Chính phủ Nhật Bản trở thành “ông mai bà mối”

Chưa bao giờ trong lịch sử Nhật Bản, chính phủ đóng một vai trò rõ ràng và đi sâu vào các vấn đề tình cảm của người dân như hiện nay.

Chính phủ Nhật Bản trở thành “ông mai bà mối”

Các em bé được các võ sĩ sumo bế trong cuộc thi khóc truyền thống, được gọi là Naki Sumo, tại đền Senso-ji ở Tokyo năm 2006. Ảnh: AP

Tại tỉnh Miyagi phía Đông Bắc Nhật Bản, người dân có thể tìm bạn đời thông qua dịch vụ mai mối có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) do chính phủ tài trợ.

Tại tỉnh Ehime, chính quyền địa phương cung cấp một ứng dụng mai mối dựa trên dữ liệu cư dân. Trong khi đó, tỉnh Miyazaki áp dụng phương pháp tương tự, khuyến khích các cặp tiềm năng trao đổi thư viết tay.

Trên khắp cả nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp liên kết tổ chức những buổi gặp mặt cho người độc thân, thúc đẩy người trẻ lên kế hoạch cụ thể cho hôn nhân và cuộc sống gia đình. Chính quyền thành phố Tokuo thậm chí còn mở lớp dạy các kỹ năng hẹn hò cơ bản, chẳng hạn như nghệ thuật trò chuyện. Các nhiếp ảnh gia đề nghị chụp ảnh chân dung miễn phí cho các đối tượng cần tìm bạn đời, các nhà tạo mẫu và nghệ sĩ trang điểm cũng được huy động để cải thiện dung mạo.

Chưa bao giờ trong lịch sử Nhật Bản, chính phủ đóng một vai trò rõ ràng và đi sâu vào các vấn đề tình cảm của người dân đến vậy.

Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp chưa từng có để giải quyết tỷ lệ sinh sụt giảm của Nhật Bản. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, nhà lãnh đạo cảnh báo xã hội đang đứng trước bờ vực xáo trộn chức năng, các hệ thống chăm sóc sức khỏe và hưu trí gặp nguy cơ mất khả năng thanh toán, nợ quốc gia tăng vọt và kinh tế suy giảm.

Hiện Nhật Bản có dân số già nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia hậu công nghiệp nào trên thế giới. Tỷ lệ sinh của nước này bắt đầu giảm vào những năm 1970. Tổng tỷ suất sinh hiện nay là 1,3, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cần thiết là hơn 2 con/phụ nữ để đảm bảo dân số ổn định.

Giới lãnh đạo của đất nước tin chắc hôn nhân câu trả lời cho bài toán nan giải này.

Một cuộc khảo sát định kỳ của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia cho thấy gần 1/5 nam giới và khoảng 15% phụ nữ tỏ ra không quan tâm đến hôn nhân, mức cao nhất kể từ năm 1982. Gần 1/3 nam giới và 1/5 phụ nữ ở độ tuổi 50 ở Nhật Bản chưa bao giờ kết hôn.

Vì vậy, Cơ quan Trẻ em và Gia đình mới của Nhật Bản, dự kiến ​​ra mắt vào tháng 4, sẽ triển khai nhân viên hướng dẫn hỗ trợ hôn nhân tại mỗi tỉnh trong số 47 tỉnh của Nhật Bản.

"Chính sách này sẽ bổ sung nhân lực cho các chương trình địa phương hiện có và đưa ra những ý tưởng mới để tăng tỷ lệ kết hôn”, Yuki Nomura, phát ngôn viên của Nội các Nhật Bản, cho biết. Chính quyền trung ương sẽ chi trả 75% lương cho những người hướng dẫn. Những người này sẽ được tuyển dụng từ các cá nhân thuộc khu vực công và tư nhân có chuyên môn về mai mối.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra cách duy nhất Nhật Bản thực sự có thể tự cứu mình thoát khỏi tình trạng tỷ lệ sinh thấp là rũ bỏ quan điểm truyền thống "nam giới là trụ cột gia đình, nữ giới gánh phần chăm sóc nhà cửa”.

"Các quốc gia hậu công nghiệp khác như Thụy Điển có khả năng cân bằng giữa công việc và gia đình không chứng kiến sự sụt giảm lớn về tỷ lệ sinh”, nhà xã hội học Mary Brinton của Đại học Harvard lưu ý trong một nghiên cứu gần đây về những sai lầm nhân khẩu học của Nhật Bản.

Nữ chuyên gia chỉ ra phụ nữ Nhật Bản dành thời gian làm việc nhà nhiều gấp 5 lần so với nam giới, khiến các cặp vợ chồng không muốn có hai con trở lên.

Giáo sư Masahiro Yamada, một nhà xã hội học tại Đại học Chuo, cũng bày tỏ sự hoài nghi Nhật Bản sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng dân số hiện nay.

"Mai mối không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ ngày càng có nhiều đàn ông hơn với thu nhập không ổn định. Ngay cả với những người lao động thường xuyên, thu nhập tương đối đang giảm, vì vậy những người độc thân lựa chọn tiếp tục sống với cha mẹ thay vì kết hôn”, vị giáo sư giải thích.

Bà Brinton cho biết hoàn cảnh khó khăn của lao động nam giới không có công việc ổn định là một lý do khiến Nhật Bản nên áp dụng tiêu chuẩn bình đẳng, hai người cùng kiếm tiền thì hai người cùng chăm sóc.

“Những người đàn ông trẻ với công việc bấp bênh không cảm thấy mình có thể gánh vác gia đình, trong khi các cô gái trẻ không muốn kết hôn với những người con trai này”, nữ chuyên gia kết luận.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast