Các tay súng thuộc lực lượng FARC. Ảnh: Sputnik
Tòa án Colombia phát lệnh bắt các cựu thủ lĩnh lực lượng vũ trang cách mạng FARC: Ngày 29/8, tòa án Colombia đã phát lệnh bắt 4 thủ lĩnh Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), một ngày sau khi thủ lĩnh của FARC Ivan Duque tuyên bố lực lượng này sẽ ‘cầm súng đầu tranh trở lại’. Tòa án có thẩm quyền đặc biệt vì hòa bình của Colombia (JEP) đã phát lệnh bắt giữ các cựu thủ lĩnh của tổ chức lực lượng FARC, trong đó có hai chỉ huy cấp cao là Iván Márquez và Jesús Santrich.
Trong một thông cáo trên mạng xã hội, JEP khẳng định trước những tuyên bố quay trở lại con đường đấu tranh vũ trang của một nhóm các tay súng từng đứng dưới hàng ngũ của FARC, cơ quan chức năng Colombia sẽ hủy toàn bộ các quyết định dừng bắt giữ và cho phép tại ngoại đã đưa ra trước đây. Tất cả 20 nhân vật có mặt trong đoạn băng do nhóm ly khai thuộc FARC này công bố sẽ nằm trong danh sách bị truy nã và bắt giữ.
Chính phủ Colombia cũng yêu cầu đảng Lực lượng Cách mạng thay thế chung (cũng viết tắt FARC), được thành lập sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, khai trừ khỏi tổ chức này 14 nhân vật từng nằm trong ban lãnh đạo của FARC trước đây nhưng không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình và quyết định cầm vũ khí trở lại.
Người biểu tình phong tỏa lối vào sân bay quốc tế Hong Kong tối 13/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ lĩnh biểu tình ở Hong Kong Joshua Wong bị bắt giữ: Theo AFP, ngày 30/8, thủ lĩnh biểu tình ở Đặc khu Hành chính Hong Kong Joshua Wong đã bị bắt. Wong được xem là một trong những người dẫn đầu cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại Hong Kong năm 2014 nhằm phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính năm 2017.
Phong trào được gọi là "ô dù" vì người biểu tình mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ bản thân khi cảnh sát dùng hơi cay. Biểu tình kéo dài gần ba tháng, lúc đỉnh điểm thu hút 100.000 người tham gia, đã làm tê liệt một phần của thành phố. Wong được thả ngày 17/6, sau khi thụ án 5 tuần vì tội coi thường tòa án.
Tuy nhiên, Joshua Wong và Agnes Chow đã được tại ngoại sau khi bị bắt sáng 30/8 liên quan đến các cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, theo AP.
Theo đài RTHK (Hong Kong), dù được tại ngoại, Wong và Chow sẽ bị quản thúc từ 23h mỗi ngày đến 7h hôm sau, bị cấm đến khu vực Admiralty trong thành phố. Hình phạt dành cho tội kích động tụ tập bất hợp pháp có thể lên đến 5 năm tù.
Tướng không quân Mỹ John Raymond, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tại lễ ra mắt Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom ở Washington DC., ngày 29/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ chính thức cho ra mắt Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom: Ngày 29/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho ra mắt Bộ Chỉ huy SpaceCom thuộc Lầu Năm Góc, với nhiệm vụ chiến tranh không gian. Ông Trump cũng bổ nhiệm Tướng không quân John Raymond là người đứng đầu bộ chỉ huy mới này.
SpaceCom sẽ đưa không gian (chủ yếu gồm các vệ tinh và máy bay tầm cao dùng trong chiến tranh thời hiện đại) thành một mối đe dọa trọng tâm trong thời chiến.
SpaceCom sẽ tương đương Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách Trung Đông và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM, nay đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) phụ trách phòng thủ tại Tây Thái Bình Dương và châu Á.
Trong khi Không quân Mỹ đã có một chiến dịch dành cho chiến tranh không gian, SpaceCom sẽ nâng tầm quan trọng của chiến dịch này cũng như các hệ thống đẩy chuyên biệt và huấn luyện đối đầu trong không gian.
Tổng thống Mỹ nói: "Các đối thủ của chúng ta đang vũ trang quỹ đạo Trái Đất bằng công nghệ mới nhằm vào các vệ tinh của Mỹ, vốn có tầm quan trọng đặc biệt cả trong các chiến dịch quân sự cũng như trong đời sống." Theo ông, SpaceCom cũng "đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào nhằm vào Mỹ."
SpaceCom là bộ chỉ huy thứ 11 của Lầu Năm Góc và là bộ chỉ huy thứ hai được khởi động trong hai năm qua. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã đưa các chiến dịch chiến tranh mạng vào Bộ Chỉ huy mạng (CyberCom).
Lực lượng quân đội Syria. (Nguồn: almasdarnews)
Nga thông báo lệnh ngừng bắn tại chiến địa ở Tây Bắc Syria: Ngày 30/8, Nga thông báo các lực lượng Chính phủ Syria sẽ đơn phương ngừng bắn tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Lệnh này chính thức có hiệu lực từ 6 giờ (giờ địa phương) ngày 31/8.
Tuyên bố của Trung tâm Hòa giải Syria của Nga cho biết lệnh ngừng bắn tại khu vực giảm căng thẳng ở Idlib là nhằm "ổn định tình hình tại Idlib" và kêu gọi các tay súng chống chính phủ từ bỏ các hành động khiêu khích vũ trang, cùng tham gia vào tiến trình hòa bình tại đây.
Thông báo trên được đưa ra sau khi các lực lượng Chính phủ Syria được Nga ủng hộ hồi đầu tháng này đã tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Idlib, thành trì lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria.
Tỉnh này cũng có vị trí quan trọng chiến lược vì có chung một khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhận đề nghị chính thức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã triển khai các hoạt động quân sự để hỗ trợ chính quyền hợp pháp tại quốc gia Trung Đông này.
Theo Liên hợp quốc, kể từ khi cuộc chiến tại Syria bắt đầu vào năm 2011, hơn 370.000 người đã bị thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Bộ trưởng Năng lượng IranReza Ardakanian. (Nguồn: tasnimnews)
Iran chính thức gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu vào tháng 10: Theo Bộ trưởng Năng lượng Iran Reza Ardakanian, sau khi Iran gia nhập EAEU, 864 sản phẩm khác nhau sẽ nằm trong phạm vi của hiệp định ưu đãi thương mại giữa 2 bên.
THX đưa tin, ngày 30/8, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Iran Reza Ardakanian cho biết, nước này sẽ chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) vào tháng 10.
Theo ông Ardakanian, sau khi Iran gia nhập EAEU, 864 sản phẩm khác nhau sẽ nằm trong phạm vi của hiệp định ưu đãi thương mại giữa 2 bên.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng cho phép áp thuế 0% đối với 70 sản phẩm xuất khẩu của Iran, trong khi 503 mặt hàng khác sẽ được hưởng những mức thuế thấp hơn.
Quốc hội Iran hồi tháng 6 đã thông qua thỏa thuận cho phép Iran gia nhập khu thương mại tự do với các quốc gia thành viên EAEU.