xuất bán cho thương lái
Với sự cần thiết phải có sự liên kết sản xuất để tương tác, hỗ trợ và điều tiết sản xuất, Hội Nông dân xã Kỳ Đồng đã đứng ra chỉ đạo và thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất kiệu thôn Đồng Trụ Đông. Thời gian qua, THT bước đầu đã đi vào vận hành khá hiệu quả, góp phần giúp các hộ thành viên vượt qua khó khăn, đi vào sản xuất có tổ chức, bài bản hơn.
“Thông qua THT, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục sát cánh vận động bà con yên tâm sản xuất; mở rộng thêm diện tích từng bước, không ồ ạt. Cùng với đó, chỉ đạo THT nâng cao vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm thị trường nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Đồng Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.