Thị trấn Nghèn - dấu ấn tuổi 40

(Baohatinh.vn) - 40 năm kể từ ngày thành lập, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng hiện đại, văn minh.

Thị trấn Nghèn từng có tên là Đan Liên, Trảo Nha, Đại Lộc, là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, thời kỳ nào cũng có người học hành, đỗ đạt cao. Người dân nơi đây giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ những hạt giống đỏ đầu tiên trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà con nơi đây đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, góp phần làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

Một góc đô thị Nghèn hôm nay.

Vào ngày 16/8/1945, cùng với khí thế sục sôi của người dân huyện nhà, bà con ở Nghèn cũng đã kéo lên huyện đường tham gia đấu tranh, khởi nghĩa. Nơi đây trở thành địa phương giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất.

Năm 1953, địa danh Trảo Nha được chia tách thành 2 xã Đại Lộc và Tiến Lộc. Phát huy truyền thống yêu nước của cha ông, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng trăm người con trên mảnh đất này đã không tiếc máu xương, lên đường ra trận, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ở hậu phương, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, người dân Đại Lộc, Tiến Lộc đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi. Nhân dân làng Hạ Lội (xã Tiến Lộc) trong một đêm đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận, tên Làng K130 cũng bắt đầu từ đó. Năm 2006, Làng K130 đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Làng K130 đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2006.

Trải qua 2 cuộc trường chinh của dân tộc và công cuộc bảo vệ Tổ quốc, thị trấn Nghèn có 304 liệt sĩ, hơn 470 thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam; 28 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; xã Đại Lộc và Tiến Lộc vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, cùng với cả nước, Nhân dân Can Lộc khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 27/10/1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 141, thành lập thị trấn Can Lộc trên cơ sở một phần diện tích và dân số của 2 xã Đại Lộc và xã Thiên Lộc. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn đã đoàn kết một lòng, biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngày 2/8/1999, theo Nghị định số 63/1999/NĐ-CP của Chính phủ, toàn bộ diện tích và dân số của xã Đại Lộc được sáp nhập vào thị trấn Can Lộc và đổi tên thị trấn Can Lộc thành thị trấn Nghèn. Từ một vùng đất thuần nông, thị trấn Nghèn đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển thương mại - dịch vụ. Nhiệm vụ xây dựng NTM cũng được triển khai bằng những bước đi cụ thể, sáng tạo như: xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho Nhân dân, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…

Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tiến Lộc vào thị trấn Nghèn. Sau khi sáp nhập, thị trấn Nghèn có diện tích 18,33 km2, dân số gần 17 nghìn người; Đảng bộ có trên 1.050 đảng viên.

40 năm kể từ ngày thành lập (1984-2024), dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành, huyện Can Lộc đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển thị trấn Nghèn. Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, gắn với xây dựng đô thị loại IV. Thị trấn đã huy động hàng trăm tỷ đồng, hàng vạn ngày công, nhiều hộ dân hiến tặng đất đai để mở rộng đường làng, ngõ xóm...

Kinh tế thị trấn Nghèn phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; cơ sở kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng. Hiện tại, thị trấn Nghèn đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí về đô thị văn minh; diện mạo đô thị ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Người dân thị trấn Nghèn hiến đất mở đường xây dựng đô thị văn minh.

Đặc biệt, trong năm 2024, với sự quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản phẩm ước đạt gần 1.000 tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ đạt trên 80%; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57%. Các lĩnh vực quản lý Nhà nước được tăng cường; văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chăm lo; QP-AN giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ thị trấn đến các tổ dân phố ngày càng được tăng cường vững mạnh. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, Nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Xuân mới đã trở về trên vùng quê văn hóa, cách mạng. Mùa xuân đặc biệt đánh dấu chặng đường 40 năm đầy nỗ lực trong hành trình vươn mình của thị trấn Nghèn. Niềm vui càng trở nên trọn vẹn hơn trong dịp trọng đại này, thị trấn Nghèn được Bộ Xây dựng ban hành quyết định công nhận là đô thị loại IV. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Nghèn tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói