Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng đi dạo trong khuôn viên khách sạn Capella, Singapore, sau khi họp thượng đỉnh vào ngày 12/6. (Ảnh: AP)
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt kết quả tốt: Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc vào đầu giờ chiều 12/6 với một thỏa thuận được ký kết gồm 4 điểm chính: Thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước "vì hòa bình và thịnh vượng của người dân", nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Panmunjom giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/4 và thúc đẩy công tác tìm kiếm hài cốt các tù binh chiến tranh.
"Chúng tôi đã có một cuộc gặp lịch sử, bỏ qua quá khứ và hướng tới một khởi đầu mới", lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cho biết tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ "khởi động rất nhanh".
Lãnh đạo các nước cũng đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vì hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Các lãnh đạo chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump bỏ ngang Hội nghị G7 và không ký tuyên bố chung: Các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Charlevoix, bang Quebec, Canada ngày 9/6 ra tuyên bố chung khẳng định sẽ đồng lòng chống lại chủ nghĩa bảo hộ và cam kết tuân thủ các quy tắc thương mại đã được thiết lập từ trước tới nay, bất chấp những khác biệt với Mỹ, theo AFP. Tuyên bố chung dài 8 trang khẳng định sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu "tự do, công bằng và cùng có lợi".
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ từ chối rút lại quyết định áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu như một phần trong cái được gọi là chiến lược "nước Mỹ Trước tiên" của ông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: Bộ Ngoại Giao Trung Quốc)
Trả đũa Mỹ, Trung Quốc sẽ áp thuế 25% lên 659 hàng hóa Mỹ: Tân Hoa Xã ngày 16/6 dẫn thông báo của Ủy ban Thuế quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá 50 tỷ USD.
Thuế áp đối với 34 tỷ USD hàng hóa của Mỹ bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, ôtô và hàng thủy sản, dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/7 tới. Biểu thuế với các hàng hóa khác của Mỹ cũng sẽ được công bố sau.
Trung Quốc đã có phản ứng cứng rắn khi cam kết “ngay lập tức” thực hiện trả đũa với hàng hóa Mỹ, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phê chuẩn gói thuế mới với 50 triệu USD hàng hóa Trung Quốc.
EU thông qua kế hoạch đáp trả thuế quan đối với Mỹ. (Ảnh minh họa: AFP)
EU thông qua kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu đáp trả Mỹ: Liên minh Châu Âu (EU) hôm 14/6 đã nhất trí ủng hộ kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu trị giá 2,8 tỷ euro, tương đương hơn 3,3 tỷ USD, nhằm vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ.
Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ cần phải được Ủy ban Châu Âu thông qua tại một hội nghị thường niên của Liên minh Châu Âu vào ngày 20/6 tới trước khi chính thức triển khai trên thực tế. Dự kiến, nếu được thông qua, Liên minh Châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với Mỹ vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới.
Đây được xem là biện pháp trả đũa việc Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ thị trường Liên minh Châu Âu vào Mỹ.
Tổng thống Nga Putin (phải) và ông Kim Yong-nam. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga vào tháng 9: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/6 đã chính thức mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nga vào tháng 9 năm nay.
Phát biểu tại cuộc tiếp Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (tức Quốc hội Triều Tiên) Kim Yong-nam tại thủ đô Moscow, Nga, ông Putin đã đề nghị ông Kim Yong-nam chuyển lời mời tới ông Kim Jong-un.
Tổng thống Putin cũng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6 vừa qua tại Singapore.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện bãi bỏ tình trạng khẩn cấp: Reuters đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ tháng 7/2016 tại nước này sẽ được bãi bỏ nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 24/6 tới, song cho hay lệnh này sẽ được khôi phục nếu đất nước đối mặt thêm các mối đe dọa.
Lệnh tình trạng khẩn cấp đã cho phép ông Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn các đạo luật mới mà không cần thông qua quốc hội, đồn thời được phép đình chỉ các quyền và quyền tự do.
Lệnh này được ban bố ngay sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 và đã được gia hạn cứ 3 tháng một lần kể từ đó đến nay.
Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Iran cảnh báo nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow: Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Fordow nếu thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2005, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sụp đổ.
Đây là tuyên bố được ông Behrouz Kamalvandi, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), đưa ra ngày 13/6.
Trước khi các bên ký JCPOA, cơ sở hạt nhân ngầm Fordow ở miền Trung Iran được sử dụng để làm giàu 20% urani.
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. (Ảnh: Reuters)
Macedonia quyết định đổi tên nước để có thể gia nhập EU, NATO: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 12/6 thông báo Athens và Skopje đã nhất trí đổi tên nước của Macedonia thành "Cộng hòa Bắc Macedonia," nhằm chấm dứt một cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm qua giữa hai nước này.
Athens phản đối tên gọi của nước láng giềng phía Bắc do một tỉnh miền Bắc của Hy Lạp cũng có tên là "Macedonia."
Trong khi đó, Macedonia hy vọng rằng việc giải quyết tranh cãi trên sẽ giúp dọn đường cho nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hoan nghênh thỏa thuận này là một "giải pháp lịch sử."
Hy Lạp phản đối việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là "Macedonia," cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi này nằm ở miền Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala.
Sân vận động quốc gia Luzhniki trong lễ khai mạc World Cup 2018. (Ảnh: AFP)
Lễ khai mạc World Cup 2018 sôi động và sâu lắng: Vào lúc 21h30 ngày 14/6 theo giờ Hà Nội (17h30 cùng ngày theo giờ Nga), lễ khai mạc VCK World Cup 2018 đã diễn ra ở sân vận động quốc gia Luzhniki ở thủ đô Moskva của LB Nga. Khoảng 80.000 khán giả đã có mặt khán đài để theo dõi lễ khai mạc đầy ấn tượng và trận đấu mở màn của World Cup 2018.
Lễ khai mạc World Cup 2018 diễn ra trong vòng 20 phút với phong cách rất riêng: hướng toàn bộ sự chú ý vào âm nhạc. Trong trận mở màn World Cup 2018, Nga đã dành chiến thắng 5-0 trước Saudi Arabia. Đội chủ nhà sẽ gặp Ai Cập ở trận đấu kế tiếp ngày 19/6 và cuối cùng là Uruguay ngày 25/6. Nếu giành chiến thắng trước Ai Cập thì Nga có thể sớm có mặt ở vòng 16 đội.
Chủ tịch FIFA chúc mừng bên chiến thắng. (Ảnh: EPA)
Ba nước Bắc Mỹ giành quyền đăng cai World Cup 2026: Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) ngày 13/6 đã bỏ phiếu nhất trí trao quyền đăng cai VCK World Cup 2026 cho 3 quốc gia vùng Bắc Mỹ là Mỹ, Mexico và Canada. Hồ sơ xin đăng cai World Cup 2026 của 3 quốc gia Bắc Mỹ đã nhận được 134 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại đại hội FIFA diễn ra ở Moscow, trong khi đối thủ Maroc chỉ nhận được 65 phiếu.
Các nước Bắc Mỹ đã giành chiến thắng sau khi cam kết sẽ giúp World Cup 2026 sinh lợi 11 tỷ USD. Trong khi đó, con số mà Maroc đưa ra chỉ là 5 tỷ USD.
World Cup 2026 sẽ là giải đấu đầu tiên có 48 đội bóng tham gia tranh tài, tăng 16 đội so với con số hiện nay. Dù đây cũng là giải đấu đầu tiên được tổ chức tại ba quốc gia, song phần lớn các trận đấu sẽ diễn ra tại Mỹ. Trong số 80 trận cầu tại World Cup 2026, 10 trận sẽ được tổ chức tại Canada, 10 trận tại Mexico và số còn lại sẽ diễn ra ở Mỹ.