Tháng ba dịu ngọt

(Baohatinh.vn) - Trong “bản nhạc” cuối của mùa xuân, tháng ba tựa như nốt nhạc trầm sâu lắng. Ấy là lúc hương sắc mùa xuân bung tỏa, vị của mùa xuân chín đỏ và lòng người như chìm vào thăm thẳm ký ức… Những mùa hoa cứ như những chấm đỏ định vị để tháng ba và lòng người tìm về bên nhau trong những giao cảm đượm nồng.

Tháng ba dịu ngọt

Tháng ba là lúc hương sắc mùa xuân chín đỏ... Ảnh Internet

Về cùng ký ức

Dẫu khí hậu có biến đổi đến chừng nào, tháng ba cũng luôn được bắt đầu bằng những màn mưa bụi mỏng manh. Những hạt mưa mịn như nhung làm cho đất trời mờ đục ấy lại ủ chứa bao nhiêu sinh khí. Mưa giăng tơ trong lòng người. Mưa giăng mắc trên cỏ cây, hoa trái. Mưa ươm ủ, nuôi chín những cảm xúc thanh tân, tô nhuận thêm hương sắc của muôn loài hoa trái. Chẳng những thế mà tháng ba luôn có những cuộc trở về đầy duyên nợ của bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu loài hoa đặc biệt.

Tháng ba dịu ngọt

Những hạt mưa bụi li ti chỉ có thể nhìn rõ dưới ánh đèn đường như những chấm nhỏ mùa xuân ươm ủ biết bao mùa hoa trái. Ảnh Internet

Không biết vì nguyên cớ gì mà cứ mỗi độ tháng ba trở lại, những chuyến đi lại đưa tôi về nơi ấy - bến nước cũ của làng tôi. Nơi có chiếc cổng làng cổ xưa, cây đa già tỏa bóng, lũy tre xanh cong cong và dòng sông bên bồi bên lở. Nơi đó, tôi đã sống bao tháng ngày thơ ấu. Hình ảnh những vạt hoa cải vàng rực, những lần mưa đổ bụi trên bến vắng, hình ảnh màn mưa che mờ vóc dáng lam lũ của những cuộc đời vạn chài ngang qua bến nước làng tôi đã trở thành bức phù điêu vững chãi trong ký ức thiếu thời. Từ nơi ấy, tôi đã biết cảm nhận một tháng ba thơ mộng, trầm mặc, nhọc nhằn mà thật sâu sắc, lãng mạn.

Tôi đã nuôi giữ những điều ấy trong sâu thẳm tâm hồn. Tôi đã để sinh khí của nó ươm ủ, thêu dệt lên trong lòng mình thật nhiều tầng lớp cảm xúc. Và tôi đã biết mượn nó để cắt nghĩa, để lý giải và thấu tỏ biết bao nhiêu tình huống, bao nhiêu trạng thái tình cảm trong chính con người mình, trong những nhân duyên của cuộc đời. Sau rốt, điều tôi giữ lại bao giờ cũng là sự an định. Tôi biết, tháng ba với những điều đặc biệt của nó đã cho tôi điều đó.

Tháng ba dịu ngọt

Những chuyến đò ngang chở đầy mưa nắng cuộc đời vẫn lặng lẽ đi về trên bến vắng, trong miền ký ức của bao người.

Bạn tôi nói, khi nhìn chuyến đò ngang trên bến nước làng tôi, bạn nhớ người mẹ đã khuất của mình bằng nỗi nhớ rất khác lạ. Tháng ba thường gắn với những cảm xúc về mẹ. Đó đều là những điều vô cùng thân thuộc, thân thuộc đến mức bạn chưa từng phân định. Nhưng hôm nay, ngắm vạt hoa cải rực vàng màu nắng trong màn mưa bụi giăng mờ, ngắm nhìn những người nông dân chèo đò qua sông cắt cỏ ở một nơi không phải quê nhà, nỗi nhớ bỗng trở nên thật rành mạch mà ắp đầy luyến thương.

Bạn kể rằng, trước đây, mẹ của bạn cũng từng giữ lại trong khoảnh vườn nhỏ một vạt hoa cải vàng nhưng vạt hoa của mẹ luôn mang một sắc màu ấm áp, kín đáo chứ không rực lên vẫy gọi như vạt cải này. Và rằng, xưa kia, bạn cũng đã có thật nhiều những tháng ba dịu dàng bên mẹ. Ấy là những lần xếp cất khăn áo để sửa soạn đón mùa hè; những lần nắm thật chặt tay mẹ trong những hội hè đình đám của làng quê; những trìu mến mẹ trao trong ân cần dạy bảo khi cắt cành hoa bưởi dâng lên bàn thờ, khi treo lên gác bếp những cành hạt cải đã chín già cất giống cho mùa sau…

Tháng ba đã trở lại lặng lẽ mà đằm sâu, dịu ngọt như thế trên con đường ký ức của bao người.

Những mùa hoa thương nhớ

Tháng ba không chỉ có mưa bụi. Đón chào tháng ba còn có những con nắng rực vàng, ươm chín những mùa hoa. Nắng về khi không khí chưa dứt khỏi những luồng gió lành lạnh càng khiến đất trời trở nên thi vị. Trong những dùng dằng của tiết khí ấy, ta nghe thật rõ những cựa mình sinh sôi của đất, của cây cỏ. Và khi con người ta đang chơi vơi trong nỗi tháng hai dần cạn thì đâu đó trên những triền đồi, trong những khu vườn cũ, muôn hoa đã kịp dâng hương. Ấy chính là khi mùa xuân chín trong lòng người, chín trong rực rỡ của hương sắc.

Tháng ba dịu ngọt

“Giọt sương đầu cành hương bưởi dịu êm”. Ảnh Internet

Một sáng mai thức giấc, khi giọt sương (hay mưa bụi) còn níu mình trên những ngọn lá, bỗng ùa về từ đâu đó hương thơm dịu ngọt, tinh khôi. Là gốc bưởi của bác hàng xóm. Cây bưởi đào bác chiết từ gốc bưởi vườn quê. Bác ra phố ở từ thuở nhỏ nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn có một con người quê tồn tại.

Cái mùi hương từ thuở nhỏ gợi cho ta nhớ mảnh vườn nồng mùi đất ẩm có dáng bà lom khom nhặt hoa bưởi rụng; làm sáng lên trong ký ức người quê ở phố hình ảnh mảnh sân nhỏ mọc đầy rêu xanh có lu nước và những chum tương, vại cà đội những chiếc nón bằng mo cau nhấp nhô dưới hàng chè mạn hảo... Những kỷ niệm ấu thơ mộc mạc và muốt trong cứ sáng rực lên trong hương sắc tháng ba.

Ngày nay, hoa bưởi còn được mang ra phố bán. Người quê ở phố cứ níu lấy hương hoa ấy mà chìm sâu trong ký ức mặc cho ngày tháng trôi đi. Để rồi, bất chợt một ngày nào đó, ngẩng lên nhìn hàng cây dọc con đường quen thuộc đã treo đầy những vầng mây phơn phớt tím. Mùa xoan trở về. Tôi vẫn thường gọi nó là loài hoa của những nỗi mơ hồ.

Không mơ hồ sao được khi bạn rất khó để mường tượng hình thù của từng bông hoa, rất khó để gọi tên màu sắc của hoa và cả mùi hương rất nồng, rất mộc mạc mà lại níu giữ lòng người không thôi ấy. Tất cả từ hình thù đến hương sắc tựa như một vầng mây cứ bồng bềnh, bồng bềnh trong niềm thương nỗi nhớ của con người.

Tháng ba dịu ngọt

Tháng ba trở về cùng hoa bưởi trong niềm thương nỗi nhớ của những người nặng tình quê.

Còn bao nhiêu mùa hoa của tháng ba đang sinh chuyển để chín cùng mùa xuân, để thức dậy trong nỗi nhớ của bao người. Đâu đó, trên những trang facebook của bạn bè đã đau đáu niềm mong đợi về một mùa gạo đỏ. Những bông hoa rực đỏ kiêu hãnh trên cánh đồng làng hoang vu, trên những nẻo đường hẻo lánh lại trở thành niềm mong nhớ vô cùng thiết tha.

Dường như những ai sinh vào tháng ba cũng tự nhận hoa gạo là loài hoa mùa sinh của mình. Và những câu thơ đau đáu một thuở của Bình Nguyên Trang về hoa gạo, về mẹ, về thuở sinh thành cứ như một dòng suối nhỏ len lỏi trong tâm tư những người yêu thương màu hoa ấy: “Năm ấy mẹ sinh em mùa đói/ Tháng ba nhọc nhằn và hoa gạo rụng hố vôi/ Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói/ Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời”.

Tháng ba dịu ngọt

Tháng ba bung biêng lửa gạo...

Tháng ba như dài hơn trong sự nối tiếp của những mùa hoa. Tháng ba cũng như ngắn lại trong niềm luyến nhớ. Và những người nặng lòng với tháng ba đã tìm cách ghi lại những xúc cảm của mình bằng những câu thơ, những đoạn tản văn đầy mến thương. Hoặc nhiều người chọn cho mình cách trực quan hơn bằng những bộ ảnh độc đáo bên những loài hoa yêu thích... Và như thế, tình yêu với tháng ba cứ ngày một đầy thêm trong ngăn kéo ký ức!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!