Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tháng 11/2018 tại Argentina. (Ảnh: Getty)
Căng thẳng Mỹ - Nga liên quan đến Hiệp ước INF: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/2 thông báo, nước này đã tạm ngừng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ngay sau động thái tương tự của phía Mỹ đưa ra trước đó 1 ngày.
Trong một cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, Tổng thống Nga Putin cho biết, đối tác Mỹ đã ngừng mọi nghĩa vụ của nước này đối với hiệp ước INF, do đó Nga cũng sẽ làm điều như vậy. Theo ông Putin, Nga sẽ bắt đầu công việc tạo ra các tên lửa mới, bao gồm các tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo các Bộ trưởng Nga không “khởi xướng” bất kỳ các cuộc đối thoại “giải trừ quân bị” nào với phía Mỹ.
Trước đó 1 ngày, Mỹ đã thông báo sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng nếu Nga không dừng các vi phạm đối với hiệp ước này. Theo đó, Nga phải loại bỏ tất cả các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị vi phạm Hiệp ước.
Biểu tình tại Pháp. (Ảnh: Reuters)
Cảnh sát Pháp và người biểu tình lại đụng độ: Ngày 2/2, cảnh sát Pháp và những người biểu tình “Áo vàng” lại tiếp tục có nhiều vụ đụng độ khi hàng nghìn người đổ xuống đường tuần hành trên khắp đất nước trong tuần thứ 12 liên tiếp, để phản đối các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo ước tính của cảnh sát và truyền thông, có khoảng 10.000 đến gần 14.000 người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Paris. Mục đích của lần tuần hành thứ 12, người biểu tình Pháp muốn bày tỏ tình cảm đối với những người bị thương trong các cuộc biểu tình trước đó, đồng thời lên án việc cảnh sát sử dụng súng bắn đạn nhựa chống lại người biểu tình.
Tuy nhiên, tại nhiều điểm biểu tình, cảnh sát Pháp đã buộc phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình. Một số người biểu tình quá khích cũng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Tân vương Malaysia, Abdullah Sultan Ahmad Shah trong lễ đăng quang. (Ảnh: Reuters)
Tân vương Malaysia đăng quang: Lễ đăng quang của Nhà vua Abdullah Sultan Ahmad Shah đã diễn ra trang trọng ngày 31/1 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Tân vương sẽ thay thế vị trí trước đó của cựu vương Muhammad V, người đã bất ngờ thoái vị sau khi kết hôn hoa hậu, người mẫu Nga.
Trong buổi lễ đăng quang, Quốc vương thứ 16 của Malaysia vận trang phục màu xanh, đọc lời tuyên thệ tại Hoàng cung Istana Negara. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp và có sự tham gia của Thủ tướng Mahathir Mohamad cùng hàng trăm khách mời.
Trước khi đăng quang tại Hoàng cung, Nhà vua 59 tuổi đã dự lễ chào đón tại Quốc hội và thực hiện nghi lễ duyệt đội danh dự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Mỹ chính thức mở cửa trở lại: Khoảng 800.000 nhân viên làm việc cho Chính phủ Mỹ đã quay trở lại nhiệm sở, cùng các công việc thường ngày.
Đợt đóng cửa Chính phủ Mỹ đã chấm dứt từ cuối tuần qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ trong thời gian 3 tuần, tức là đến ngày 15/2 tới, để các nghị sỹ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới.
Tuy nhiên, nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa lần 2 hoàn toàn có thể xảy ra khi ngày 31/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi tuyên bố, sẽ không có bất kỳ khoản tiền nào cho bức tường biên giới của Tổng thống Donald Trump trong thỏa thuận mà hiện đang được các Nghị sỹ của Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đàm phán.
Băng tuyết phủ trắng xóa tại Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 20/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thời tiết cực đoan khắp thế giới: Trong tuần qua, thời tiết cực đoan quá nóng hoặc quá lạnh đã vượt ngưỡng kỷ lục năm nay ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiệt độ giảm sâu đến -50 độ C tại Mỹ và -15,4 độ C tại Anh, Australia lại hứng chịu đợt nóng gay gắt lên tới 46 độ C. Còn ở Thái Lan, người dân chảy máu mắt, ho dữ dội vì ô nhiễm không khí làm dấy lên mối lo ngại về sự biến đổi khí hậu nguy hiểm trên hành tinh của chúng ta.
Truyền thông Mỹ ghi nhận đã có 21 người thiệt mạng do thời tiết lạnh giá kể từ khi một cơn bão tuyết tấn công vùng Trung tây vào đầu tuần này, kéo theo nhiệt độ giảm sâu. Ngược lại, ở phía Nam bán cầu, nóng bức và hạn hán đã phá kỷ lục của Australia, nơi vừa chứng kiến tháng 12 nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ thành phố Adelaide chạm ngưỡng 46,5 độ C, phá kỷ lục 80 năm từ tháng 1/1939, theo số liệu của Cục Khí tượng ở Nam Australia.
Bộ Giáo dục Thái Lan đã yêu cầu đóng cửa tất cả trường học ở Bangkok cùng các tỉnh lân cận đến hết tuần vì ô nhiễm không khí nguy hiểm. Để chống lại các phân tử bụi siêu nhỏ, giới chức nước này đã triển khai thiết bị bay không người lái phun nước từ trên không cũng như điều máy phun nước đường lên trời.
Bà Mạnh Vãn Chu tại ngoại tại Canada. (Ảnh: Bloomberg)
Mỹ cáo buộc tội danh đối với Tập đoàn Huawei và bà Mạnh Vãn Chu: Công tố viên liên bang Mỹ hôm 28/1 nộp đơn truy tố công ty viễn thông Huawei Technologies Co. của Trung Quốc lên tòa ở Brooklyn, New York, AFP đưa tin. Cáo trạng gồm 13 tội danh cáo buộc Huawei, hai công ty liên hệ và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu có hành động gian lận và thông đồng liên quan tới các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran.
Một bản cáo trạng khác gồm 10 tội danh được nộp lên tòa án ở bang Washington cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ robot của công ty T-Mobile của Mỹ và hứa hẹn thưởng tiền cho nhân viên nào lấy cắp được kỹ thuật tân tiến từ các đối thủ của Huawei.
Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị nhà chức trách Canada bắt hôm 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh hiện được tại ngoại ở Vancouver trong lúc chờ phiên điều trần ngày 6/2 về quyết định dẫn độ sang Mỹ.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương (giữa) được cảnh sát Malaysia áp giải rời Tòa án tối cao Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 16/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Malaysia hoãn phiên xét xử nghi phạm Đoàn Thị Hương sang tháng 3: AFP đưa tin phiên xét xử hai phụ nữ bị cáo buộc sát hại ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã rời sang tháng 3 và vụ này sẽ phải kéo dài cho đến ít nhất giữa năm 2019.
Bị cáo Siti Aisyah mang quốc tịch Indonesia và Đoàn Thị Hương mang quốc tịch Việt Nam đã bị xét xử từ tháng 10/2017 với cáo buộc sát hại ông Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Tuy nhiên, hai bị cáo này đều phủ nhận các cáo buộc. Họ khai rằng đã tưởng mình đang tham gia một trò chơi khăm và bị các mật vụ Triều Tiên lừa gạt.
Các thủ tục của vụ xét xử hai bị cáo đều trong độ tuổi 20 này diễn ra khá chậm do số lượng nhân chứng nhiều cũng như các phiên thẩm vấn diễn ra không thường xuyên. Đã không có phiên thẩm vấn nào kể từ tháng 8/2018 tới nay.
Nga diễu binh kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2018). (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nga diễu binh kỷ niệm 75 năm giải phóng Leningrad: Ngày 27/1, nhiều xe tăng và hệ thống tên lửa phòng không của Nga đã diễu hành qua trung tâm thành phố Saint Petersburg, nơi từng được biết đến là thành phố Leningrad, nhằm kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng thành phố này trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đây là lần đầu tiên Nga tổ chức cuộc trình diễn các loại vũ khí hạng nặng thời chiến và hiện đại tại thành phố lớn thứ hai của mình.
Trên 2.500 binh sĩ trong những bộ quân phục hiện đại và thời chiến như quần áo da cừu và ủng nỉ, cùng các loại vũ khí đã diễu qua Bảo tàng Hermitage để kỷ niệm ngày chấm dứt cuộc bao vây Leningrad, từng làm trên 800.000 người thiệt mạng. Hàng trăm người đã có mặt trong thành phố bất chấp tuyết rơi dày và cái lạnh âm 11 độ C để xem diễu binh.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát Juan Guaido tại một phiên họp của Quốc hội ở Caracas ngày 8/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa án tối cao Venezuela áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với ông Juan Guaido: Ngày 29/1, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh cấm xuất cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản đối với ông Juan Guaido - thủ lĩnh phe đối lập, đồng thời là Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Theo đó, ông Guaido sẽ bị cấm rời khỏi Venezuela cho đến khi kết thúc cuộc điều tra sơ bộ với các cáo buộc nhằm vào ông này.
Trước đó cùng ngày, Tổng Công tố Venezuela Tarek William Saab đã kiến nghị Tòa án Tối cao mở một cuộc điều tra sơ bộ đối với ông Guaido với cáo buộc tiếm quyền hành pháp khi tự xưng là “Tổng thống lâm thời”.
Ông William Saab cũng yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với ông Guaido, trong đó có việc cấm rời khỏi đất nước và phong tỏa tài khoản ngân hàng cũng như tài sản của nhân vật này.
(Ảnh minh họa: Sputnik)
Thượng viện Mỹ phản đối đề xuất rút quân khỏi Syria và Afghanistan: Thượng viện Mỹ ngày 31/1 đã bỏ phiếu thúc đẩy dự luật phản đối kế hoạch rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria và Afghanistan.
Với 68 phiếu thuận và 23 phiếu chống, bản dự thảo luật sửa đổi do lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, soạn thảo đã được thông qua. Dự luật kêu gọi nước Mỹ nên duy trì quân đội tại Syria và Afghanistan cho đến khi tất cả các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda bị đánh bại hoàn toàn. Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được bổ sung thêm vào dự luật an ninh Trung Đông dự kiến trình Thượng viện bỏ phiếu phê duyệt trong tuần tới.
Dự luật thừa nhận cuộc chiến chống khủng bố IS và al Qaeda tại Syria và Afghanistan đã có tiến bộ, nhưng cảnh báo việc rút quân đội Mỹ về nước mà không có những nỗ lực hiệu quả để bảo vệ những thành quả đã đạt được có thể gây bất ổn khu vực và tạo ra khoảng trống để Iran và Nga can thiệp.