Nghị viện Anh. Ảnh: AP |
Hàng triệu người ký đơn phản đối ông Boris Johnson “treo” Nghị viện Anh: Lá đơn yêu cầu Thủ tướng Anh Boris Johnson huỷ bỏ quyết định tạm treo Nghị viện Anh trong 5 tuần bắt đầu xuất hiện trên mạng trong chiều 28/8 và chỉ sau nửa ngày, đã có 1,3 triệu người ký tên ủng hộ. Con số này dự tính sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới khi các lời kêu gọi tổ chức biểu tình quy mô lớn phản đối ông Johnson liên tiếp được đưa ra.
Cùng lúc này, các đảng đối lập, các nghị sĩ cũng như chính nhiều thành viên đảng Bảo thủ cũng liên tiếp đưa ra các chỉ trích nặng nề nhằm vào chính phủ Anh và Thủ tướng Boris Johnson. Trong sáng ngày 29/8, bà Ruth Davidson, thủ lĩnh đảng Bảo thủ tại Scotland đã ra tuyên bố từ chức để phản đối ông Johnson.
Một số chính trị quan trọng khác trong đảng Bảo thủ như nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người vốn theo đường lối Brexit cứng rắn, cũng chỉ trích chính phủ Anh đã đặt Nữ hoàng Anh vào tình thế khó khăn khi đề nghị Nữ hoàng Anh phê chuẩn yêu cầu tạm treo Nghị viện. Theo giới phân tích, quyết định của ông Boris Johnson đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng lập hiến và nhiều khả năng Nữ hoàng Anh sẽ phải can thiệp, dù theo thể chế Quân chủ lập hiến tại Anh, Nữ hoàng Anh là người đứng trên tất cả các đảng phái chính trị và không tham chính.
Người dân địa phương tham quan một quảng trường gần Thành Cổ ở Aleppo. Ảnh: TASS
Trên 16.000 xí nghiệp nối lại hoạt động tại Aleppo, Syria: Trước khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, thành phố Aleppo từng có khoảng 34.000 nhà máy và xưởng sản xuất.
“Thật đáng tiếc, trong thời chiến, tất cả các cơ sở này đều bị khủng bố bắn phá và cướp bóc. Nỗ lực xây dựng lại bắt đầu sau khi Aleppo được giải phóng. Hiện nay, hơn 16.000 xí nghiệp đã đi vào sản xuất”, ông Hussein phát biểu trước báo giới ngày 29/8.
Trong nội chiến, Aleppo đã chứng kiến những trận giao tranh dữ dội giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và phiến quân. Thành phố đông dân nhất Syria được giải phóng hoàn toàn khỏi khủng bố năm 2016.
Khu vực Thành Cổ và Khu phố cổ nổi tiếng của Aleppo cũng nằm trong số những mục tiêu tấn công chính của bọn khủng bố, nhằm phá hoại các di sản văn hóa này.
Tháng 12/2018, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết 10% công trình kiến trúc cổ tại Aleppo đã bị phá hủy và 60% Thành Cổ - di sản văn hóa thế giới - đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Rác thải nhựa bên ngoài một xưởng tái chế trái phép ở Jenjarom. Ảnh: Reuters
Malaysia truy tìm nguồn gốc của gần 200 container chứa rác thải nhựa: Malaysia muốn gửi trả gần 200 container tàu biển được cho là chứa rác thải nhựa, song trước tiên họ phải tìm xem số rác này đến từ đâu.
Ông K. Nagulendran, quan chức Bộ Môi trường Malaysia cho biết nước này đã gửi trả ít nhất 10 container rác thải nhựa cho nhiều nước khác nhau và đóng cửa 155 nhà máy tái chế rác trái phép. Nhưng nhà chức trách đang gặp khó khăn để xác định nguồn gốc xuất xứ của 198 container nữa đang lưu tại 3 cảng biển của nước này. Không container nào trong số này có các giấy phép cần thiết để được nhập cảnh. Nói cách khác, ông Nagulendran cho biết người ta đơn giản đã "bỏ rơi" số rác này.
Đông Nam Á đang ngập trong rác thải nhựa chuyển đến từ các nước phát triển như Mỹ, Australia và Anh kể từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu loại rác này. Malaysia bị ảnh hưởng nằng nề nhất khi hàng loạt nhà máy tái chế rác từ Trung Quốc chuyển đến Malaysia, hậu quả của lệnh cấm trên.
Quang cảnh vùng East Kotawaringin, tỉnh Kalimantan, Indonesia, nơi được chọn xây dựng thủ đô mới. Ảnh: AFP/TTXVN
Indonesia chi 40 tỷ USD nâng cấp Jakarta sau khi công bố địa điểm đặt thủ đô mới: Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết Chính phủ Indonesia cam kết chi khoảng 40 tỷ USD nhằm "giải cứu" thành phố Jakarta đang chìm dần dưới mực nước biển trong 10 năm tới.
Thông tin này được đưa ra sau khi Chính phủ Indonesia công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters (Anh), Bộ trưởng Brodjonegoro cho biết Chính phủ Indonesia sẽ triển khai dự án có kinh phí 571.000 rupiah (40 tỷ USD) nhằm cải tạo thành phố Jakatar trong 10 năm tới. Chi phí này nhiều hơn so với mức 33 tỷ USD để xây dựng thủ đô mới tại Đông Kalimantan.
Phần lớn kinh phí dự án nói trên sẽ được chi vào kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông công cộng như kéo dài tuyến đường ray của hệ thống tàu điện ngầm thành phố, thêm nhiều tuyến xe công cộng, cầu vượt và làn đường dành riêng cho xe buýt. Một phần của dự án mới do chính quyền thành phố Jakarta đệ trình sẽ mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước toàn thành phố để người dân không phải phụ thuộc vào nguồn nước ngầm. Chính phủ cũng sẽ cho phép xây dựng hệ thống thoát nước mới của thành phố.
Ông Heri Andreas, chuyên gia trắc địa nghiên cứu về hiện tượng sụt lún tại Viện công nghệ Bandung, cảnh báo với tốc độ sụt lún hiện nay, đến năm 2050, khoảng 95% diện tích đất của Jakarta sẽ bị chìm dưới nước và lưu ý mọi công tác xây dựng có thể gây áp lực lên nền đất của thành phố.
Quang cảnh trung tâm tài chính tại thủ đô London, Anh, ngày 19/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các ngân hàng chuyển khối tài sản 1.300 tỷ euro từ Anh sang Eurozone: 24 ngân hàng sẽ chuyển tài sản, trong đó 7 ngân hàng sẽ trực tiếp dưới sự giám sát của ECB và 17 ngân hàng sẽ chịu sự giám sát của quốc gia nơi mà họ chọn chuyển đến.
Một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiết lộ rằng khoảng 1.300 tỷ euro (1.440 tỷ USD) giá trị tài sản sẽ được chuyển từ London sang Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do Brexit.
Ông Andrea Enria, Chủ tịch Hội đồng giám sát của ECB, cho biết có 24 ngân hàng sẽ chuyển tài sản, trong đó 7 ngân hàng sẽ trực tiếp dưới sự giám sát của ECB và 17 ngân hàng sẽ chịu sự giám sát của quốc gia nơi mà họ chọn chuyển đến.
Ông Enria cũng cho hay các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng và lên cả kế hoạch dự phòng cho tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên, ông Enria cũng lưu ý rằng Brexit là một sự kiện "luôn có thể đi kèm với những cú sốc và nhiễu loạn trên thị trường tài chính."
Trong khi đó, các kế hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong việc hoãn lịch trình làm việc của Quốc hội lâu hơn thường lệ trước khi nước Anh rời khỏi EU cũng làm dấy lên mối lo ngại về một Brexit không có thỏa thuận.
Lửa bùng lên tại khu rừng gần thành phố Porto Velho, Brazil. Ảnh: Reuters.
Brazil cấm đốt rừng: Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ký sắc lệnh ngày 28/8 cấm đốt rừng trên cả nước trong hai tháng nhằm đối phó với nạn cháy rừng Amazon.
Sắc lệnh nghiêm cấm mọi hoạt động đốt lửa trong rừng trong 60 ngày trên toàn lãnh thổ Brazil, trừ một số trường hợp canh tác nông nghiệp hoặc phục vụ mục đích lâm nghiệp được phê duyệt.
Lệnh cấm đốt rừng được xem là động thái của chính phủ Brazil nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích toàn cầu đối với tình trạng cháy rừng Amazon. Thông tin về tình trạng rừng Amazon bị cháy đã khiến Tổng thống Brazil Bolsonaro hứng chịu sự chỉ trích của dư luận và nhiều lãnh đạo thế giới.
Đáp lại, Bolsonaro khẳng định các đám cháy rừng vẫn đang trong tầm kiểm soát, đồng thời khước từ tiền viện trợ hỗ trợ đối phó cháy rừng từ các nước G7, cáo buộc Đức và đặc biệt là Pháp đang dùng số tiền này để "mua" chủ quyền của Brazil.
Khu vực rừng mưa Amazon ở Brazil đã chứng kiến hàng chục nghìn vụ hỏa hoạn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013, theo số liệu của chính phủ Brazil. Lãnh đạo thế giới liên tục bày tỏ quan ngại về tình trạng cháy rừng Amazon, khu vực có vai trò quan trọng trong chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.