Thân Di Phi (SN 1997) xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Hàm Đan, Hà Bắc (Trung Quốc). Chịu sự ảnh hưởng từ nền giáo dục của gia đình, anh sớm bộc lộ khả năng thần đồng.
Bộc lộ tài năng sớm
Bốn tuổi, Di Phi nhớ hàng nghìn chữ Hán, thành thạo tính toán và đọc hết 4 kiệt tác Văn học kinh điển của Trung Quốc.
Năm tuổi, Di Phi được nhận vào lớp 1. Suốt nhiều năm, anh luôn có thành tích đứng đầu lớp. Khả năng học tập của Di Phi ngày càng phát triển rõ rệt, vượt trội so với bạn bè. Hoàn thành chương trình tiểu học ở tuổi 11, Di Phi bước vào cấp 2. Anh chỉ mất 2 năm học xong cấp 2.
Trong khi bạn bè đồng trang lứa đang học THCS, ở tuổi 13, anh được tuyển thẳng vào lớp chọn trường THPT Số 1 Hàm Đan (Trung Quốc). Ở tuổi 15, Di Phi đỗ vào Viện Ngô Kiện Hùng thuộc Đại học Đông Nam (Trung Quốc).
Sau khi vào đại học, anh tích cực tham gia các Cuộc thi Khoa học và giành được nhiều giải thưởng. Trong mắt bạn bè, anh được mệnh danh là "vua đoạt giải". Năm 2014, tham gia Cuộc thi Mô hình Toán học do Đại học Đông Nam tổ chức, Di Phi xuất sắc giành giải Nhất.
Bước ra từ cuộc thi, Di Phi tìm thấy niềm đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ. Ngay sau đó, anh đăng ký tham gia Cuộc thi Thiết kế Điện tử dành cho sinh viên được tổ chức tại Giang Tô (Trung Quốc) và giành được giải nhất.
Trong 4 năm đại học, Di Phi nhận được nhiều giải thưởng danh dự, từ cấp trường đến cấp quốc gia. Ngoài cuộc thi chuyên môn, anh còn nhận được Giải Vàng về Trang trí Nội thất của Tập đoàn Trung Thiên tại Thâm Quyến (Trung Quốc) và Học bổng của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CASC).
Tiên phong nghiên cứu 5G
Năm 2015, tốt nghiệp đại học với tư cách là thủ khoa đầu ra, Di Phi được tuyển thẳng vào học tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Thông tin thuộc Đại học Đông Nam (Trung Quốc).
Năm 2016, tham gia cuộc thi của Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE), anh nhận được Giải thưởng bài nghiên cứu xuất sắc IEEE DSP (IEEE DSP Best Student Paper Award).
Trong quá trình học tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của GS Vưu Tiêu Hổ (nhà khoa học đi đầu về công nghệ 4G Trung Quốc), Di Phi bắt đầu phát triển và nghiên cứu công nghệ 5G. Anh dành phần lớn thời gian trong ngày để chạy dữ liệu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực Truyền thông Di động.
Để tiến độ không bị chậm, thậm chí, Di Phi còn ăn ngủ tại phòng thí nghiệm. Suốt 2 năm, anh bị ám ảnh bởi những con số và chìm đắm trong từng dòng mã. Sau 15 lần thất bại, Di Phi mới tìm ra phương pháp mã hóa. Với phương pháp mới của anh, khả năng xử lý dữ liệu được cải thiện đáng kể.
Trước đây, để tính toán một bộ dữ liệu phải mất 2s. Tuy nhiên, chế độ mã hóa mới của Di Phi, 1s có thể tính được 200.000 bộ dữ liệu. Sự thay đổi về tốc độ truyền tải này, giúp nghiên cứu Công nghệ mã phân cực 5G của anh nhận được bằng sáng chế.
Hiện tại, nghiên cứu này đã được viết thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp 5G ở Trung Quốc. Thành tựu này của Di Phi đã phá vỡ rào cản kỹ thuật ở các nước phương Tây, giải quyết được vấn đề độ trễ thời gian trong quá trình truyền tải chip 5G.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ 5G ở Trung Quốc. Ở tuổi 21, anh trở thành chuyên gia công nghệ và là nhà tiên phong trẻ nhất của mạng lưới 5G ở Trung Quốc. Di Phi đã góp phần đưa công nghệ 5G của Trung Quốc dẫn đầu thế giới.
Thời điểm Di Phi công bố nghiên cứu đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong giới học thuật. Trước thành tựu vĩ đại này, nhiều người không tin do chàng trai 21 tuổi sáng tạo ra.
Năm 2019, ở tuổi 22, Di Phi tốt nghiệp tiến sĩ, chính thức trở thành nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Thông tin thuộc Đại học Đông Nam (Trung Quốc). Ở tuổi 27, anh sở hữu 6 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và 3 phát minh được cấp bằng sáng chế.
Hiện tại, Di Phi còn là thành viên chính của nhóm nghiên cứu công nghệ 5G ở Trung Quốc. Không tự hào về những thành tựu bản thân đạt được, anh cho rằng cần phải cố gắng hơn. Mục tiêu sắp tới của Di Phi là nghiên cứu chip độc quyền.