Thầy tôi

(Baohatinh.vn) - Trong ký ức tuổi học trò, ai chẳng có những kỷ niệm sâu sắc về thầy giáo, cô giáo dạy mình.

Tôi cũng vậy, chẳng bao giờ quên thầy giáo Thuần dạy tôi năm lớp hai. Sự quan tâm của thầy đối với tôi và các bạn khiến mỗi lần nhắc lại ai cũng thấy bâng khuâng, lưu luyến. Thuở ấy, chúng tôi còn ngây thơ và hồn nhiên như con chim sáo sậu nhảy nhót cành xanh, còn thầy tôi đã bước vào tuổi tứ tuần. Thầy cao gầy, nước da đen, mỗi lần lên lớp với bộ quần áo cánh gụ và một bộ quần áo Tô Châu cũ kỹ. Thầy đi dép cao su, hay khoác trên vai chiếc xắc vải đựng giáo án với vài cuốn sách giáo khoa.

Ảnh minh họa từ internet

Có một điều kỳ lạ, đằng sau nét chân chất, bình dị đó, thầy giáo của tôi có một trái tim yêu nghề và thương yêu học sinh hết mực. Dường như trong đầu thầy, bao giờ cũng đầy ắp truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và ca dao. Không những thế, các tác phẩm văn học kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử, thầy có thể nhớ rõ từng chương hồi, thuộc vanh vách từng nhân vật. Ngay từ buổi đầu tiên đến lớp, thầy đã dành khoảng 20 phút để kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe… Giọng thầy ấm áp, lúc bổng, lúc trầm. Nhiều đứa mắt đen ngơ ngác như bị thôi miên trong những dòng cổ tích Nàng tiên cá, Chiếc bật lửa thần, A la đanh với cây đèn thần, Ba sợi râu của con quỷ... Tan học, từ trường về nhà, mấy đứa chúng tôi thi nhau kể lại chuyện thầy vừa kể, đứa nào cũng hào hứng, phấn chấn. Có lẽ, nhờ đó mà chúng tôi chăm học và ngoan ngoãn hơn, khát vọng được bà Tiên, ông Bụt phù hộ mình… bắt đầu từ những câu chuyện như thế.

Trong lớp hồi ấy có một vài bạn đọc vẫn còn ê a, ngắc ngứ, thầy đến gần và kiên trì luyện từng vần. Có bạn sách vở không dán nhãn bị thầy nghiêm túc phê bình trước lớp. Thế là ngay hôm sau, tất cả sách vở đều được dán nhãn và bọc lại bằng các tờ báo cũ cẩn thận. Để học trò viết bài đúng chính tả, nắm được kiến thức trong luyện câu, đặt câu Tiếng Việt và làm Toán bằng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, tuần nào thầy cũng dùng phương pháp luyện tập với 2 hình thức: kiểm tra tại lớp và bài tập về nhà. Bài nào thầy cũng soi kỹ từng câu, từng chữ, rà soát từng con tính và đáp số… Chúng tôi nghe thầy kể chuyện cổ tích đã hồi hộp nhưng mỗi lần thầy trả bài kiểm tra lại càng hồi hộp hơn. Những lần như thế, đứa nào được điểm 9, điểm 10 thì hôm ấy về "khoe toáng" lên với cả nhà.

Ngoài giờ học, thầy Thuần đã ra hướng dẫn chúng tôi những trò chơi hấp dẫn như "bịt mắt bắt dê" "hổ về bắt lợn" rồi đánh kiện, đá cầu, kéo co… Bữa nào cũng vui, bữa nào cũng diễn ra những trận cười vỡ bụng...

Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi buổi sáng tháng 3/1966. Thầy Thuần đang say sưa giảng bài tập đọc Phiềng Pi đổi mới của nhà văn Tô Hoài, thì phía cuối lớp có tiếng hét to: "Thầy ơi! Bạn Lý nằm bẹp giữa ghế ạ!”. Thầy Thuần rời bục giảng và đi xuống cạnh chỗ Lý. Mặt Lý xanh như tàu lá chuối, đôi mắt nhắm nghiền. Bạn Đức ngồi cạnh cho biết, cả nhà Lý mấy hôm nay phải ăn cháo loãng vì đã hết gạo. Thầy nén xúc động, cõng Lý, đến ngay nhà bà Nguyên cạnh trường. May quá, bà Nguyên đang nấu cơm trưa, tiếng nồi cơm sôi lục bục trên bếp lửa. Thầy tìm chiếc chõng tre đặt cạnh bếp lửa để Lý được sưởi ấm, sau đó, xin bà Nguyên nửa bát nước cơm và 2 thìa mật mía hòa cho Lý uống. Chỉ 5 phút sau, Lý tỉnh hẳn và trò chuyện được.

Trưa ấy, Lý được bà Nguyên cho ăn cơm, rồi thầy Thuần cùng với 2 người bạn trong xóm Long Thịnh đưa Lý về nhà. Ngày hôm sau, trước giờ vào học, thầy Thuần bảo cả lớp: "Nhà Lý nghèo quá, không vay được gạo vì cả thôn vụ vừa rồi mất mùa. Các em nên thương bạn, cùng nhau về xin cha mẹ góp giúp gia đình Lý. Mình chịu khó ăn ít một bữa nhưng gia đình bạn sẽ vượt qua được nạn đói". Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo, mỗi đứa góp một nhúm gạo, đùm trong chiếc khăn tay, đưa đến cho thầy. Lớp học lúc ấy 43 học sinh nhưng đã giúp đỡ nhà Lý được gần 5 kg gạo. Quý hóa biết chừng nào! Hạt gạo tình thương của bạn bè đã giúp cả nhà Lý qua được mùa giáp hạt năm ấy.

40 năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Tôi và Lý cùng các bạn mái tóc đều đã điểm sương nhưng có một điều hạnh phúc là những đứa học trò của thầy đều trưởng thành. Chúng tôi tìm về cội nguồn. Nhà cũ của thầy vẫn còn đó nhưng thầy đã mất từ lâu. Người con trai cả của thầy giờ cũng đã đứng tuổi. Anh dẫn chúng tôi sang núi Thiên Nhẫn thăm mộ thầy. Thắp nén tâm nhang, chúng tôi rưng rưng nước mắt. Khói hương nghi ngút bay lên trong buổi chiều đùng đục mây bạc...

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói