Lực lượng tuần tra của Iran tại eo biển Hormuz. (Ảnh: Reuters)
Căng thẳng tại vùng Vịnh tiếp tục leo thang: Căng thẳng tại vùng Vịnh hôm 19/7 tiếp tục leo thang lên một nấc mới. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã thông báo bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh trên eo biển Hormuz do vi phạm luật hàng hải quốc tế.
Anh kêu gọi Iran thả tàu dầu Stena Impero và nói với Hội đồng Bảo an rằng họ đang nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao. Tehran cáo buộc tàu dầu Anh đã tắt thiết bị thu phát sóng sau khi va chạm với một tàu cá Iran. Tàu dầu đang neo đậu tại cảng Bandar Abbas, Iran.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ngày 18/7 tuyên bố tàu tấn công lưỡng cư USS Boxer thuộc lực lượng hải quân Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran sau khi thiết bị này đe dọa sự an toàn của chiếc tầu và thủy thủ đoàn.
Phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tướng Abolfazl Shekarchi – phát ngôn viên Các lực lượng Vũ trang Iran ngày 19/7 cho biết: “Tất cả UAV của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz đều đã trở về căn cứ an toàn sau khi tiến hành hoạt động trinh sát và kiểm soát theo kế hoạch. Không có báo cáo về bất kỳ hoạt động nào của USS Boxer”.
Tòa nhà của xưởng phim Kyoto Animation sau khi bị phóng hỏa ngày 18/7. (Ảnh: Reuters)
Xưởng phim Nhật bị phóng hỏa khiến 34 người thiệt mạng: Cảnh sát cho biết nghi can được xác định danh tính là Shinji Aoba khai nhận đã dùng xăng phóng hỏa tòa nhà ba tầng của xưởng phim mà y cho là đã ăn cắp ý tưởng của mình. Đối tượng cũng thừa nhận rằng sự oán giận cá nhân là động cơ vụ việc.
Nghi can Shinji Aoba, 41 tuổi, từng sống tại tỉnh Saitama và từng bị kết án 3,5 năm tù giam vì tội trộm cắp tại một cửa hàng tiện ích năm 2012. Tên này đã bị bỏng nặng toàn thân và đang được điều trị trong bệnh viện. Cảnh sát cho biết sẽ thẩm vấn đối tượng kỹ hơn sau khi bình phục.
Vụ cháy tại xưởng phim Kyoto Animation đã làm 34 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Chủ xưởng phim cho biết nhiều nạn nhân trong vụ cháy là các tài tăng trẻ và phụ nữ, một số người vừa vào xưởng làm việc hồi tháng 4 vừa qua. Đây là vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất Nhật Bản trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ sau vụ nghi tấn công bằng hỏa hoạn tại một tòa nhà ở thủ đô Tokyo năm 2001 làm 44 người thiệt mạng.
Bà Ursula von der Leyen trúng cử Chủ tịch EC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bà von der Leyen trở thành nữ Chủ tịch EC đầu tiên trong lịch sử: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, 60 tuổi - Nghị sỹ thuộc nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ đã trở thành phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ quan trọng nhất của EU sau khi giành chiến thắng tại cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) với kết quả 383 phiếu thuận và 327 phiếu chống, trong khi 22 nghị sỹ vắng mặt và 1 phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tối 16/7 theo giờ địa phương.
Bà von der Leyen sẽ chính thức thay thế ông Jean-Claude Juncker tiếp quản vị trí đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 1/11 tới trong nhiệm kỳ 5 năm.
Phát biểu trước EP sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, bà von der Leyen đã cảm ơn tất cả các nghị sỵ đã quyết định bỏ phiếu cho bà và nhấn mạnh nhiệm vụ phía trước là rất khó khăn.
Máy bay tiêm kích tàng hình F-35. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ: Ngày 17/7/2019, Nhà Trắng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nêu rõ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến cho việc Ankara tiếp tục tham gia vào chương trình máy bay F-35 là bất khả thi. Theo bà Grisham, máy bay F-35 do Mỹ chế tạo "không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo, sẽ được sử dụng để tìm hiểu về những năng lực tiên tiến loại máy bay này, và điều này sẽ gây bất lợi đối với khả năng tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO.
Quan chức Mỹ nêu rõ Washington đã nhiều lần đề xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara lại quay sang hệ thống S-400 của Nga, điều này đi ngược lại cam kết của NATO trng việc tránh tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, bà Grisham cũng nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn đánh giá cao quan hệ chiến lược giữa Washington và Ankara, đồng thời tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực và lưu tâm đến việc kiềm chế do sự hiện diện của S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trùm ma túy khét tiếng người Mexico Joaquin "El Chapo" Guzman (giữa) bị cảnh sát dẫn độ về Mỹ từ Ciudad Juarez, Mexico. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Trùm ma túy El Chapo bị phạt tù chung thân: Ngày 17/7, Tòa án Mỹ đã kết án tù chung thân cộng thêm 30 năm tù đối với trùm ma túy Mexico Joaquin “El Chapo” Guzman, đồng thời đối tượng phải nộp phạt số tiền 12,6 tỷ USD thu được từ các hoạt động phạm pháp.
Tháng 2 vừa qua, đoàn bồi thẩm tòa án liên bang ở thành phố New York, Mỹ, đã kết tội El Chapo với nhiều tội danh gồm buôn bán cocain, heroin, methamphetamines và cần sa vào Mỹ trong vòng 25 năm, cũng như rửa tiền, sở hữu vũ khí trái phép và tham gia vào các tổ chức tội phạm. Đây đều là các tội danh có mức án chung thân.
Các công tố viên đã đề nghị thẩm phán tuyên phạt thêm 30 năm tù cho El Chapo với hành vi sử dụng súng trong hoạt động tội phạm, đồng thời muốn El Chapo nộp phạt dựa theo nguồn thu ước tính từ việc buôn bán ma túy ở Mỹ.
Joaquin “El Chapo” Guzman, 61 tuổi, từng điều hành băng nhóm Sinaloa được biết đến như một đế chế buôn bán ma túy toàn cầu. Năm 2017, El Chapo bị dẫn dộ sang Mỹ để xét xử vào sau khi bị bắt tại Mexico trước đó một năm. Sau khi bị bắt và dẫn độ từ Mexico sang Mỹ năm 2017, đối tượng bị biệt giam tại một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Manhattan.
(Ảnh: epa.eu)
Các thành viên nội các mới của Thái Lan tuyên thệ nhậm chức: Chiều 16/7, các thành viên nội các mới của Chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu đã tuyên thệ nhậm chức trước Nhà Vua Maha Vajiralongkorn, hoàn tất quá trình thành lập chính phủ dân sự sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 vừa qua.
Nội các mới của Thái Lan gồm 39 ghế với 36 thành viên; trong đó có 3 vị trí kiêm nhiệm là Thủ tướng Prayut kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Jurin Laksanavisit thuộc đảng Dân chủ kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phó Thủ tướng Anutin Charnveerakul thuộc đảng Tự hào nước Thái kiêm Bộ trưởng Y tế.
Nội các của Thủ tướng Prayut là sự kết hợp giữa các thành viên chính quyền do ông điều hành kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và các chính trị gia chủ chốt đã giúp ông thành lập liên minh cầm quyền.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm hôm 11/7. (Ảnh: AP)
Tòa án Nga gia hạn lệnh giam giữ 6 thủy thủ Ukraine thêm 3 tháng nữa: Một tòa án ở Moscow ngày 16/7 đã gia hạn lệnh giam giữ trước khi xét xử thêm 3 tháng nữa đối với 6 thủy thủ đầu tiên trong số 24 thủy thủ hải quân Ukraine bị phía Nga bắt giữ ngoài khơi bán đảo Crimea hồi năm ngoái. Tòa án này cũng sẽ đưa ra phán quyết đối với các thủy thủ còn lại vào cuối ngày 17/7.
Giới chức văn phòng Tổng thống Ukraine hôm 16/7 cũng thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có khả năng tiến hành một cuộc điện đàm nữa, nhưng hiện chưa ấn định được thời điểm cụ thể. 99% thời gian điện đàm được cho là sẽ dành để bàn về vấn đề trả tự do cho các thủy thủ và những tù nhân khác.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai tổng thống Nga - Ukraine diễn ra ngày 11/7 vừa qua. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về giải pháp cho vùng Đông Nam Ukraine và công tác chung để trao trả những người bị bắt giữ của cả hai phía.
Cờ Canada (trái) và cờ Trung Quốc (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc thông báo về một vụ bắt giữ công dân Canada: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/7 thông báo cảnh sát tỉnh Sơn Đông, miền Đông nước này, đã bắt giữ một công dân Canada liên quan một vụ án ma túy có sự tham gia của các sinh viên nước ngoài.
Trước đó hai ngày, Chính phủ Canada cũng cho biết công dân nước này đã bị bắt giữ tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, song không cho biết thêm chi tiết.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, cảnh sát tỉnh Sơn Đông gần đây đã phát hiện một vụ án ma túy có liên quan tới các sinh viên nước ngoài, trong đó có 1 công dân Canada. Hiện, vụ án đang được xử lý song không nêu rõ thông tin chi tiết.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada xấu đi nghiêm trọng từ tháng 12/2018, sau khi cảnh sát thành phố Vancouver bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ viễn thông - Huawei của Trung Quốc, theo yêu cầu của Mỹ.
Tỷ phú Bill Gates. (Ảnh: Gettyimages)
Tỷ phú Bill Gates để mất vị trí người giàu thứ hai thế giới: Tỷ phú Bill Gates chưa bao giờ xếp hạng thấp hơn vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index suốt 7 năm qua. Nhưng điều đó đã kết thúc vào ngày 16/7 khi tỷ phú người Pháp Bernard Arnault đã “đẩy” nhà đồng sáng lập của “người khổng lồ công nghệ” Microsoft xuống vị trí thứ 3.
Ông Arnault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH, đã tăng mạnh giá trị tài sản ròng của mình lên 107,6 tỷ USD và vượt tỷ phú Bill Gates hơn 200 triệu USD tính đến hiện tại. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, tài sản của ông Arnault đã tăng thêm 39 tỷ USD, mức tăng cá nhân lớn nhất trong số 500 tỷ phú được Bloomberg xếp hạng .
Vào tháng trước, ông Arnault gia nhập câu lạc bộ siêu tỷ phú cùng với nhà sáng lập Jeff Bezos của tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com và tỷ phú Bill Gates khi khối tài sản của ông vượt 100 tỷ USD . Tổng giá trị tài sản của ba tỷ phú này đã vượt giá trị thị trường của hầu hết mọi công ty trong nhóm S&P 500 Index, bao gồm cả Walmart Inc., Exxon Mobil Corp và Walt Disney Co.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái, xe đầu tiên) và Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Francois Lecointre được chở tới tham dự buổi duyệt binh ngày 14/7. (Ảnh: Reuters)
Pháp duyệt binh mừng Quốc khánh với khẩu hiệu ủng hộ châu Âu: Từ 10h30 sáng ngày 14/7, lễ diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp được thực hiện theo những nghi thức truyền thống trên đại lộ Champs-Élysées tại thủ đô Paris. Bên cạnh hơn 4300 binh sĩ Pháp là sự hiện diện của binh sĩ 9 nước châu Âu khác, gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Phần Lan và Estonia.
Tổng cộng, 196 khí tài quân sự tham gia vào lễ duyệt binh tại đại lộ Champs-Élysées. Một loạt các quan chức hàng đầu của châu Âu cũng có mặt bên cạnh Tổng thống Pháp trong lễ duyệt binh, trong đó đáng chú ý có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker.
Với khẩu hiệu “Cùng nhau hành động”, lễ duyệt binh Quốc khánh năm nay được Pháp lựa chọn là dịp để biểu trưng sức mạnh quân sự tập thể châu Âu, cũng như đề cao hợp tác quốc phòng trong khối, với mục đích xây dựng một châu Âu độc lập, tự chủ hơn về mặt an ninh-quốc phòng, trong bối cảnh quan hệ đồng minh chiến lược giữa châu Âu và Mỹ rạn nứt nghiêm trọng vài năm qua và tương lai của khối quân sự NATO bị đe doạ.