Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: The Hill
Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump: Ngày 24/9 (rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan lập pháp này đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
CNN dẫn tuyên bố được bà Nancy Pelosi đưa ra sau cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ của 6 Ủy ban Hạ viện nêu rõ: "Hạ viện Mỹ đã chính thức xúc tiến cuộc điều tra luận tội. Tổng thống phải chịu trách nhiệm và không ai được phép đứng trên luật pháp”.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và “vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ” vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị.
Quyết định trên được đưa ra sau khi chính trường Mỹ dậy sóng xoay quanh cuộc điện thoại ngày 25/7 của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Mỹ hôm 22/9 thừa nhận đã bàn luận với người đồng cấp Ukraine về đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 Joe Biden và con trai ông Biden.
Dự luận và chính giới Mỹ nghi ngờ Tổng thống Trump đã gây sức ép để Tổng thống Zelensky mở cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Biden và con trai ông này – Hunter Biden. Giới chức Đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump đã đề nghị người đồng cấp Zelensky chỉ đạo mở cuộc điều tra nhằm vào ông Biden, qua đó tạo lợi thế cho nhà lãnh đạo này trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.
Về phần mình, Tổng thống Trump bác bỏ cáo buộc nói trên.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thứ 42 Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Bế mạc Khóa họp thứ 42 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc: Trong 2 ngày 26 - 27/9, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva của Thụy Sĩ, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 37 nghị quyết và một tuyên bố chủ tịch tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 42.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong ba tuần làm việc, Hội đồng Nhân quyền đã thảo luận nhiều vấn đề về quyền con người như quyền nước sạch và vệ sinh, tác động của các lệnh trừng phạt đơn phương lên nhân quyền, các hình thức nô lệ hiện đại.
Hội đồng xem xét tình hình nhân quyền tại một số quốc gia như Myanmar, Syria, Yemen... và thảo luận các biện pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Ukraine, Lybia, Somalia, Sudan, Cộng hòa Trung Ph
Phiên thảo luận về tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với quyền con người và vấn đề đưa cách tiếp cận bình đẳng giới vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế trực thuộc cũng được tổ chức trong khuôn khổ Khóa họp.
Như thường lệ, Hội đồng đã thông qua báo cáo rà soát định kỳ phổ quát của 14 nước thuộc Chu kỳ rà soát thứ 3, gồm Na Uy, Albania, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cote d’Ivoire, Bồ Đào Nha, Butan, Dominica, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Brunei, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Ethiopia, Qatar và Nicaragua.
Trong số 37 nghị quyết của Khóa họp, có 25 nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, gồm Nghị quyết về quyền của người cao tuổi, quyền sức khỏe, quyền an sinh xã hội, Nghị quyết về Chương trình giáo dục nhân quyền thế giới, Nghị quyết về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số…
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua bằng bỏ phiếu 12 nghị quyết; trong đó đáng chú ý là Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Myanmar, Venezuela, Yemen, Syria, Nghị quyết về thành phần nhân viên Văn phòng Cao ủy nhân quyền, Nghị quyết về thúc đẩy trật tự quốc tế cân bằng, dân chủ, Nghị quyết về án tử hình…
Tại Khóa họp, đoàn Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng nội dung các dự thảo nghị quyết, tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến; trong đó có nghị quyết về quyền phát triển, nghị quyết kỷ niệm 25 năm Tuyên bố Bắc Kinh về quyền của phụ nữ, nghị quyết về hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực nhân quyền và Nghị quyết về an sinh xã hội.
Người dân Afghanistan đi bỏ phiếu sáng 28/9. Ảnh: GulfToday |
Người dân Afghanistan đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới: Ngày 28/9, phụ nữ trên khắp Afghanistan đã đến các trạm bỏ phiếu để bỏ phiếu bầu Tổng thống mới.
Việc có đông phụ nữ đi bầu cử là một thành công tại Afghanistan do các tục lệ bảo thủ và an ninh không đảm bảo tại nước này. Nhiều phụ nữ Afghanistan hy vọng rằng, cuộc bầu cử sẽ giúp họ có thêm tự do và gia tăng bình đẳng nam nữ.
Theo Uỷ ban bầu cử độc lập Afghanistan, khoảng 40% trong số hơn 9 triệu cử tri đã đăng ký là phụ nữ. Để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, hàng chục nghìn nhân viên an ninh Afghanistan đã được triển khai trên khắp 34 tỉnh ở nước này. Trước đó, phiến quân Taliban đã đe dọa cử tri phải tránh xa các điểm bỏ phiếu nếu không sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Tham gia tranh cử lần này, ban đầu có 18 ứng cử viên, song đã có 3 nhân vật quyết định rút. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, Ủy ban bầu cử đã không kịp cập nhật các lá phiếu và vẫn giữ nguyên tên 18 ứng cử viên. Trong số các ứng cử viên, hai nhân vật hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah.
Hải quân Colombia theo dõi chiếc tàu ngầm chở 8 tấn cocaine trên Thái Bình Dương ngày 19-9-2019. Ảnh: TTXVN
Colombia bắt giữ tàu ngầm vận chuyển 8 tấn ma túy trị giá 264 triệu USD: Văn phòng Chính phủ Colombia thông báo lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một tàu ngầm chở 8 tấn cocaine hydrochloride, có giá trị ước tính 264 triệu USD.
Đây là vụ bắt giữ tàu ngầm vận chuyển ma túy lớn nhất trong năm nay của Lực lượng Hải quân và Không quân Colombia với sự hỗ trợ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ khi tàu ngầm nói trên đang vận chuyển lượng lớn cocaine nói trên tới Trung Mỹ.
Theo truyền thông địa phương, chiếc tàu ngầm này được đóng tại vùng cửa sông thuộc thị trấn Tumaco, bang phía Tây Nam Nariño, Colombia, cũng là địa điểm xuất phát của con tàu.
Hiện các nhà chức trách Colombia đang tiến hành điều tra chủ nhân của số ma túy nói trên.
Vùng biển của Colombia là một trong những điểm xuất phát của các chuyến vận chuyển cocaine bằng tàu ngầm tới Trung Mỹ và Mỹ.
Ảnh: Reuters.
Xét xử vụ bê bối dược phẩm lớn nhất lịch sử Pháp: Hôm 23/9, phiên tòa xét xử một trong những bê bối dược phẩm lớn nhất trong lịch sử Pháp bắt đầu.
Phiên tòa nhằm xác định xem liệu công ty sản xuất một loại thuốc giảm cân có phản ứng phụ gây chết người có che giấu những rủi ro này hay không.
Cùng đứng chung trong danh sách bị cáo, ngoài hãng dược phẩm tư nhân Servier có Cơ quan quản lý dược phẩm của Chính phủ Pháp và 21 cá nhân khác. Bên đi kiện là hơn 2.600 nguyên đơn, những người cho rằng hãng Servier đã lừa dối bệnh nhân trong hàng thập kỷ, còn các cơ quan chức năng thì buông lỏng trách nhiệm.
Vụ án gây rúng động nước Pháp bởi nhà chức trách cho hay có tới 5 triệu bệnh nhân đã sử dụng loại thuốc giảm cân Mediator trước khi nó bị thu hồi, gây ra cái chết của 500 đến 2.000 người. Thuốc Mediator của hãng Servier chiết suất từ chất kích thích Amphetamine, được bào chế nhằm điều trị chứng béo phì ở các bệnh nhân tiểu đường típ 2, tuy nhiên cũng được kê cho những ai muốn giảm ăn.
Động đất mạnh ở Pakistan khiến 1 đoạn đường bị sạt lở. Ảnh: CBS News |
Động đất tại Pakistan, 21 người chết, hơn 320 người bị thương: Trận động đất mạnh 5,8 độ rích-te, cách Thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 120km về phía Đông Nam vào ngày 24/9, số người chết đã lên đến 21 người và hơn 320 người bị thương.
Giới chức địa phương cho biết, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Mirpur thuộc khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nơi có 20 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương.
Chủ tịch Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) Muhammad Afzal cho biết các đội cứu hộ đã tích cực tìm kiếm những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các mặt hàng thực phẩm, thuốc men, mền, lều và máy phát điện được gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi trong cuộc họp báo tại Manama, Bahrain, ngày 15/12/2014. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thái tử Saudi Arabia thừa nhận chỉ đạo ám sát nhà báo Jamal Khashoggi: Reuters đưa tin, theo một phóng sự của đài PBS, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 26/9 cho biết, ông chịu trách nhiệm đối với vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018 do các đặc vụ của nước này thực hiện “bởi vì việc đó diễn ra dưới sự giám sát của tôi.”
Đây là lần đầu tiên Thái tử Mohammed bin Salman, người nắm quyền thực tế ở vương quốc này, công khai thể hiện trách nhiệm giải trình cá nhân đối với vụ ám sát diễn ra trong tòa lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ do các đặc vụ của Riyadh thân cận với ông này.
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và một số chính phủ phương Tây đã tuyên bố họ tin rằng ông Salman đã ra lệnh, nhưng các quan chức Saudi Arabia lại khẳng định rằng vị Thái tử không có vai trò gì trong vụ việc này.
Trao đổi với người dẫn chương trình Martin Smith của đài PBS, Thái tử Mohammed bin Salman nêu rõ: “Vụ việc này đã diễn ra dưới sự giám sát của tôi. Tôi chịu mọi trách nhiệm bởi vì việc này đã diễn ra dưới sự gi ám sát của tôi.”
Một phòng khám ở Triều Tiên. (Nguồn: en.wikipedia.org)
Hai tổ chức quốc tế được miễn trừ lệnh trừng phạt Triều Tiên: Hai tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bác sỹ Không biên giới (MSF) đã được Liên hợp quốc tạm thời miễn trừ các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Với quyết định này, hai tổ chức trên được phép triển khai các dự án cứu trợ tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Ngày 28/9, hãng tin Yonhap dẫn thông báo trên trang thông tin điện tử của Liên hợp quốc cho biết hai tổ chức trên sẽ được đưa vật dụng y tế cần thiết phục vụ các dự án cứu trợ của họ tại Triều Tiên trong thời gian sáu tháng. Thông báo này có hiệu lực với WHO từ ngày 20/9 và với MSF từ ngày 23/9.
Với lệnh miễn trừ này, WHO được triển khai các trang thiết bị y tế liên quan tới vắcxin phòng bệnh, chăm sóc tích cực, chăm sóc y tế giai đoạn cấp cứu, các thiết bị chẩn đoán đối với bệnh lao kháng thuốc và lập một cơ sở sản xuất túi đựng máu.
Tương tự, lệnh miễn trừ cũng tạo điều kiện cho MSF thực hiện một số dự án chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Bắc Hamgyong. Từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân. Đến nay, Liên hợp quốc đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực thương mại, vũ khí, vận tải, tài chính, ngoại giao,...
Thời tiết cực đoan đã khiến các bang của Ấn Độ chịu hậu quả nặng nề. Ảnh: Reuters
Lũ lụt hoành hành Ấn Độ, 44 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán: Đã có ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán tại bang biền Bắc Uttar Pradesh sau khi mưa kéo dài gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại bang này.
Ngày 28/9, Cơ quan Giảm thiểu thiên tai bang Uttar Pradesh xác nhận con số nạn nhân nói trên và lực lượng cứu hộ đang tập trung vào hoạt động giải cứu và giảm thiểu những tác động tiêu cực thiên tai tại những vùng bị ảnh hưởng. Đa số nạn nhân là do đuối nước, điện giật, và tường nhà đổ vào người.
Theo giới chức địa phương, mưa lớn kéo dài trong hai ngày đêm đã ảnh hưởng chủ yếu đến các khu vực nằm dọc bên bờ hai con sông lớn ở bang Uttar Pradesh, nơi tập trung đông dân cư.
Ngoài ra, hàng nghìn người dân tại bang này đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, tạm trú trong các lán trại ở nơi có địa hình cao. Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trong những ngày tới tại bang Uttar Pradesh.
Hồi tuần trước, các trận lũ quét do mưa lớn kéo dài đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng tại bang miền Tây Maharashtra.