Báo cáo của IDC về lĩnh vực máy tính cho thấy thị trường này đã tăng trưởng 14,8% năm 2021. Sản lượng máy tính để bàn, laptop và máy trạm đạt khoảng 349 triệu chiếc, bằng với doanh số giai đoạn cao điểm năm 2012, và tăng 34% so với năm thấp điểm nhất (2017).
Tại Việt Nam, 2021 cũng được đánh giá là năm thành công của thị trường máy tính. Theo báo cáo 5 tháng đầu năm 2021 của một đơn vị nghiên cứu độc lập, thị trường laptop gaming trong nước tăng trưởng kỷ lục 217%, chiếm 20% doanh thu mảng máy tính xách tay nói chung.
Doanh số thị trường PC 10 năm gần nhất. Ảnh: CNBC
Tại lễ khai trương Trung tâm laptop và PC tại Hà Nội hồi tháng 12/2021, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động FPT Shop, cho biết quy mô thị trường máy tính để bàn Việt Nam hiện ước tính khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng, trong khi thị trường laptop vào khoảng 15.000 tỷ đồng, chưa tính đến các thiết bị máy trạm, thiết bị doanh nghiệp.
Đức Tiến, đại diện một hệ thống bán lẻ thiết bị vi tính tại Hà Nội, cũng cho biết cửa hàng từng lập kỷ lục doanh số vào năm 2020 do nhu cầu sử dụng máy tính tăng vọt trong đại dịch. Sang năm 2021, doanh số tiếp tục tăng cao hơn 20% và là mức lớn nhất trong 5 năm qua.
“Đại dịch khiến cửa hàng phải hạn chế hoạt động trong khoảng 3 tháng của năm ngoái, nhưng nhu cầu máy tính quá lớn nên doanh số vẫn tăng mạnh”, anh Tiến nói. Ngoài máy tính phục vụ học và làm việc từ xa, các dòng máy tính phục vụ nhu cầu chơi game rất được người dùng quan tâm.
Người dùng mua máy tính tại một cửa hàng ở Hà Nội hồi tháng 3/2020. Ảnh: Lưu Quý
Theo CNBC , sự phục hồi của thị trường máy tính khá đặc biệt, bởi đây là lĩnh vực được các nhà đầu tư đánh giá là không còn hấp dẫn. Doanh số máy tính suy giảm liên tục mười năm qua, trong bối cảnh điện thoại thông minh dần trở thành thiết bị điện tử quan trọng nhất với người dùng. Sự tăng trưởng của smartphone đã ăn vào thị phần của máy tính cá nhân.
Tuy nhiên, Covid-19 đã thúc đẩy lĩnh vực này “sống” trở lại. “Các gia đình phải mua thêm máy tính để con học từ xa. Người làm việc tại nhà cũng cần trang bị thiết bị mới”, CNBC nhận định.
Còn theo Jitesh Ubrani, Giám đốc nghiên cứu của IDC, ngoài việc phục vụ nhu cầu giáo dục, máy tính chơi game cũng trở thành sản phẩm tăng trưởng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hiện có hai luồng dự đoán về sự phát triển của máy tính sau Covid-19. Một bên tin thị trường sẽ tiếp tục phát triển, nhưng số khác cho rằng thị trường sắp quay trở lại chu kỳ suy giảm trước đây, khi đại dịch đã được kiểm soát.
IDC cho rằng thị trường có thể đã đạt đỉnh vào năm 2021 và nhu cầu sẽ giảm dần vào năm 2022. “Sau hai năm tăng trưởng ở mức hai con số, thị trường PC sẽ bắt đầu chậm lại vào năm nay. Xét trong giai đoạn 5 năm, đến 2025, thị trường có thể vẫn tăng trung bình 3,3% mỗi năm, nhưng nhiều khả năng tập trung vào phân khúc máy tính xách tay”, IDC dự báo. Sự hạn chế của nguồn cung, khủng hoảng bán dẫn sau giai đoạn bùng nổ vừa qua cũng sẽ kìm hãm đà phát triển của mảng sản phẩm này.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Rahul Tikoo của Dell, nói dù đại dịch được kiểm soát, nó đã thay đổi hành vi sử dụng thiết bị của người dùng. “Mỗi người đều cần một chiếc PC của riêng mình. Chúng tôi đang chuyển từ chiến lược PC cho mỗi gia đình sang PC cho mỗi người trong gia đình, giống như điện thoại thông minh vậy”, Rahul Tikoo nói.
Tại Việt Nam, nhiều cửa hàng máy tính cũng dự báo nhu cầu sắp tới có thể sẽ không còn cao như hai năm qua, khi nhiều hoạt động offline trở lại bình thường. “Nhu cầu lớn của thị trường đã được giải quyết cơ bản. Doanh số năm nay có thể vẫn cao, nhưng không thể bằng giai đoạn vừa qua, mà sẽ tập trung vào một số mảng nhất định, chẳng hạn máy tính chơi game. Ngoài ra, người dùng có xu hướng nâng cấp thêm phụ kiện cho PC như chuột, phím cao cấp, bàn ghế công thái học... có thể sẽ phát triển mạnh”, ông Tiến nhận định.