Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Thương chiến Mỹ-Trung tăng nhiệt: Với thất bại của vòng đàm phán thương mại mới nhất, Mỹ và Trung Quốc ngày 1/6 bắt đầu áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Ngày 1/6, Mỹ đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD. Việc tăng thuế gây tác động đối với một loạt hàng hóa tiêu dùng và các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có: modem và bộ định tuyến Internet, mạch in, đồ gỗ, máy hút bụi và thiết bị chiếu sáng.
Trong khi đó, cùng ngày, Trung Quốc đã điều chỉnh tăng thuế lên 10%, 20% và thậm chí là 25% đối với hơn 5.000 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trong danh mục 60 tỷ hàng hóa đã áp thuế trước đó. Biện pháp mới nhất này của Trung Quốc đặc biệt nhằm vào các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, thể thao và cả đàn piano hay đồ chơi. Những mặt hàng này đều bị đánh thuế cao 25%.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy dù đã trải qua hơn 10 vòng đàm phán, song các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đi tới đâu. Chỉ 1 ngày trước khi các biện pháp đánh thuế mới có hiệu lực, chính quyền Trung Quốc đã công bố một vũ khí mới trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ khi thông báo thiết lập danh sách đen các doanh nghiệp “không dáng tin cậy” nhằm đáp trả cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu nước này Huawei.
Thủ tướng Kurz khi còn nắm quyền hồi năm 2018. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truất: Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ ngày 28/5 bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, chỉ vài ngày sau khi Phó thủ tướng Heinz-Christian Strache xin từ chức vì bê bối trao đổi với đối tác Nga để đổi lấy sự ủng hộ trong bầu cử quốc hội Áo hai năm trước.
Ông Sebastian Kurz, 32 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất châu Âu khi lên nắm quyền cuối năm 2017.
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 30/5 cho biết ông đã lựa chọn Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Brigitte Bierlein làm Thủ tướng lâm thời của nước này. Với quyết định này của Tổng thống Van der Bellen, nước Áo sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.
Bà Brigitte Bierlein hiện gần 70 tuổi - độ tuổi bắt buộc nghỉ hưu trong ngành tòa án. Bà sẽ có nhiệm vụ thành lập nội các mới với sự ủng hộ của Quốc hội cho đến khi nước Áo tiến hành bầu cử, dự kiến vào tháng 9 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Dấu chấm hết cho cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ: Sáng 29/5 (theo giờ Mỹ), Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố từ chức ở Bộ Tư pháp Mỹ, đóng cửa văn phòng công tố viên đặc biệt, qua đó đặt dấu chấm hết cho cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mà ông đã tiến hành trong 2 năm vừa qua.
Ngày 24/3 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Barr đã công bố một bản tóm tắt các kết luận điều tra của Công tố viên Muller trước Quốc hội, trong đó cho biết ông Muller đã không thể tìm được bằng chứng nào khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Moskva.
Ngoài ra, bản tóm tắt cũng cho biết ông Mueller đã không thể kết luận liệu Tổng thống Trump có cản trở công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra hay không.
Trong khi Tổng thống Trump và Nhà Trắng hoan nghênh bản tóm tắt này, các chủ tịch của 6 ủy ban thuộc Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát lại gây áp lực buộc Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr công bố bản kết luận điều tra đầy đủ cũng như chứng cứ cơ bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Barr đã từ chối.
Tổng thống Venezuela Maduro và lãnh đạo phe đối lập Guaido. (Ảnh: Bloomberg)
Chính phủ và phe đối lập Venezuela không đạt được thỏa thuận: Đại diện chính phủ và phe đối lập ở Venezuela vừa kết thúc cuộc gặp tại Oslo, thủ đô của Na Uy, mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cuộc gặp do Na Uy tổ chức nhằm tìm cách chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia Nam Mỹ này.
Văn phòng của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido ngày 29/5 cho biết tại cuộc gặp ở Oslo, phe đối lập đã thông qua một lộ trình nhằm chấm dứt nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Maduro. Lộ trình này cũng bao gồm việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do. Tuy nhiên, Văn phòng của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cũng cho biết hai bên đã không đạt được một thỏa thuận. Ông Guaido tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra cho tới khi hai bên đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột ở Venezuela.
Bộ Ngoại giao Na Uy ngày 29/5 thông báo đại diện chính phủ và phe đối lập ở Venezuela đã thể hiện mong muốn đạt được tiến triển trong đàm phán nhằm đạt được một giải pháp hợp hiến cho các vấn đề chính trị, kinh tế và bầu cử.
Nghị sỹ Mark Harper. (Ảnh: Gloucester)
Danh sách ứng cử viên chạy đua chức Thủ tướng Anh tăng lên 12: Báo Daily Telegraph ngày 31/5 đưa tin nghị sĩ Mark Harper trở thành nghị sĩ thứ 12 của đảng Bảo thủ bước vào cuộc đua thay thế Thủ tướng Anh Theresa May.
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson là nhân vật nhiều khả năng nhất giành ghế Thủ tướng và được các thành viên cấp thấp trong đảng Bảo thủ ưa thích. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ bỏ phiếu sau khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ loại dần danh sách - hiện là 12 người, xuống còn 2 người, và nhiều người đang phản đối ông Johnson do lập trưởng ủng hộ Brexit và tính cách hay mắc sai lầm của ông.
Các ứng cử viên còn lại có Thứ trưởng Brexit James Cleverly. Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, cựu lãnh đạo phe Bảo thủ tại Hạ viện Anh Andrea Leadsom, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart và cựu Bộ trưởng Việc làm và Trợ cấp Esther McVey...
Hôm 24/5 vừa qua, thủ lĩnh hàng đầu của đảng Bảo thủ Brandon Lewis thông báo nước này sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm bà May giữ chức lãnh đạo đảng này và Thủ tướng Anh trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ Hè - được ấn định vào ngày 20/7 tới.
Các container rác thải của Canada tại cảng Subic của Philippines. (Ảnh: CBC/TTXVN)
Tàu Philippines chở 69 container rác thải đưa trở lại Canada: Ngày 31/5, một tàu chở hàng của Philippines đã rời Vịnh Subic - một căn cứ hải quân cũ của Mỹ và hiện là cảng trung chuyển hàng hóa phía Tây Bắc thủ đô Manila, bắt đầu hành trình đưa 69 container chứa rác thải về lại Canada.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đã hoan nghênh động thái trên, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Philippines.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng bày tỏ vui mừng khi con tàu này rời cảng, đưa rác thải trở lại Canada.
Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt. 34 trong số những container trên đã được tiêu hủy tại Philippines, bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức địa phương và các tổ chức môi trường.
Phía Canada đã nhiều lần khẳng định với Chính phủ Philippines sẽ nhanh chóng vận chuyển và xử lý các container rác này. Tuy nhiên, sau thời hạn chót (ngày 15/5) mà Philippines yêu cầu Canada phải thu nhận lại toàn bộ số rác thải đã chuyển tới nước này, Manila đã triệu hồi Đại sứ và Tổng lãnh sự Philippines tại Canada, đẩy mối quan hệ giữa 2 nước vào tình trạng căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Trump. (Ảnh: Independent)
Tổng thống Trump chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử: Tổng thống Mỹ Trump hôm 31/5 chính thức công bố sẽ khởi động chiến dịch tái tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020 vào ngày 18/6 tới tại bang Florida.
Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Tweeter cá nhân, ông Donald Trump cho biết sẽ tổ chức một cuộc tuần hành cùng đệ nhất phu nhân Melania, Phó Tổng thống Mike Pence và phu nhân phó Tổng thống tại trung tâm Amway, với sức chứa 20.000 người ở thành phố Orlando, bang Florida. Ông kêu gọi các cử tri ủng hộ ông hãy cùng tham gia sự kiện lịch sử này.
Từ trước khi chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử chính thức, ông Donald Trump đã kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông và tổ chức nhiều cuộc tuần hành chính trị trong nhiều tháng qua. Đối với ông chủ Nhà Trắng, bang Florida được xem là ngôi nhà thứ 2 của ông bởi chính tại bang này, ông đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Thống kê cho thấy, kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất và tăng trưởng kinh tế cao.
(Nguồn ảnh: Mia.mk)
Hy Lạp và Cộng hòa Bắc Macedonia bình thường hóa quan hệ: Hy Lạp vừa quyết định nâng cấp phái bộ ngoại giao của mình tại thủ đô Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia (trước đây có tên là Macedonia) lên thành Đại sứ quán, tiếp sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng này.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngày 31/5 cho biết Athens cũng đang nâng cấp văn phòng đại diện của họ tại thành phố Bitola ở miền Nam của Bắc Macedonia lên thành Lãnh sự quán. Trong khi đó, phía Cộng hòa Bắc Macedonia đã nâng cấp phái bộ của họ tại Athens thành Đại sứ quán.
Hy Lạp và Bắc Macedonia trong năm nay đã kết thúc cuộc tranh chấp liên quan đến tên của nước láng giềng của Hy Lạp. Athens trước đó cho rằng cái tên “Macedonia” là một phần của di sản và bản sắc Hy Lạp.
Tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tới Skopje trong chuyến thăm lịch sử tới Cộng hòa Bắc Macedonia để tham dự buổi lễ đánh dấu chấm dứt tranh cãi về tên gọi nước kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai quốc gia láng giềng.
Chuyến thăm diễn ra một tháng sau khi Thủ tướng Tsipras và người đồng cấp Zoran Zaev hoàn tất thỏa thuận đổi tên, theo đó thêm chữ "Bắc" vào quốc hiệu của Macedonia để phân biệt với một tỉnh ở Hy Lạp. Sau khi đạt được thỏa thuận trên vào tháng 6/2018, hai nước cam kết thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế song phương.
Cảnh sát đứng gác ngoài hiện trường vụ xả súng ở thành phố Virginia Beach hôm 31/5. (Ảnh: AFP)
Xả súng khiến 12 người chết ở Mỹ: Ngày 1/6, cảnh sát Mỹ cho biết thủ phạm thực hiện vụ xả súng tại Virginia Beach, bang miền Đông Virginia lúc 16 giờ địa phương (5 giờ sáng 1/6 giờ Việt Nam) làm 12 người thiệt mạng và 6 người bị thương, trong đó có một cảnh sát, là Dewayne Craddock - một kỹ sư làm việc tại cơ quan dịch vụ công của thành phố hơn 15 năm qua và có tư tưởng bất mãn.
Thủ phạm đã xả súng bừa bãi vào các đồng nghiệp tại tòa nhà chính quyền thành phố trong khi di chuyển qua các tầng của tòa nhà, sau đó đấu súng với cảnh sát trước khi bị bắn hạ.
Cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach James Cervera cho biết nghi phạm sử dụng khẩu súng ngắn gắn thiết bị giảm thanh và ổ đạn được kéo dài để có thể nổ súng liên tục.
AfCFTA mở rộng cánh cửa giao thương vào thị trường trị giá 2.500 tỷ USD. (Ảnh: cironline.org)
Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi bắt đầu có hiệu lực: Ngày 30/5, Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) bắt đầu đi vào hiệu lực, qua đó mở rộng cánh cửa giao thương giữa các quốc gia tại lục địa 1,2 tỷ dân và một thị trường trị giá tới 2.500 tỷ USD này.
Phát biểu nhân dịp AfCFTA đi vào hiệu lực, Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) phụ trách về thương mại Albert Muchanga nhấn mạnh đây là một thời khắc lịch sử khi mà cả châu lục đã cùng thống nhất thực hiện cam kết tăng cường hội nhập kinh tế.
Đây là kết quả sau khi AfCFTA được chính thức phê chuẩn hôm 29/3 vừa qua bởi 22 quốc gia – ngưỡng tối thiểu để hiệp định có thể đi vào hiệu lực thi hành sau đó một tháng.
Trước đó, hồi tháng 3/2018, 52/55 quốc gia thành viên AU đã ký hiệp định thành lập AfCFTA tại thủ đô Kigali của Rwanda. Với AfCFTA, châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia, kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập.