Hình ảnh một vụ phóng tên lửa trên sóng truyền hình của Triều Tiên ngày 26/7/2019. (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên bắn 2 vật thể bay chưa xác định: Triều Tiên sáng 6/8 bắn hai vật thể bay chưa xác định từ tỉnh Nam Hwanghae xuống biển Nhật Bản.
Theo quân đội Hàn Quốc, nước này đang giám sát tình hình trong trường hợp xảy thêm các vụ phóng và duy trì sự chuẩn bị sẵn sàng.
Vụ phóng này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc hôm 5/8 bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho rằng, cuộc tập trận quân sự này vi phạm thỏa thuận mà Triều Tiên đã đạt được với các bên. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn không thay đổi lập trường giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.
Triều Tiên cũng cảnh báo buộc phải tìm kiếm một con đường mới như đã đưa ra nếu Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục các hành động quân sự thù địch.
Ảnh minh họa.
Thế giới vừa trải qua thời tiết tháng 7 nóng nhất trong lịch sử: Đầu tháng 7 vừa qua, chương trình giám sát biến đổi khí hậu trái đất đặt tại châu Âu có tên là Copernicus, đã công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 6/2019 là thời điểm nóng nhất trong số các tháng 6 trong lịch sử của thế giới.
1 tháng sau, chương trình này lại tiếp tục công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 7/2019 là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử.
Theo dữ liệu của chương trình Copernicus, nhiệt độ trong tháng 7 năm nay tăng thêm 0.04 độ C so với tháng 7/2016, trong khi tháng 7/2016 đã được ghi nhận là tháng có nhiệt độ cao kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Chương trình Copernicus cũng cho rằng, sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai thời điểm này là rất nhỏ, có thể các chương trình thu thập dữ liệu khác sẽ không cho kết quả tương tự.
Tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp diễn và tác động của tình trạng nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên sẽ khiến cho các kỷ lục về nắng nóng có thể tiếp tục bị phá vỡ trong thời gian tới.
Những người hành hương Hồi giáo cầu nguyện quanh tảng đá Ka’bah, địa điểm thiêng liêng nhất ở Mecca. (Ảnh: Reuters)
Saudi Arabia đảm bảo an ninh cho lễ hành hương Hajj 2019: Lực lượng an ninh Saudi Arabia hôm 4/8 đã thực hiện buổi diễn tập an ninh tại thánh địa Mecca, nhằm chuẩn bị cho lễ hành hương Hajj.
Đây là lễ hành hương lớn nhất trên thế giới trong năm của người Hồi giáo, dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 9/8 đến ngày 14/8 tới.
Theo giới chức Saudi Arabia, mọi công tác đã sẵn sàng cho mùa hành hương năm nay. Bộ Hành hương của Saudi Arabia thông báo, đến nay đã có 1,6 triệu tín đồ Hồi giáo khắp nơi trên thế giới tới Saudi Arabia để hành hương. Phần lớn trong số này đã đăng ký tạm trú tại Mecca và số ít còn lại ở thành phố Medina.
Hiện các quốc gia láng giềng của Saudi Arabia cũng đã cử những đội ngũ y tế để hỗ trợ người hành hương, trong bối cảnh các lễ hành hương trong quá khứ thường xảy ra các vụ xô lấn và dẫm đạp.
Iraq phủ nhận bị Iran bắt tàu chở dầu ở vùng Vịnh. (Ảnh: AP)
Iraq phủ nhận bị Iran bắt tàu chở dầu ở vùng Vịnh: Hãng thông tấn của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) dẫn lời chỉ huy Ramezan Zirahi cho biết một tàu chở dầu nước ngoài được cho là bị bắt giữ cách đảo Farsi của Iran 30 km ở Vịnh Ba Tư hôm 31/7.
Theo IRGC, con tàu đang chở 700.000 lít (khoảng 4.400 thùng) nhiên liệu tới "một số quốc gia Arab". Tàu chở dầu này hiện đang bị giữ ở thành phố cảng Bushehr của Iran. Có một số công dân nước ngoài trên con tàu và tất cả đều đã bị bắt.
Truyền thông địa phương đưa tin con tàu trên có thể là của Iraq. Tuy nhiên, Bộ Dầu mỏ Iraq đã phủ nhận thông tin trên. Tuyên bố của phía Iraq khẳng định: "Bộ không xuất khẩu dầu diesel sang thị trường quốc tế".
Đồng nhân dân tệ và đồng USD tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ: Bộ Tài chính Mỹ chiều 5/8 (giờ địa phương) đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.” Tuyên bố cũng cho biết ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc trong buổi sáng cùng ngày đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây.