Như cách người ta thường nói “60 năm cuộc đời”, thì có lẽ ta đã đi qua một phần ba chặng đường đời đầu tiên. Trên chặng đường đó, đã có những khúc ngoặt làm chân ta rẽ hướng, được nhìn thấy những chân trời mới, gặp những con người mới, va chạm với buồn vui cuộc đời.
Lòng ta cồn cào những dư vị của tháng Chạp quê nhà. Những ngày cha mẹ cặm cụi trồng hoa lay ơn bán tết. Ảnh: Internet
Tháng Chạp vừa sang, sau những phút giây xanh ngời của tuổi trẻ, ta cần những khoảng lặng đủ để hồn mình khỏa lấp nỗi nhớ quê nhà và ngọt ngào ru lại khoảng trời ký ức. Ở thành phố tấp nập, hơi thở đất trời cũng vừa chớm lạnh, làm lòng ta cồn cào những dư vị của tháng Chạp quê nhà. Những ngày cha mẹ cặm cụi trồng hoa lay ơn bán tết, những đêm nằm trong căn nhà cũ nghe gió mưa thấm dột, những buổi chiều được mẹ tắm tất niên… Lòng ta quay quắt nhớ mãi, dù rằng, tất cả đã ở lại sau lưng cùng hồi ức của người xưa cũ.
Tháng Chạp về, thời gian này ở nhà nội, chắc rằng mọi người đang tất bật dệt chiếu để bán trong những ngày cận tết. Những tấm chiếu đầy đặn sắc màu và duyên dáng hoa văn, in trong nỗi nhớ của ta dáng hình nội tỉ mẩn, chăm chút bên khung dệt. Trước khoảng sân nhà nội, những sợi cói mỏng mảnh được trải thành hàng thẳng tắp, màu xanh lam nhuộm nắng, phảng phất hương bùn, hương đất chân phương.
Dưới bàn tay nội khéo léo và cần mẫn, những tấm chiếu với hoa văn bình dị dần được thành hình. Ảnh: Internet
Ta nhớ chiếc khung dệt cũ, có tuổi đời còn hơn cả tuổi ta, bao năm vẫn được nội đặt ở gian nhà dưới, gắn bó với ta như người bạn ấu thơ. Chiếc khung dệt màu cánh gián, với những sợi khung được căng thẳng như dây đàn, bao mùa mưa nắng vẫn lặng lẽ dệt nên giấc mơ bình yên. Dưới bàn tay nội khéo léo và cần mẫn, những tấm chiếu với hoa văn bình dị dần được thành hình. Ngả lưng trên manh chiếu nội dệt, ta cảm nhận tấm lòng chi chút, giọt mồ hôi cần lao, lam lũ của nội, giấc ngủ đến nhẹ nhàng trong hơi ấm của tình yêu thương…
Chạm vào tháng Chạp, ta biết nâng niu và trân quý hơn những thức quà quê bình dị mỗi dịp tết về. Thương bàn chân mẹ lam lũ góc chợ quê, thương từng chiếc bánh in, bánh thuẫn mẹ làm. Ta nhớ tiếng bộp bộp mẹ ta khuấy trứng, tiếng than hồng tí tách vui tai, tiếng giã bột nhịp nhàng, nhẫn nại. Nhớ cái khuôn bánh thuẫn có mười khúm hình hoa, những chiếc bánh vàng ươm từ đó bung ra dậy hương thơm lừng. Bánh thuẫn đổ từ bột bình tinh, còn bánh in đúc từ bột mì.
Thương bàn chân mẹ lam lũ... Ảnh: Internet
Những chiếc bánh in thơm thảo được in từ mấy cái khuôn nhôm của mẹ, có cái in ra hình bông hoa, mặt trời, lại có cái hình con cá, con thỏ, trông ngộ nghĩnh và đẹp mắt. Vỏ ngoài trắng tinh, thoang thoảng hương dầu chuối, lớp nhân bên trong bùi ngọt vị mè đen hòa với đường, làm lòng ta nhớ khôn nguôi. Ngày nhỏ, chị em ta quây quần bên bếp lửa, nôn nao chờ những khuôn bánh thuẫn, bánh in thơm nức lòng của mẹ. Gói ghém trong những chiếc bánh quê mùa ấy, chính là tình yêu thương.
Cảm ơn những tháng Chạp ấm áp đã qua trong cuộc đời, với vô vàn dư vị ngọt ngào trong ký ức. Ta lại về với đất quê, về với những tấm lòng thơm thảo vun vén khoảng trời nghĩa tình, chân phương. Bỏ lại hết những tính toan thường nhật, ta an nhiên ngồi lại cùng tháng Chạp, để thấy bao yêu thương lấp lánh quanh mình…