Bí Thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn điều hành buổi thảo luận
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
Bên cạnh việc nhất trí với các nội dung, dự thảo nghị quyết dự kiến trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, các đại biểu đã có một số ý kiến, kiến nghị góp ý nhằm đảm bảo các nghị quyết sắp ban hành có tính khả thi cao, phù hợp thực tiễn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức tham gia ý kiến về xử lý các dự án "treo" trên địa bàn.
Theo đó, về việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019-2025, các đại biểu đề nghị cần nêu rõ đối tượng, tổ chức được hưởng chính sách; quy định định mức cho vay cụ thể để tránh lợi dụng chính sách.
Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 96/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, các đại biểu cho rằng tỷ lệ giáo viên cốt cán một số địa phương còn khó khăn do số lượng ít; đặc biệt, đối với bậc học mầm non trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện nay sĩ số trẻ/lớp khá đông, vượt quá quy định nên cần có giải pháp cụ thể và cấp bách đối với việc thiếu giáo viên.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung: Việc tăng biên chế giáo viên hiện nay rất khó khăn, do vậy phải tính đến việc điều chuyển
Về nghị quyết quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố, các đại biểu phân tích mặc dù có nhiều sửa đổi nhưng phù hợp với chủ trương của cấp trên. Tuy nhiên, nên điều chỉnh quy định về số lượng người trực tiếp tham gia.
Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt: Bên cạnh chú trọng giáo dục mũi nhọn cần quan tâm đến giáo dục đại trà. Theo đó, số điểm đầu vào trung học phổ thông hiện nay rất đáng báo động, điều này đặt ra vấn đề về chất lượng giáo viên, quy hoạch hệ thống trường lớp
Liên quan đến việc điều chỉnh, sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố tại các xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Tĩnh, các đại biểu đề xuất việc sáp nhập cần tính đến các tổ dân phố nằm trong vùng giải phóng mặt bằng, chia cách địa lý…
Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc: Cần tiếp tục làm rõ các giải pháp triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng địa phương để đạt cao nhất chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất các vấn đề như có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất; quản lý chặt chẽ hơn việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; quan tâm xã hội hóa các nguồn xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; đề nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh Quyết định số 33 về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt theo định hướng; việc tuyên truyền để tiếp cận, đưa nghị quyết vào cuộc sống cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham gia đóng ý kiến tại buổi thảo luận.
Đặc biệt, các đại biểu đề xuất, cần xử lý dứt điểm đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, TP Hà Tĩnh đang trở thành “lực hút” của các nhà đầu tư nhưng cần có sự nghiên cứu lựa chọn tránh tràn lan, không khả thi, “vẽ đẹp mà làm không đẹp”.
Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao các ý kiến của đại biểu. Đây là những đóng góp rất quan trọng từ cơ sở, tổ thư ký sẽ tổng hợp vào báo cáo chung của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao các kết quả KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm mà Hà Tĩnh đạt được. Đó là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Tuy chất lượng tăng trưởng 12,78% khá cao nhưng nếu không tập trung, không có động lực tăng trưởng mới sẽ bị tụt hậu; tỷ lệ giải ngân đầu tư công một số dự án còn chậm; các dự án kêu gọi đầu tư nhiều nhưng tỉ lệ triển khai thấp.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp tại buổi thảo luận, đồng thời tập trung phân tích các nội dung trình kỳ họp HĐND sắp tới. Theo đó, liên quan đến vấn đề xung quanh lĩnh vực giáo dục cần bố trí, sắp xếp, cân đối, điều chuyển trên phạm vi cả tỉnh; có giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng, có địa chỉ đối với nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đồng thời phải gắn với kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở vừa công bố…