Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

(Baohatinh.vn) - New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP; Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 21/10 - 27/10/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Đại diện các quốc gia thành viên tại lễ ký CPTPP ở Santiago, Chile ngày 8/3. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP: Chính phủ New Zealand ngày 25/10 thông báo nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quốc hội New Zealand đã phê chuẩn CPTPP vào cuối ngày 24/10 với ủng hộ của tất cả các đảng, trừ Đảng Xanh. Trước đó, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn CPTPP hồi đầu năm 2018.

Với tên gọi trước đây là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP đã được 11 nước thành viên ký kết hồi tháng 3/2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi sáu nước thành viên thông qua hiệp định.

Trong khi đó, Quốc hội Australia đã thông qua CPTPP hồi đầu tháng 10/2018 và dự kiến sẽ phê chuẩn vào cuối năm 2018, cùng với Canada và Việt Nam. Các nước thành viên còn lại của CPTPP là Brunei. Chile, Malaysia và Peru.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.

Mỹ và NATO trong hai năm qua liên tục chỉ trích các tổ hợp tên lửa Novator 9M729 do Nga mới phát triển vi phạm INF. 9M729 có tầm bay lên đến hơn 5.000 km. “Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, vượt rào và chế tạo vũ khí trong khi chúng tôi không được phép”, ông Donald Trump nói.

Ngày 23/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Mỹ sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi INF vào thời điểm thích hợp. Ông Bolton đánh giá hiệp ước INF "đã lỗi thời, bị các nước khác vi phạm và phớt lờ". Theo ông Bolton, các quốc gia khác vẫn có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như tên lửa hành trình, trong khi Mỹ bị trói buộc bởi hiệp ước này. Ông nhấn mạnh các nỗ lực trước đó nhằm mở rộng hiệp ước với sự tham gia của các nước khác đã không thành công.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan vào ngày 16/7. (Ảnh: ABC News)

Tổng thống Nga dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Paris vào tháng 11: Chiều 23/10 tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp cố vấn của Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton đang có chuyến thăm Moscow trong 2 ngày 22 và 23/10.

Tại cuộc gặp, thông qua ông John Bolton, Tổng thống Nga Putin đã chuyển cho Tổng thống Donald Trump đề nghị gặp ở Paris vào ngày 11/11. Ngày này đã được lên kế hoạch cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm kết thúc chiến tranh thế giới Thứ nhất.

Theo người đứng đầu nước Nga, sẽ rất hữu ích để tiếp tục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ, trước hết là ở bên lề các sự kiện quốc tế diễn ra trong thời gian tới, chẳng hạn, ở Paris.

Đáp lại đề nghị của Tổng thống Putin, ông John Bolton nói rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ rất hân hạnh được gặp Tổng thống Nga tại Paris, bên lề của sự kiện quốc tế này. Ông Bolton cũng đồng ý rằng, đối thoại giữa Moscow và Washington sẽ hữu ích. Theo ông, mặc dù có những bất đồng đang tồn tại giữa hai nước do lợi ích quốc gia của mỗi nước, tuy nhiên gặp gỡ để tìm ra những điểm chung có thể sẽ có lợi cho cả đôi bên.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Cầu vượt biển nối Chu Hải - Hongkong - Macau. (Ảnh: Getty)

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới: Sáng 23/10, Trung Quốc đã khánh thành và thông cầu vượt biển nối thành phố Chu Hải (phía Nam tỉnh Quảng Đông) với Hongkong và Macau.

Đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì buổi lễ và tuyên bố thông cầu. Với tốc độ lưu thông là 100 km/h, theo tính toán cây cầu này sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa 3 thành phố trên từ hơn 3 giờ đồng hồ xuống còn 30 phút.

Trong tổng số chiều dài 55km có một đoạn dài 6,7 km là chạy ngầm dưới biển nhằm để tàu thuyền qua lại khu vực không bị ảnh hưởng. Cây cầu được xây dựng trong 9 năm, sử dụng hơn 400.000 tấn thép và có thể chịu được động đất mạnh cấp 8 và bão mạnh cấp 16. Dự tính cây cầu sẽ phục vụ hơn 9.000 lượt phương tiện mỗi ngày và sử dụng trong 120 năm.

Với chiều dài 55km, cầu vượt biển Chu Hải - Hongkong - Macau đã phá kỷ lục trước đó của cây cầu vượt biển tại Thanh Đảo dài 42km được khánh thành vào tháng 1/2011.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Nghi phạm Cesar Sayoc. (Ảnh: Reuters)

Mỹ xác định nghi phạm gửi bưu kiện chứa bom tới các chính khách: Giới chức Mỹ ngày 26/10 xác nhận đã bắt giữ một nghi phạm tại Florida trong khuôn khổ cuộc điều tra về các bưu kiện tình nghi chứa bom được gửi tới nhà cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Trump khác.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Session, nghi phạm được xác định là Cesar Sayoc, 56 tuổi, bị bắt ở một cửa hàng thiết bị ô tô gần nơi người này sinh sống tại Florida. Tên này từng bị bắt nhiều lần, chủ yếu với các tội danh bạo lực và trộm cắp. Hồ sơ tư pháp cho thấy, nghi can cũng từng bị cáo buộc đe dọa sử dụng bom.

Trong khi đó, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, dấu vân tay trên một bưu kiện tình nghi được xác định là của Cesar Sayoc. Nếu bị kết án, Cesar Sayoc có thể phải lãnh án lên tới 48 năm tù giam.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Quang cảnh khu vực tuần tra chung (JSA) trong làng đình chiến Panmunjom ở thành phố biên giới Paju, Hàn Quốc. (Ảnh: EPA/ TTXVN)

Hai miền Triều Tiên nhất trí dỡ bỏ vũ khí, trạm gác ở biên giới: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, hai miền Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Mỹ dẫn đầu ngày 22/10 đã nhất trí rút các loại súng và trạm gác khỏi Khu vực An ninh Chung thuộc Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) muộn nhất vào ngày 25/10, và hai ngày sau đó, ba bên sẽ tiến hành công tác thẩm tra chung.

Đây là một phần kết quả đạt được trong vòng đàm phán ba bên cấp chuyên viên lần thứ hai, diễn ra ở tòa nhà Tự do thuộc lãnh thổ Hàn Quốc ở khu vực làng đình chiến Panmunjom trước đó cùng ngày.

Theo thỏa thuận quân sự liên Triều hồi tháng trước, Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí giải giáp Khu vực An ninh Chung, và cuộc hội đàm ba lên lần đầu tiên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã được tiến hành hồi tuần trước nhằm thảo luận các cách thức thực thi thỏa thuận này. Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc có nhiệm vụ giám sát hoạt động bên trong DMZ.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Jumpei Yasuda được thả ngày 24/10. (Ảnh: AFP)

Nhà báo Nhật được phiến quân Hồi giáo ở Syria thả sau 40 tháng bị giữ làm con tin: Ngày 24/10, trong một đoạn video chiếu trên kênh truyền hình địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ, một người đàn ông tự nhận là nhà báo Jumpei Yasuda - nhà báo Nhật Bản bị các tay súng thuộc một nhóm chi nhánh của Al Qaeda bắt giữ sau khi vừa đến Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 - cho biết, ông còn sống và hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi là Jumpei Yasuda, nhà báo Nhật Bản. Tôi đã bị giam giữ 40 tháng ở Syria. Tôi đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tôi đang trong tình trạng an toàn”, người này nói.

Các nhà ngoại giao Nhật Bản tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đó xác nhận người đàn ông trong đoạn video này chính là nhà báo Jumpei Yasuda. Chính phủ Nhật Bản cảm ơn Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác trong việc giải cứu công dân Nhật Bản. Nhật Bản cho biết, không có khoản tiền chuộc nào được chi trả trong quá trình giải cứu ông Yasuda. Nhà báo Yasuda ngày 25/10 đã lên máy bay trở về Tokyo.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. (Ảnh: Reuters)

Saudi Arabia nói sẽ tự truy tố những kẻ sát hại nhà báo Khashoggi: Jamal Khashoggi, nhà báo 60 tuổi tới Mỹ sống lưu vong vào năm ngoái, thường xuyên chỉ trích chính phủ Saudi Arabia và Thái tử Mohammed bin Salman. Ông biến mất từ hôm 2/10 khi tới lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để làm thủ tục kết hôn với bạn gái người bản địa. Sau nhiều lần phủ nhận liên quan, Saudi Arabia ngày 21/10 xác nhận nhà báo đã chết trong một vụ xô xát và Riyadh đã bắt 18 nghi phạm.

Ngày 26/10, Ankara yêu cầu Riyadh dẫn độ 18 nghi phạm kể trên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi công tố viên Saudi Arabia nói rằng dựa trên bằng chứng do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, vụ giết hại Khashoggi dường như được lập kế hoạch từ trước.

"Về vấn đề dẫn độ, tất cả các cá nhân này đều là công dân Saudi Arabia. Họ bị bắt ở Saudi Arabia và cuộc điều tra diễn ra ở Saudi Arabia nên họ sẽ bị truy tố ở Saudi Arabia", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 27/10 cho biết tại một diễn đàn quốc phòng khu vực ở thủ đô Bahrain, đề cập tới 18 nghi phạm trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ông đồng thời thêm rằng cuộc điều tra cái chết của Khashoggi sẽ mất nhiều thời gian.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont. (Ảnh: AFP)

Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ra lệnh xét xử các cựu lãnh đạo vùng Catalonia: Tòa án Tối cáo Tây Ban Nha ngày 25/10 đã công bố quyết định đưa 18 cựu lãnh đạo xứ Catalonia ra xét xử về vai trò của những người này trong cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập trái phép cho vùng tự trị này hồi năm ngoái.

Theo tòa án trên, trong số 18 cựu lãnh đạo nói trên có 9 người đang bị giam giữ - trong đó có cựu Phó Thủ hiến Catalonia Oriol Junqueras - bị buộc tội nổi loạn. Nếu bị kết án với tội danh này, các bị cáo có thể phải lĩnh án tới 25 năm tù giam. Trong khi đó, những người còn lại bị xét xử về tội tham ô hoặc bất tuân dân sự.

Tuy nhiên, cựu Thủ hiến Carles Puigdemont - người đóng vai trò chính trong cuộc đấu tranh đòi ly khai cho vùng Catalonia - không trong nằm trong danh sách nêu trên, bởi luật pháp Tây Ban Nha không cho phép xét xử vắng mặt. Ông Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại Bỉ.

Thế giới nổi bật trong tuần: New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP

Nữ Tổng thống đầu tiên của Ethiopia Sahle-Work Zewde. (Ảnh: BBC)

Ethiopia có nữ Tổng thống đầu tiên: Ngày 25/10, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Sahle-Work Zewde đã được các nghị sĩ Quốc hội bầu làm Tổng thống Ethiopia, thay ông Mulatu Teshome mới từ chức.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, bà Zewde đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các nghị sĩ. Với quyết định trên, bà đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia Đông Phi này.

Bà Zewde, 68 tuổi, từng đảm nhận vị trí Đại sứ Ethiopia tại Pháp, Djibouti và Senegal. Trước khi được bầu làm Tổng thống, nữ chính khách này là quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Liên minh châu Phi. Bà thông thạo hai ngoại ngữ gồm tiếng Anh và tiếng Pháp.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.