Trước hết, chính bản thân bạn cần nhận thức được sự nguy hiểm và hậu quả của việc “nghiện” Facebook có thể gây ra cho mình như ảnh hưởng đến học hành, cuộc sống, công việc, chu kì sinh học, sức khỏe, tinh thần, trạng thái tâm lý… Từ đó đề ra kế hoạch để giảm bớt sự lệ thuộc của chính mình vào các trang mạng xã hội nói chung, từ bỏ việc đắm chìm quá mức vào trong thế giới ảo mà chúng xây dựng.
Đăng xuất khỏi Facebook cũng là cách để hạn chế dùng ứng dụng này - Ảnh: H.Đ |
Hãy mở ứng dụng Facebook, vào phần Menu, sau đó đến Settings & Privacy, bạn sẽ tìm được tính năng đo thời gian bạn dành cho Facebook mọi ngày. Trừ các trường hợp phải dùng Facebook cho công việc, nếu bạn chỉ lướt Facebook cho vui thì 15-30 phút mỗi ngày có lẽ đã đủ, trên 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để giải trí trên Facebook có lẽ hơi nhiều.
Khi bạn đã xác định mình quá “nghiện” mạng xã hội này, hãy thử những cách sau đây để hạn chế hoặc “chia tay” Facebook.
Hãy thử nhiều cách để bớt “yêu” Facebook
Cách đơn giản và quyết đoán nhất là sử dụng tính năng vô hiệu hóa (deactivate) tài khoản Facebook trong một thời gian. Nhưng trước khi đến bước này cần nhớ thông báo cho bạn bè về sự tạm “đóng băng” tài khoản Facebook này để tránh cho họ sự bỡ ngỡ hay hờn trách. Nhưng cách này cũng dễ mất hiệu quả bởi bạn hoàn toàn có thể quay lại bất kỳ lúc nào, khi bạn không còn kiềm lòng được nữa.
Có thể kết hợp thêm bước đổi mật khẩu Facebook thành một mật khẩu mới có độ phức tạp mà bạn không thể ghi nhớ, chỉ có thể viết ra giấy và cho vào phong bì dán kín rồi nhờ người thân đáng tin cậy giữ hô mật khẩu.
Thay vì tự mình cách ly với Facebook thì bạn vẫn còn lựa chọn phù hợp khác để vừa “cai nghiện” Facebook là chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian vừa phải. Đó là tự mình tạo ra rào cản để việc truy cập vào Facebook không còn tiện lợi, dễ dàng nữa.
Trên các thiết bị di động như smartphone hay tablet cá nhân… hãy xóa ngay ứng dụng Facebook, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên cho thiết bị vừa khiến con đường bạn đến Facebook trở nên dài và “chông gai” hơn.
Nếu đã lỡ truy cập Facebook thì có thể giảm bớt các tần suất tương tác như thích, bình luận, giảm trò chuyện hay đăng status mới…
Một khi bạn không còn hào hứng với hoạt động trên Facebook nữa thì bạn bè cũng sẽ có chiều hướng giảm tương tác với bạn và quá trình “cai nghiện” Facebook của bạn cứ thế mà dễ dàng, thuận lợi hơn.
Nhẹ nhàng hơn, bạn có thể thông báo đến bạn bè rằng mình muốn giảm bớt thời gian cá nhân dành cho Facebook và nhờ họ giám sát, nhắc nhở giúp hoàn thành mục tiêu này.
Tất nhiên những cách làm trên chỉ nặng tính hình thức, điều quan trọng nhất là chính bạn phải hiểu rằng mình cần sử dụng Facebook thế nào là hợp lý, bao nhiêu là đủ. Dành chút ít thời gian lên mạng để like, bình luận cho bạn bè, người thân vui vẻ chẳng chết ai, hoặc thi thoảng bạn đăng vài status ngớ ngẩn, nhưng kỷ niệm đẹp, những điều vui vẻ,... cũng rất cần thiết trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, cái gì “nghiện” quá chắc chắn không tốt.
Hãy “face” và “book”, bớt Facebook
Dĩ nhiên, Facebook không phải là một người bạn xấu, nhưng nếu như bạn lạm dụng và lệ thuộc nó thái quá thì dễ gây ra tác động tiêu cực đến cuộc sống của chính mình.
Hơn thế nữa, thời điểm năm hết Tết đến khi mọi người quây quần bên nhau đón xuân thì đây là dịp thuận lợi nếu bạn muốn “cai nghiện” Facebook. Tết có rất nhiều hoạt động mà bạn có thể tham gia như đi thưởng hoa, hái lộc, về quê thăm người thân, sum họp gia đình, ngắm pháo hoa, du xuân… Chỉ bấy nhiêu hoạt động dịp Tết đó cũng đã chiếm hầu hết thời gian trong ngày của bạn nên chẳng có lí do gì không hòa mình vào với những điều vui vẻ mà chỉ Tết mới có.
Đi vui chơi, thăm bạn bè ngày Tết vẫn thú vị hơn là ngồi lướt Facebook vô định - Ảnh: H.Đ |
Thế nên, Tết là thời điểm cho phép bạn dễ “nói không” Facebook nhất vì cả thân xác và tâm trí này gần như dành trọn hết cho việc ăn mừng năm mới thay vì… dành cả thanh xuân để lướt Facebook.
Thay vì cứ dán mắt vào Facebook nhiều giờ trong ngày như một thói quen, hãy thử dứt ra khỏi nó và tìm vui nơi những hoạt động khác vào dịp Tết này.
Bạn có thể - “Face” - mặt đối mặt với mọi người vào các hoạt động vui chơi, hội họp tập thể ngoài thế giới thực để gặt hái nhiều kinh nghiệm sống, tạo ra những kết nối thực hơn thay vì chăm chăm đắm mình vào thế giới ảo.
Đó có thể là hẹn bạn bè họp mặt, họp lớp, cùng du xuân, đi cafe tán gẫu cùng nhau thay vì chỉ ngồi yên một chỗ bình luận hay trò chuyện trên Facebook. Ngoài ra bạn có thể tham gia vào hoạt động gia đình như nấu ăn, dọn dẹp, thờ cúng… thay vì chỉ ngồi bình luận hay thích món ăn của bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngoài ra, bên cạnh các hoạt động sôi nổi, bạn vẫn có thể trầm lắng xuống bằng việc dành thời gian nhiều hơn vào những trang sách - “Book” – sẽ hữu ích hơn trang Facebook vì điều đó có thể mang đến nhiều món ăn tinh thần giúp bạn trau dồi kỹ năng, vốn sống, kiến thức… nhằm phát triển cá nhân và hoàn thiện chính mình để chinh phục mục tiêu trong năm mới…