Tên gọi xã mới sau sáp nhập ở Hà Tĩnh: Khi ý Đảng - lòng dân hòa quyện

(Baohatinh.vn) - Tên các xã, phường mới sau sáp nhập ở Hà Tĩnh được đặt trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập…, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phường Vũng Áng là tên gọi mới được tỉnh lựa chọn khi xây dựng phương án sáp nhập 3 đơn vị: phường Kỳ Long, phường Kỳ Thịnh và xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh). Sở dĩ tên gọi này được lựa chọn bởi cả 3 phường, xã này đều nằm gọn trong Khu Kinh tế Vũng Áng. Vũng Áng cũng là cái tên đã được định vị rộng rãi trên bản đồ trong nước và quốc tế với cảng biển nước sâu, nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế.

Ông Chu Văn Đức - người dân thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi chia sẻ: “Vũng Áng là tên gọi ý nghĩa và phù hợp khi nhập phường Kỳ Long, phường Kỳ Thịnh và xã Kỳ Lợi với nhau. Khi nhắc đến Vũng Áng, người ta sẽ biết ngay là ở khu vực khu kinh tế của Hà Tĩnh.”

Cảng Vũng Áng ở Khu Kinh tế Vũng Áng đã được định vị tên gọi trong nước và quốc tế.
Cảng Vũng Áng ở Khu Kinh tế Vũng Áng đã được định vị tên gọi trong nước và quốc tế.

Suy nghĩ của ông Đức cũng là suy nghĩ của đa số người dân các phường, xã được sáp nhập thành phường mới Vũng Áng. Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND phường Kỳ Thịnh cho biết: “Khu kinh tế Vũng Áng ra đời đã mang đến nhiều phát triển, thay đổi cho địa phương. Vì vậy, khi thành lập phường mới, việc đặt tên Vũng Áng, tất cả bà con đều đồng thuận và kỳ vọng Vũng Áng mới sẽ phát triển hơn nữa".

Vinh dự và tự hào là cảm xúc của đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân các phường Thạch Trung, Đồng Môn, Thạch Hạ và xã Hộ Độ (TP Hà Tĩnh) khi sau sáp nhập tên gọi phường mới được đặt là phường Trần Phú - tên cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

bqbht_br_dsc-7114-copy.jpg
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Hộ Độ đồng tình cao với tên gọi mới sau sắp xếp - phường Trần Phú.

Ông Phan Đình Hinh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hộ Độ bày tỏ: “Mặc dù 4 đơn vị sáp nhập không có đơn vị nào mang tên Trần Phú, nhưng khi được lựa chọn tên của vị cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con xuất sắc của quê hương Hà Tĩnh, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Hộ Độ nói riêng, các phường còn lại nói chung đều đồng tình rất cao. Qua xin ý kiến Nhân dân ở các địa bàn, tỷ lệ đồng thuận đạt từ 99-100%. Với tên gọi này, mỗi người dân phường mới Trần Phú sẽ càng phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với chí khí, tinh thần cách mạng của đồng chí Trần Phú”.

Theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã do UBND tỉnh ban hành, tỉnh sắp xếp từ 209 ĐVHC cấp xã giảm còn 69 đơn vị, đạt tỷ lệ 67%. Trong số 69 xã, phường mới hình thành sau sáp nhập, có 2 xã là Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) được giữ nguyên hiện trạng và tên gọi, còn lại các xã, phường khác hoặc mang một tên gọi mới, hoặc lựa chọn một tên gọi cũ làm tên chung. Những tên gọi được đặt trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập…

Đình Tứ Mỹ là nơi thành lập Đảng bộ huyện Hương Sơn và phong trào cách mạng 1930-1931.
Đình Tứ Mỹ là nơi thành lập Đảng bộ huyện Hương Sơn và phong trào cách mạng 1930-1931.

Ngoài rất nhiều tên gọi đã đi vào tiềm thức của người dân được giữ nguyên như: xã Tùng Lộc, Mai Phụ, Sơn Tiến, Thiên Cầm, Cẩm Lạc, Cẩm Bình, Đồng Lộc…, nhiều địa phương được lựa chọn tên gọi theo giá trị văn hóa truyền thống như: xã Trường Lưu - một vùng văn hóa của huyện Can Lộc; xã Tiên Điền, xã Cổ Đạm - những vùng văn hóa của huyện Nghi Xuân; phường Thành Sen - tên thành cổ xưa của thành phố Hà Tĩnh..., lại có những xã được đặt tên dựa trên truyền thống lịch sử, là địa danh nơi gieo hạt nảy mầm của truyền thống cách mạng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của địa phương đó, như: xã Tứ Mỹ (Hương Sơn); xã Mai Hoa (Vũ Quang)...

bqbht_br_adji-0530-copy-copy.jpg
Thành Sen - tên thành cổ xưa của thành phố Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, có xã được gọi tên với bản sắc địa lý vùng miền như xã Thượng Đức - gồm 3 xã của huyện Vũ Quang hiện tại là Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên; phường Hoành Sơn - gồm 3 đơn vị dưới chân dãy núi Hoành Sơn thuộc TX Kỳ Anh là xã Kỳ Nam, phường Kỳ Phương, phường Kỳ Liên; xã Đồng Tiến với 3 xã Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Hội thuộc TP Hà Tĩnh…

bqbht_br_dsc-7164-copy.jpg
Mỗi tên gọi được đặt trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập…

Để không mất đi tên gọi huyện cũ - gắn liền với tiến trình phát triển của địa phương, nhiều nơi chọn tên xã là tên huyện cũ đối với các đơn vị vùng trung tâm huyện, như: xã Cẩm Xuyên, xã Nghi Xuân, xã Thạch Hà, xã Lộc Hà, xã Đức Thọ, xã Hương Khê, xã Hương Sơn...; hoặc ghép thêm phương hướng địa lý vào tên thị xã cũ như phường Bắc Hồng Lĩnh, phường Nam Hồng Lĩnh…

Ông Trần Quốc Phú, người dân tổ dân phố 6, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh chia sẻ): “TX Hồng Lĩnh sau sáp nhập chỉ còn lại 2 phường. Trong đó, Bắc Hồng và Nam Hồng là những phường có bề dày lịch sử,… Để giữ tên phường và cũng không mất đi tên gọi của thị xã dưới chân núi Hồng thì Nam Hồng Lĩnh và Bắc Hồng Lĩnh là phương án tối ưu và chúng tôi rất đồng tình”.

Mỗi tên phường, tên xã mới được lựa chọn đều gắn bằng tất cả kỳ vọng và tin yêu gửi gắm cho sự phát triển tương lai.
Mỗi tên phường, tên xã mới được lựa chọn đều gắn bằng tất cả kỳ vọng và tin yêu gửi gắm cho sự phát triển tương lai.

Ông Nguyễn Viết Trường - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chia sẻ: “Tên gọi các xã mới sau sắp xếp không chỉ cái tên hành chính mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quá trình phát triển của địa phương; phù hợp truyền thống văn hóa - lịch sử, diện tích dân số từng vùng miền và đặc biệt là bám sát các văn bản, hướng dẫn của Trung ương. Để tham mưu tên gọi mới, Sở VH-TT&DL đã chủ trì, phối hợp, làm việc với các sở, ngành liên quan và các địa phương để xin ý kiến góp ý, thảo luận. Quá trình đó, nếu địa phương đề xuất phương án phù hợp, sở tiếp thu hoàn chỉnh và trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. 69 tên gọi mới được đưa ra xin ý kiến Nhân dân đều nhận được sự đồng tình rất cao. Điều đó càng thể hiện phương án đề xuất được chuẩn bị công phu, đảm bảo chất lượng và cũng cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân đối với sự phát triển của quê hương”.

Mỗi tên phường, tên xã mới được lựa chọn đều gắn bằng tất cả kỳ vọng và tin yêu gửi gắm cho sự phát triển tương lai. Đó không chỉ là danh xưng hành chính, dấu hiệu để phân biệt trên bản đồ mà còn là hồn cốt một vùng đất, miền quê, là nơi kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống được bồi đắp qua bao thế hệ đi trước trao truyền cho thế hệ sau. Từ đó, nhân lên cội nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, làm động lực để gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương.

Chủ đề Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

Có thể bạn quan tâm