Thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Quốc hội thảo luận về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 5/5, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trước đó, trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vào sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung sau: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại Kỳ họp chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được sử dụng con dấu của Quốc hội, có cơ quan thường trực là Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Danh sách 15 thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban;

- Ông Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban;

- Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban;

- Ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban.

- Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên thường trực;

- Ông Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên thường trực;

- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên thường trực;

- Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Ủy viên;

- Ông Dương Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, Ủy viên;

- Ông Lê Quang Tùng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên;

- Ông Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ủy viên;

- Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên;

- Ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ủy viên;

- Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên;

- Ông Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói