Nếu như 7-10 năm trước, các quầy bán băng, đĩa nhạc, phim xuất hiện dày đặc, tràn lan, thì nay, khi có nhu cầu, khách hàng cũng phải “đỏ mắt” mới tìm ra. Đó là thực trạng dễ hiểu khi ở thời “hái ra tiền” của loại hình kinh doanh này, nếu muốn nghe nhạc, xem phim, người dùng phải ra tiệm internet để tải về điện thoại, máy nghe nhạc MP3, dùng USB để copy về máy tính hay đơn giản nhất là mua, thuê băng, đĩa về để giải trí, thì nay, khi kết nối internet rộng khắp với những chiếc điện thoại đầy đủ chức năng là người dùng đã có thể nghe nhạc, xem phim mọi nơi, mọi lúc.
Khác với cảnh tấp nập nhiều năm trước, hiện nay, quầy bán băng đĩa nhạc thưa thớt khách vào ra.
Từng đội nắng, đội mưa, xếp hàng chờ đến lượt để mua được chiếc đĩa mới nhất của ca sỹ yêu thích chừng 10 năm trước, anh Nguyễn Thế Anh (30 tuổi - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trước đây, những quán bán băng, đĩa nhạc là chỗ “nướng” nhiều tiền tiêu vặt của anh nhất. Thời đó, anh “mê” ca sỹ Ưng Hoàng Phúc lắm nên cứ suốt ngày đi mua đĩa nhạc về nghe. Mua cũng không phải dễ, có khi chen nhau cả tiếng…”.
Chợ TP Hà Tĩnh từng là điểm đến của nhiều “tín đồ” đam mê nhạc, phim khi có gần chục quầy bán băng, đĩa luôn tấp nập khách vào ra nhưng hiện nay chỉ có một vài quầy còn cố gắng cầm cự trong khi đang ấp ủ dự định đổi nghề. Khác với khung cảnh náo nhiệt, ồn ào chen nhau thử nhạc nhiều năm trước, những quầy băng, đĩa nhạc hiện nay như “công chúa ngủ đông”, thi thoảng mới có khách hỏi thăm.
9h sáng, trời mưa như trút, anh Đông - chủ sạp băng đĩa Hoàng Đông (Chợ TP Hà Tĩnh) mới ngái ngủ kéo cửa để bắt đầu một ngày mưu sinh. Thấy khách vào, anh mở lời: “Em mua nhạc trẻ đi nhé, Lệ Quyên này, Hồ Quỳnh Hương, cả Mỹ Tâm đây nữa. Mua ít cái về mà nghe luôn, rẻ bèo à!”. Sau khi bán được hai đĩa nhạc, anh Đông phấn khởi: “Mua mở hàng đó nha. Trông ngày ni gặp được vài khách nữa là… ấm cái bụng rồi!”.
Gợi nhắc về một thời “hoàng kim” của nghề, anh Đông tiếc nuối: “Thời điểm khách đông có khi anh bán được cả trăm cái/ngày, giờ thì mươi cái là may lắm rồi. Khách mua chủ yếu để nghe trên xe ô tô, người già mua ít nhạc dân ca, hải ngoại, riêng nhạc trẻ hiếm có khách hỏi. Người trẻ bây giờ chủ yếu nghe nhạc, xem phim trên mạng, cái thời nghe nhạc phải dùng máy tính, máy MP3, máy nghe nhạc bằng CD… qua lâu rồi. Không chỉ tiệm của anh, hầu như các tiệm kinh doanh đĩa phim, ca nhạc hiện nay đều phải tìm hướng kinh doanh mới; riêng dọc cổng số 1 này (cổng số 1 - Chợ TP Hà Tĩnh) có 3 quầy bỏ nghề đã lâu...”.
Cũng từng là chủ tiệm băng, đĩa nhạc “hái ra tiền”, chị Thùy Dung (35 tuổi - Can Lộc) đã “quay 180 độ” sang kinh doanh nghề khác khi nghề bán băng đĩa bước vào thời kỳ “thoái trào”. Không giấu hết nỗi nhớ nghề, chị Dung tâm sự: “Đợt trước, cứ mở mắt ra là có khách, nhạc bật suốt ngày vui lắm. Lúc đó internet chưa phát triển, wifi làm gì có, nên muốn xem phim hay nghe nhạc… nhanh và sớm nhất chỉ còn cách mua đĩa thôi. Hồi trước, phần lớn các bộ phim chiếu trên tivi phải theo ngày giờ cố định mới có để coi, trong khi đĩa luôn có đầy đủ nên họ hay tìm mua xem trước. Với lại, nhu cầu giải trí hồi đó không phong phú như bây giờ. Chưa kể đến dịp lễ, tết…, mỗi ngày, tôi bán đĩa hài kịch, ca nhạc cho gần trăm lượt khách. Có không ít người mua một lần cả chục đĩa nhạc, phim…, nên việc kinh doanh thời điểm đó rất hưng thịnh. Sau này, mọi thứ đều kết nối qua chiếc điện thoại cầm tay nhỏ gọn, những nghề kinh doanh như chúng tôi đành phải tự rút lui thôi…”.
“Vì quá yêu thích công việc này nên anh mới quyết định cầm cự để tiếp tục việc kinh doanh. Nhưng tình hình buôn bán thế này chắc năm sau cũng phải tìm cách kinh doanh thêm thứ khác, chứ thu nhập hiện tại sau khi trả tiền thuê mặt bằng chẳng còn bao nhiêu…”. Nói rồi, anh Đông ngoái mặt nhìn về hướng những chiếc kệ gỗ trưng bày những đĩa nhạc, phim với ánh mắt buồn, tiếc nuối…